Công bố bản đồ đắm tàu Titanic, thiên thạch đâm xuyên nóc nhà

Lê Giang, Theo Mask Online 10:56 13/03/2012

Cùng các cập nhật: Nhiệt độ toàn cầu tăng cao bất thường, sóc xám uống sinh tố bằng ống hút, vải tự phát sáng và tự làm sạch...

Công bố bản đồ vùng đắm tàu Titanic đầu tiên


Bản đồ toàn diện nhất về vụ đắm tàu Titanic vừa được hoàn thành khi các nhà nghiên cứu lắp ghép 130.000 bức ảnh do robot dưới nước chụp dưới đáy Đại Tây Dương. Trông như bề mặt Mặt trăng, bản đồ cho thấy các mảnh vỡ và bộ phận của con tàu văng khắp khu vực rộng 15 dặm vuông (khoảng 39km vuông) dưới đáy đại dương.

Những hình ảnh chi tiết có thể cung cấp manh mối về các sự kiện xảy sau khi con tàu hạng sang được coi là “không thể chìm” nhưng đã va vào tảng băng và chìm nghỉm vào ngày 15/4/1912, khiến hơn 1.500 hành khách và phi hành đoàn trên tàu thiệt mạng.


Đây không phải là lần đầu tiên vụ chìm tàu Titanic được vẽ bản đồ. Những nỗ lực đầu tiên được thực hiện ngay sau khi địa điểm vụ chìm tàu được xác định vào năm 1985. Các nhà thám hiểm sử dụng những bức ảnh chụp bởi các camera gắn trên những phương tiện được điều khiển từ xa. Tuy nhiên, những bản đồ này đều chưa hoàn thiện vì chỉ tái hiện một số khu vực của vụ chìm tàu. Khoảng 40% địa điểm vụ chìm tàu vẫn chưa được nghiên cứu và tái hiện đầy đủ.

Trông như bề mặt Mặt trăng, bản đồ cho thấy các mảnh vỡ và bộ phận của con tàu văng khắp khu vực rộng.

Bản đồ khảo sát toàn diện đầu tiên được thực hiện từ năm 2010 nhằm bảo tồn di sản của mọi thời đại. Đây là dự án được thực hiện bởi nhiều cơ quan, như Công ty RMS Titanic, Viện nghiên cứu hải dương Wood Hole, Cơ quan nghiên cứu khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) và kênh truyền hình History của Mỹ.

Con tàu bị đắm được tìm thấy vào ngày 1/9/1985, cách địa điểm cuối cùng được ghi nhận về vụ chìm tàu 13 dặm (khoảng 21km). Titanic bị chìm ngay khi đang thực hiện hành trình đầu tiên từ Southampton tới New York và đã trở thành con tàu huyền thoại.

(Nguồn tham khảo: Huffington Post)

Vải tự phát sáng, tự làm sạch


Thay vì phải mang theo cả vali quần áo khi đi du lịch, rất có thể trong tương lai, bạn sẽ chỉ cần mang theo vài, thậm chí là một bộ quần áo được làm bằng chất liệu đặc biệt, cho phép... tự làm sạch.

Hy vọng sẽ làm nâng cao đời sống của con người trong tương lai, tại Bồ Đào Nha, thời gian qua, các nhà khoa học thuộc trung tâm công nghệ Nano và vật liệu thông minh CENTI đã nghiên cứu một loại vật liệu có khả năng tự phát điện, đủ để làm quần áo và các sản phẩm làm từ vải phát sáng. Với chất liệu này, những tấm rèm cửa của bạn hoàn toàn có thể... tự phát sáng. Bí mật nằm ở các tấm điện quang linh hoạt có thể tạo ra điện dùng để thắp sáng đèn LED ở bên trong.


Theo ông Joan Gomes, trưởng nhóm nghiên cứu, nguyên tắc hoạt động của chất liệu này là hấp thu năng lượng Mặt trời vào ban ngày và phát sáng hoặc cung cấp năng lượng cho các thiết bị trong nhà vào ban đêm. Những gì mà bạn cần chỉ là: “có một vật hay tiếp xúc với ánh nắng Mặt trời, như thảm hoặc rèm cửa”. Loại chất liệu này có thể được dùng để may quần áo và nhờ vào lượng điện tích tụ, bạn có thể sạc điện thoại ở bất kì đâu nhờ vào những thứ đang mặc trên người. Ngoài ra, trung tâm CENTI đang nghiên cứu các loại vải sợi tự làm sạch và hy vọng có thể kết hợp những công nghệ này với nhau.

Ông Antonio Viera, Tổng giám đốc CENTI hào hứng nói: “Cứ thử tưởng tượng bạn không phải giặt giũ thường xuyên và có thể đi du lịch với một bộ đồ đơn giản tự làm sạch. Tôi thực sự nghĩ rằng tất cả những ý tưởng mới này có thể làm nâng cao cuộc sống của con người trong những năm tới đây”. Được biết, các nghiên cứu của CENTI là một phần trong dự án hợp tác của Ủy Ban châu Âu. Nếu dự án này thành công, nó sẽ không chỉ mang lại giá trị thương mại mà còn có tính thực tiễn cao trong cuộc sống.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

“Dân số” chim biển giảm báo động


Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí của Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế, “dân số” của gần một nửa loài chim biển trên thế giới đang suy giảm ở mức đáng báo động, nhất là chim hải âu. Theo đó, trong số 346 loài chim biển, có 47% đang bị hoặc nghi bị suy giảm dân số, và 97 loài trong số này (chiếm 28%) đang có nguy cơ tuyệt chủng.


