Đem cây phát sáng trong Avatar vào đời thực

Mèo Lợn, Theo 00:01 27/11/2010

Các nhà khoa học Đài Loan đã thành công bước đầu rồi nhé! <img src='/Images/EmoticonOng/03.png'>

Chúng ta đã quá quen với hình ảnh đường phố trong đêm được chiếu sáng bởi những ngọn đèn vàng ấm áp. Tuy nhiên, hình ảnh đó có thể sẽ biến mất khi các nhà khoa học đang nghĩ tới việc thay thế đèn đường bằng việc cho lá cây phát sáng. Các nhà nghiên cứu đến từ Viện Sinica và Đại học Quốc gia Cheng Kung của Đài Loan đã cấy thành công các hạt nano sinh học siêu nhỏ có khả năng phát sáng vào lá cây.
 
Hãy tưởng tượng ban đêm tại thành phố của chúng ta cũng lung linh hệt như những gì xuất hiện trong Avatar với những hàng cây phát ra ánh sáng rực rỡ và kỳ ảo.
 
Nếu chưa được như thế này…
 
Những hạt nano mới này có thể thay thế đèn đường một cách hoàn hảo bằng ánh sáng của chúng, ngoài ra việc có thêm cây sẽ giúp giảm lượng khí CO2 trong không khí, đem tới cho con người môi trường xanh sạch hơn.
 
Một nhà khoa học thuộc dự án này cho biết: “Trong tương lai, loại đèn LED-sinh học như thế này có thể được dùng chiếu sáng đường phố vào ban đêm. Chúng sẽ giúp tiết kiệm năng lượng và hút khí CO2 vì việc đèn LED-sinh học phát sáng sẽ khiến diệp lục tiến hành sự quang hợp.”
 
Hạt nano mới này chính là yếu tố quyết định việc biến lá cây từ chỗ hấp thụ ánh sáng sang việc sản xuất ánh sáng. Bình thường, chất diệp lục sẽ hấp thụ ánh sáng mặt trời, tuy nhiên dưới những điều kiện đặc biệt như khi được chiếu tia cực tím, chúng cũng có thể tự phát quang. Khi chiếu chúng dưới ánh sáng có bước sóng khoảng 400 nanomet, màu xanh thông thường của diệp lục sẽ chuyển qua màu đỏ.
 
… thì ít nhất cũng thế này nhỉ?
 
Vấn đề còn lại là tìm một nguồn tia cực tím để kích thích lá cây phát sáng và các nhà khoa học đã thấy chúng trong loại hạt nano mới. Họ sẽ chiếu ánh sáng với bước sóng vô hình dưới mắt người vào các hạt nano và chúng sẽ tự phát sáng màu tím. Ánh sáng tím chiếu tới các diệp lục và tới lượt mình, diệp lục phát ra ánh sáng đỏ.
 
Những nhà phát minh đang kỳ vọng rằng các cây được cải tạo theo cách này sẽ sinh ra đủ ánh sáng để thay thế đèn đường thông thường. Tuy cũng tốn điện năng nhưng chúng còn đem lại tác dụng về môi trường, một điều rất đáng quý.
 
Hiện tại, hiệu ứng cây phát sáng này mới chỉ nằm trong các thử nghiệm khoa học và mới chỉ có một loại cây thủy sinh được ứng dụng. Người ta sẽ phải tìm cách cấy phân tử nano và lá của các loại cây vẫn được trồng ven đường và điều đó sẽ đòi hỏi phải có thời gian. Dù sao thì cũng hy vọng có một ngày những hàng cây đó sẽ tỏa sáng hàng đêm thay cho những ngọn đèn khô khan.