8 đặc điểm "ẩm ương" của tuổi teen

Hà Anh, Theo 00:01 17/10/2011

"Kiểm nghiệm" xem chúng mình "có tật giật mình" với các hiện tượng này không bạn nhé!

Bướng bỉnh, nông nổi, không nghe lời, hét lên chẳng vì lý do gì, thích độc lập… là những từ/cụm từ được dùng để mô tả lứa tuổi teen - giai đoạn phát triển của con người từ 13 - 19 tuổi. Đây là lứa tuổi não bộ phát triển nhất, song cũng là độ tuổi khiến cha mẹ phải đau đầu. 

Tuần qua, các nhà khoa học vừa đưa ra một nghiên cứu tổng kết lại 8 đặc điểm nổi bật trong quá trình phát triển của tuổi teen. Cùng thử tìm hiểu xem nghiên cứu này có gì hay ho không nha!

1. Đây là giai đoạn phát triển quan trọng

Giai đoạn này bắt đầu từ năm 13 đến 19 tuổi. Tuổi vị thành niên (hay còn gọi là tuổi teen) là cột mốc phát triển quan trọng về tầm vóc và nhận thức.

“Não liên tục thay đổi trong suốt cuộc đời nhưng bước ngoặt lớn nhất là trong độ tuổi teen” – Sara Johnson, một trợ giảng tại trường Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg, nhận định. Cô rút ra được điều này sau nhiều năm nghiên cứu về khoa học thần kinh trong độ tuổi vị thành niên.


Theo cô Johnson, vào thời kì này, kinh nghiệm nền tảng của teen chúng mình sẽ được hình thành từ những gì chúng ta được tiếp xúc như: sách báo, phim ảnh, âm nhạc… Điều này sẽ tạo ra một loại chất xám mới.

Đây cũng là khoảng thời gian cơ thể con người phát triển mạnh nhất: chiều cao, cân nặng, cơ bắp...


2. Những kỹ năng tư duy mới được hình thành

Do sự gia tăng tế bào não, teen bắt đầu có những kỹ năng tính toán và đưa ra quyết định, nhưng lại dễ dàng để cảm xúc ảnh hưởng đến tính đúng - sai của quyết định đó.

Theo cô Johnson, tâm lý teen thường rất khó đoán. Vì vậy, nếu cảm thấy có khúc mắc gì về những thay đổi của bản thân, chúng ta nên chủ động hỏi bố mẹ để có những lời giải đáp, chỉ dẫn đúng đắn nhất nhé!



3. Hay nóng nảy, giận dữ

Các teen nhà mình sẽ có những phát triển vượt bậc về kỹ năng tư duy và hành vi xã hội. Tuy vậy, không phải ai cũng biết sử dụng chúng. Để thành thạo, đôi khi, chúng ta phải thử nghiệm trên bạn bè, gia đình. 

Nhiều bạn ở giai đoạn này xem xung đột là cách thể hiện bản thân và dễ bị gặp khó khăn khi phải tập trung làm một việc gì đó. Cũng chính vì vậy mà khi đối mặt với những cơn giận dữ của bản thân, chúng ta cần phải nghĩ đến những điều hạnh phúc khác nhằm làm dịu cơn tức.



“Cả giận mất khôn”, hẳn các bạn đã từng nghe đến câu nói này. Chỉ khi nào thật bình tĩnh, chúng mình mới có thể tìm ra cách giải quyết vấn đề một cách toàn vẹn nhất.

4. Dễ bùng nổ cảm xúc

Trong giai đoạn này, sự thay đổi nội tiết có thể làm phát sinh những cảm xúc dữ dội như: sợ hãi, phấn khích và cả… rung rinh bạn khác giới nữa! Quá trình này làm thay đổi cảm xúc của các teen, hệ quả là đôi khi chúng mình hiểu sai ý của thầy cô hay cha mẹ.


Giáo sư tâm lý học Feinstein chia sẻ: “Dù có cẩn trọng thế nào, những lời người khác nói vẫn có thể khiến teen hiểu sai và cảm thấy tổn thương, đôi khi là cả giận dữ”.

5. Dễ có hành vi tiêu cực

Ở thời kì teen, con người dễ bị tổn thương và sa đà vào các tệ nạn. Đó là sự mất cân bằng tâm lý trong giai đoạn phát triển của não bộ. Đôi khi, một số bạn sẽ cho rằng đó là sự thể hiện cái Tôi cá nhân. 

Tuy nhiên, các bạn phải nhớ rằng thể hiện cái Tôi là tốt nhưng vẫn phải có chừng mực nhé! Chúng ta phải thật tỉnh táo để luôn giữ vững lập trường cá nhân, tránh bị người khác lôi kéo. 



6. Tuyên bố thích độc lập nhưng vẫn coi gia đình là số 1

Theo kết quả cuộc khảo sát teen cho thấy: Các bạn yêu bố mẹ gần như nhau! (53% yêu mẹ hơn so với 47% yêu bố hơn). Bên cạnh đó, hơn 75% số lượng teen tham gia trả lời cho biết thích dành thời gian với cả mẹ và bố. 

Ngay cả khi chúng mình tuyên bố rằng sẽ tự lập, làm mọi việc thì thực tế đã chứng minh ngược lại. Trong nhiều việc, chúng ta vẫn cần đến sự giúp đỡ của “phụ thân, phụ mẫu”.



Bố mẹ sẽ luôn ở bên cạnh ta, lắng nghe những khó khăn, khúc mắc rồi từ từ giúp ta giải quyết nó.

7. Teen sẽ ngủ nhiều hơn vào giai đoạn này!

Sự thay đổi đồng hồ sinh học ở tuổi vị thành niên dễ khiến các teen luôn thèm ngủ, luôn có cảm giác thiếu ngủ dù cho vừa mới thức dậy. Tuy nhiên, vì lịch học và các hoạt động khác khiến chúng mình không thể nào “dính chặt” với chiếc giường được; từ đó dẫn đến hậu quả teen không ngủ đủ giấc. 

Bạn cần phải hết sức chú ý điều này vì việc thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng nhận thức mọi thứ xung quanh của bản thân.



8. Luôn cho mình là… cái rốn của vũ trụ!

Những thay đổi hormone ở tuổi teen ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản sinh ra các thụ thể oxytocin – hormone liên kết, khiến con người có cảm giác như tất cả mọi người đều chú ý đến mình. Điều này khiến một số thiếu niên có thể tự cho mình là trung tâm.
   
Đây chính là những bước đầu tiên giúp teen học cách tự đánh giá bản thân trong môi trường xung quanh. Từ đó, chúng mình sẽ có cơ hội phát triển tầm nhìn và nhận thức ở một mức độ cao hơn, vượt xa những gì học được ở trường, ở nhà.



Chính vào lúc này, chúng ta sẽ đặt ra những câu hỏi về bản thân và quyết định mình sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai. Câu trả lời đôi khi sẽ luôn ở “thế” một chiều cho đến khi não bộ hình thành đủ lượng chất xám.