Các phiên bản bà tiên hắc ám Maleficent trong truyện cổ dân gian

Quyên Nhâm, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 09/06/2014

Ngược dòng thời gian để hiểu hơn về bà tiên hắc ám - Maleficent: từ truyện cổ dân gian tới phim hoạt hình và điện ảnh.

Trong bộ phim "Sleeping Beauty" (tạm dịch: Người đẹp ngủ trong rừng) của Disney sản xuất năm 1959, người đàn bà "quỷ dữ" Maleficent chỉ xuất hiện vỏn vẹn 15 phút nhưng đã tạo nên một nhân vật nổi tiếng điển hình cho cái xấu trong hàng thập kỷ. 


Kể từ đó, các nhà làm phim đã được truyền cảm hứng tái dựng lại hình ảnh Maleficent ngày càng ấn tượng hơn và thậm chí trở thành nhân vật chính trong câu chuyện của riêng mình. 

Bộ phim “Người đẹp ngủ trong rừng” đầu tiên của Disney được sản xuất dựa trên hai câu chuyện cổ tích “The sleeping beauty in the wood” (tạm dịch: Người đẹp ngủ trong rừng) của Charles Perrault và “Little Briar Rose” (tạm dịch: Nàng công chúa hoa hồng) của anh em nhà Grimm. 


Nhưng ít ai biết rằng, có khá nhiều phiên bản khác của Maleficent dù không nổi tiếng nhưng cũng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nên một nhân vật phản diện đã từng vô danh trở thành một người đàn bà xấu xa trong huyền thoại.

Vậy Maleficent đã thay đổi như thế nào theo thời gian? Hãy cùng tìm hiểu điều này qua bài viết dưới đây.

1. Maleficent - một sinh vật già nua (The old creature)

Năm 1697, Maleficent xuất hiện lần đầu tiên trong "Người đẹp ngủ trong rừng" của tác giả văn học dân gian Charles Perrault. Trong phiên bản truyện này, việc bà không được mời tới dự lễ chúc mừng công chúa mới sinh chỉ là một tai nạn. 



Bà tiên không tên này là một trong 8 vị tiên sống tại vương quốc của nhà vua nhưng bà sống tách biệt trong lâu đài của mình ở vùng ngoại ô và không hề có bất cứ liên lạc gì với bên ngoài trong suốt 50 năm. 

Vì vậy mọi người đều tưởng bà đã chết. Khi tìm đến lễ rửa tội dù không được mời, bà không hề tỏ ra tức giận và có ý trách cứ nhà vua. 

Tạo hình công chúa sắp bị đâm kim nhọn vào ngón tay và chịu lời nguyền.

Điều thực sự khiến bà tiên này phật lòng là vì không hề có một chỗ trống nào được để dành cho bà trong khi 7 vị tiên kia được tiếp đãi hết sức trang trọng, dao dĩa đều được làm từ vàng ròng, kim cương và ruby. 

Trong câu chuyện này, Maleficent không hề được miêu tả cụ thể mà chỉ được tác giả nhắc đến bằng những cái tên rất trống không như “một bà tiên già” và “sinh vật già nua”. Có lẽ bởi những sự xúc phạm này mà bà tiên già nua cay đắng đã nguyền rủa cho nàng công chúa sẽ chìm vào giấc ngủ mãi mãi. 


Một trăm năm sau, vị công chúa này được hoàng tử cứu thoát khỏi lời nguyền tỉnh dậy và trở thành nữ hoàng. Nhưng bà mẹ kế mới của cô hóa ra lại là một con quỷ cái chuyên ăn thịt người, muốn hãm hại nữ hoàng và các con của cô. May thay, nhà vua về kịp đã cứu thoát được người vợ và những đứa con của mình.

2. Bà tiên thứ 13

Trong truyện cổ của anh em nhà Grimm, nhân vật Maleficent vẫn chưa hề được đặt tên. Lần này, nhà vua cũng cho mời “ những bà tiên” đến dự lễ rửa tội của công chúa nhỏ. Nhưng do số dao dĩa vàng chỉ đủ cho 12 người nên nhà vua đã cố tình không mời bà tiên thứ 13.


Điều này khiến bà vô cùng tức giận, xông vào bữa tiệc vừa khóc lóc oán hận vừa nguyền rủa cô công chúa nhỏ. Nhân vật này có hơi khác so với Maleficent khi bà chẳng những không giận giữ khóc lóc mà còn buông lời châm biếm và giễu cợt trước khi đọc thần chú. 


