Chân dung động vật "quý tộc" bước ra từ cung điện Ấn Độ

Quyên Nhâm, Theo Trí Thức Trẻ 14:39 05/05/2014

Mỗi bức ảnh giúp người xem hiểu hơn về mối quan hệ giữa các loài động vật và nền văn hóa ở Ấn Độ.

Qua ống kính nhiếp ảnh, nghệ sĩ người Đức - Karen Knorr được xây dựng theo lối kết hợp giữa hình ảnh và câu dẫn giúp người xem cảm nhận ý nghĩa bức ảnh một cách rõ nét.

Mỗi bức ảnh của Karen Knorr thường xuyên sử dụng kĩ thuật ghép hình ảnh động vật, sự vật hay diễn viên quần chúng trên nền của bảo tàng hoặc di sản kiến trúc. Phương pháp này giúp Karen làm nổi bật sự đặc trưng cũng như làm toát lên sức mạnh vô hình trong văn hóa châu Âu và gần đây nhất là Ấn Độ.

Trong chuyến du lịch đến vùng đất phía Bắc Ấn Độ, bà đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp thiêng liêng của kiến trúc nơi đây nên đã quyết tâm cho ra đời bộ sưu tập "India Song". 

Trong bộ sưu tập này, Karen Knorr đã làm nổi bật nét văn hóa nghệ thuật phong phú cùng sự kỳ bí trong những câu chuyện thần thoại ở phía Bắc Ấn Độ. Qua mỗi bức ảnh, bà giúp người xem hiểu hơn về mối quan hệ giữa của các loài động vật với nền văn hóa quý tộc ở Ấn Độ.

Karen Knorr đã ghép hình động vật sống vào các công trình kiến trúc, tích hợp độ phân giải kỹ thuật số cao khiến cho bức ảnh hiện lên sắc nét.






Xuyên suốt bộ ảnh, tác giả muốn đề cao một trong những nguyên lý quan trọng của các tôn giáo chính ở Ấn Độ - “Ahimsa”. Ahimsa có nghĩa là không gây thương tích, không gây hại cho tất cả chúng sinh, bao gồm cả động vật. 






Thông qua hình ảnh những loài vật, tác giả cũng muốn thể hiện lòng sùng kính tôn giáo của các tín đồ với vị thần của mình.






Mỗi bức ảnh cũng đề cao sự tự do. Trong ý nghĩa chung, sự tự do bao hàm cả sự siêu thoát khỏi vòng sinh tử, chu kỳ cái chết và sự tái sinh.






Tác giả muốn gửi gắm thông điệp, để đạt được sự giải phóng, mỗi người phải tự nhận biết về bản thân, phá vỡ “cơ thể” - thứ đang giam cầm linh hồn thì mới đạt đến sự hoàn mỹ của tâm hồn.






(Nguồn tham khảo: FeatureShoot/Visual News)