Nguyên nhân của tình trạng này được quy cho hoạt động đánh bắt cá thương mại và sự sinh sôi nhanh chóng của loài chuột và các loài xâm lấn khác. Theo các nhà bảo tồn, hoạt động đánh bắt cá thương mại khiến cá - thức ăn chính của chim biển bị cạn kiệt cũng như làm nhiều chim biển bị mắc lưới chết. Ngoài ra, sự sinh sôi của loài chuột, mèo hoang đã dẫn đến một lượng lớn trứng và chim con bị ăn thịt, tàn phá môi trường sống của chim.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, hiện vẫn còn thời gian để cứu chim biển, bằng cách thiết lập những địa điểm dành riêng cho chúng để chúng có thức ăn và nơi sinh đẻ an toàn, và những địa điểm này phải được bảo vệ. Chim biển chỉ chiếm 3,5% trong đại gia đình các loài chim trên thế giới nhưng có vai trò quan trọng trong việc giúp dự báo “sức khỏe” của các đại dương.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Sóc xám uống sinh tố bằng ống hút


Cuộc thử nghiệm dưới đây đã chứng tỏ rằng, khi đề cập đến kỹ năng giải quyết vấn đề, không ai có thể đánh bại được loài sóc xám. Vị khách hàng thông thái với chiếc đuôi xù đã chứng tỏ ngay bản lĩnh của mình bằng việc học cách sử dụng ống hút để uống sinh tố bơ đậu phộng từ một cốc thủy tinh cao gần bằng độ dài thân người nó.


Để "chinh phục" ly sinh tố này, ban đầu, chú sóc tinh quái kiễng 2 chân sau để với tới thành cốc nhưng cũng chỉ có thể thò đầu vào nhìn thứ thức uống ngon tuyệt bên trong mà thèm rỏ dãi. Loay hoay một hồi lâu, cuối cùng, sau 2 tiếng, vị khách mới nhận ra rằng ngậm ống hút đỡ mỏi cổ hơn nhiều.

Cái ly quá cao, dù đứng bằng hai chân sau, chú sóc cũng không thể thò đầu vào uống.

Sau 2 tiếng, sóc mới nhận ra phải học cách uống bằng ống hút.

Giờ thì chú ta có thể thỏa thích thưởng thức đồ uống rồi.

(Nguồn tham khảo: Tin180)

Thiên thạch đâm xuyên nóc nhà


Một cục thiên thạch vừa đâm xuyên qua mái vườn cây của một gia đình ở Oslo (Na Uy) và rơi xuống đất. Cục đá nặng 585gr và bị tách làm đôi sau khi rơi xuống. Theo các chuyên gia, có thể cục đá này có nguồn gốc từ thiên thạch quan sát được ở Na Uy vào ngày 1/3. Nhà vật lý học thiên thể Knut Joergen Roed Oedegaard và vợ Anne Mette Sannes, một người đặc biệt quan tâm tới các thiên thể, phát hiện ra vật thể này là breccia, tức là đá cấu tạo từ các mảnh vỡ của khoáng chất. 


Sannes nói, “đây là điều rất thú vị vì hiếm khi một mảnh thiên thạch đâm xuyên qua mái và đây lại là breccia, loại thiên thạch rất khó tìm”. Nhà nghiên cứu Serge Koutchmy ở Viện vật lý học thiên thể Paris cho biết, các thiên thạch chuyển động rất nhanh trong vũ trụ và thường bị vỡ ra khi đi vào tầng khí quyển của Trái đất nhưng rất hiếm khi chúng rơi vào những khu vực có người sinh sống. 
(Nguồn tham khảo: Đất Việt)

Nhiệt độ toàn cầu đang tăng cao bất thường


Viện nghiên cứu vũ trụ Goddard (GISS) thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) là cơ quan theo dõi xu hướng thay đổi nhiệt độ toàn cầu. Để phục vụ những đánh giá về xu hướng dài hạn, các nhà khí hậu học so sánh nhiệt độ trung bình của một giai đoạn cơ sở với nhiệt độ trung bình hàng năm, độ lệch giữa hai chỉ số này được gọi là bất thường.


GISS sử dụng nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1951 – 1980 là chỉ số cơ sở. Khác biệt giữa nhiệt độ trong giai đoạn này với nhiệt độ trung bình hàng năm được sử dụng để xác định những bất thường trong nhiệt độ toàn cầu cho một năm nào đó. Đồ thị trên đây cho thấy những bất thường của nhiệt độ toàn cầu trong giai đoạn 1800 – 2011.  

Nhìn vào đồ thị, trong giai đoạn 1880-1935, bất thường trong nhiệt độ toàn cầu luôn có giá trị âm. Ngược lại từ năm 1980 tới nay, những bất thường nhiệt độ luôn luôn dương. Năm 1917, có giá trị bất thường nhỏ nhất từng ghi nhận được. Kể từ năm đó tới nay, nhiệt độ toàn cầu tăng dần, những năm gần đây có độ bất thường lớn nhất trong 120 năm qua.

(Nguồn tham khảo: Đất Việt)