Không chỉ vậy, anh em nhà Grimm nhấn mạnh rằng, bà tiên này ếm lời nguyền vào công chúa để trả thù cho sự bất công khi không được mời đến dự tiệc. Nhưng trong chuyện “Nàng công chúa hoa hồng" này, nhân vật bà mụ thứ 13 cũng không hề được miêu tả, cho dù chỉ là thái độ chê bai về tuổi tác như phiên bản trước.

3. Hình tượng bà tiên hắc ám Carabosse

Trong vở bale “Người đẹp ngủ trong rừng” của Tchaikovsky, Carabosse được khắc họa như một nhân vật rất đáng sợ, luôn xuất hiện trên nền nhạc kịch tính đến rùng mình. 


Hình ảnh tạo hình Carabosse.

Vai trò của Carabosse trong câu chuyện được thể hiện rất ngoạn mục trong vở bale năm 1921, sản xuất bởi Sergei Diaghilev. Trong các phiên bản bale này, đức vua và hoàng hậu trong cơn tuyệt vọng đã tìm tới Carabosse mong nhận được sự giúp đỡ từ bà để có được cô công chúa nhỏ Aurora. Tuy nhiên, nhà vua đã quên mất không bày tỏ sự biết ơn đối với Carabosse, vì vậy bà đã nguyền rủa đứa trẻ. 


Nhiều năm sau đó, khi Aurora mới chớm tuổi 20, Carabosse qua đời nhưng con trai bà là Caradoc đã tìm cách quyến rũ Aurora để trả thù cho mẹ của mình. 

4. Maleficent

Vào năm 1959, hãng phim hoạt hình Walt Disney quyết định sẽ khắc họa rõ hơn nhân vật phản diện được nhắc đến nhiều này. Bà được đặt tên là Maleficent - một tính từ mang ý nghĩa “tâm địa hiểm ác”. Bà xuất hiện tại lễ rửa tội của công chúa Aurora trong một làn khói xanh bí ẩn.



Tuy nhiên, Maleficent xuất hiện với thân hình cao ráo, mảnh khảnh, rất xinh đẹp cùng giọng nói gợi cảm và không hề có gì giống với “bà tiên già nua” trong câu chuyện “Người đẹp ngủ trong rừng”. 

Lần này, không có bất kì sự nhầm lẫn nào về việc Maleficent không nhận được thiếp mời bởi không ai muốn bà xuất hiện ở đây. Và rõ ràng với tính cách của Maleficent, sự lo ngại của nhà vua và hoàng hậu là rất chính đáng, bà không hề bối rối mà chỉ mỉm cười rồi ếm câu thần chú lên Aurora bé nhỏ. 



Quan trọng hơn, hành động ngẫu hứng này của Maleficent đã thực sự tạo nên một nhân vật phản diện có tính cách chứ không chỉ là “bà tiên già” hay “bà mụ” không tên trong các câu chuyện trước đây.

Mỗi lần xuất hiện trong phim, Maleficent hiện lên với hình ảnh hắc ám, hét lên ra lệnh cho đám nô lệ hình hài gớm ghiếc của mình, thôi miên Aurora tự châm ngón tay vào cây kim của máy quay sợi, bắt giữ Hoàng tử Philip và cuối cùng biến mình trở thành một con rồng dữ tợn. 

Hình tượng Maleficent trong bộ phim "Maleficent" do Angelina Jolie thủ vai.

Trong các câu chuyện cổ tích trước đây, nhân vật Maleficent chỉ tồn tại như một nhân vật phản diện xuất hiện ở đầu của câu chuyện. Thực tế, ngoài những ý tưởng cơ bản về một nhân vật nữ sẽ gieo rắc lời nguyền cho nàng công chúa, các tác giả của “Công chúa ngủ trong rừng” hầu hết đều khiến Maleficent hiện lên rất chắp vá, thiếu sự chọn lọc và đương nhiên chỉ để bà góp mặt rất ít trong câu chuyện của mình.


Nhà viết kịch bản Linda Woolverton xây dựng câu chuyện Maleficent 2014 xung quanh cốt truyện hoạt hình cũ. Cũng giống như các “bà tiên già” hay “bà mụ” trước, Maleficent này cũng gieo thần chú để trả thù cho nỗi đắng cay của mình.

Tuy vậy, bộ phim Maleficent sản xuất năm 2014 diễn ra theo lời người kể chuyện giống như chúng ta đã từng xem “Người đẹp ngủ trong rừng" (Sleeping beauty) và rõ ràng phiên bản Maleficent do Angelina Jolie thủ vai cũng dựa trên phiên bản công chiếu vào năm 1959.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Fairy Tales from the Brothers Grimm: A New English Version - Phillip Pullman, Huffington Post, Wikipedia...