"Kế Hoạch Đổi Chồng" nên đặt tên là "Hoàng Yến Chibi và những người bạn"?

Lệ, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 01/10/2018

Cốt truyện cũ và dễ đoán, diễn xuất của bộ ba diễn viên chính khá chênh lệch, nổi bật nhất vẫn là Hoàng Yến Chibi, kết quả, "Kế Hoạch Đổi Chồng" là một bộ phim dễ chịu, dễ xem và... dễ quên.

Remake từ A Boyfriend for My Wife – bộ phim đình đám của điện ảnh Argentina, từng được Hàn Quốc làm lại với tên All About My Wife, Kế Hoạch Đổi Chồng được kì vọng sẽ góp phần thay đổi diện mạo điện ảnh Việt tháng 9 – tháng của những thị phi và hiếm tác phẩm chất lượng. Tuy không thực sự đặc sắc như kì vọng nhưng Kế Hoạch Đổi Chồng vẫn là một bộ phim dễ chịu, dễ xem và dễ ngấm.

Kế Hoạch Đổi Chồng nên đặt tên là Hoàng Yến Chibi và những người bạn? - Ảnh 1.

Bộ phim có phần mở đầu khá ấn tượng bằng một vụ nổ định mệnh tại sân bay nơi Dung (Hoàng Yến) và Quân (Quang Đăng) vô tình gặp nhau và trúng tiếng sét ái tình. Kết phim cũng bằng một vụ nổ lớn không kém phần, khi Dung nhận ra ý nghĩa của 2 chữ "duyên phận" còn khán giả thì lo ngại bởi có vẻ cặp đôi Dung – Quân đi đến đâu là… cháy nổ đến đấy. Đúng như trong trailer, phim xoay quanh mối tình tay ba lâm li bi đát của một cặp đôi cưới nhau vì trúng tiếng sét ái tình và chàng soái ca 6 múi nhà bên, đào hoa, sát gái, từng khiến bao gia đình đổ vỡ. Phần mở đầu khá nhanh, chỉ tóm gọn trong khoảng 2 phút, bao trọn cả quãng thời gian từ khi mới gặp gỡ đến lúc kết hôn của cặp đôi Dung – Quân nhưng nhanh hay chậm cũng không ảnh hưởng gì đến tiết tấu phim bởi cảnh hay còn đang đợi ở phía sau, khi cuộc sống hôn nhân chính thức bắt đầu.

Kế Hoạch Đổi Chồng nên đặt tên là Hoàng Yến Chibi và những người bạn? - Ảnh 2.

Và "cảnh hay" quả thật đã liên tiếp kéo đến khi cuộc sống hôn nhân của những người trẻ chẳng giống như trong mộng. Quân ra ngoài kiếm kế mưu sinh, Dung ở nhà làm nội trợ kiêm bảo mẫu của chồng, thỉnh thoảng lại nghĩ ra đôi ba ý tưởng cho cuốn sách trong mộng để "hợp thức hóa" nghề nghiệp nhà văn của mình. Vợ nội trợ đảm đang, chồng giỏi chuyện xã hội, một gia đình có thể xem là kiểu mẫu lẽ ra phải ngập tràn tiếng cười nhưng tiếng cười đâu chẳng thấy chỉ thấy tiếng máy xay, máy giặt, máy hút bụi và đặc biệt là những lời càm ràm bất chấp ngày tháng của Dung. Dung của ngày xưa đã… chết rồi, Dung hiện tại là một người vợ tối ngày lẽo đẽo theo chồng, thích chỉ trích, ưa bạo lực, có phần dựa dẫm thái quá, thiếu tế nhị, luôn ồn ào và đặc biệt luôn muốn biến chồng thành một cái máy nghiền thức ăn.

Kế Hoạch Đổi Chồng nên đặt tên là Hoàng Yến Chibi và những người bạn? - Ảnh 3.

Dung đích thị là một cái máy nói

Kế Hoạch Đổi Chồng nên đặt tên là Hoàng Yến Chibi và những người bạn? - Ảnh 4.

Với tham vọng biến chồng thành máy nghiền thức ăn

Mọi thứ dần đi quá mức chịu đựng, Quân quyết định đi công tác 1 năm, hi vọng tìm được sự yên tĩnh của cuộc sống tự do. Nào ngờ, Dung lại bí mật đi theo Quân vì biết chồng mình vô cùng hậu đậu, vụng về và chẳng thể sống một mình. Sự tức giận lên tới đỉnh điểm khi Dung khiến Quân bẽ mặt trước các đồng nghiệp bởi sự thắng thẳn đến thái quá của mình. Quân quyết định thuê Khương (Trương Thanh Long) – gã hàng xóm sát gái nhà bên chinh phục vợ mình, cùng lên kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ để gán ghép cho Dung tội ngoại tình. Từ đây, cuộc đời 3 người chính thức rẽ sang một trang mới, Dung cũng ra ngoài làm việc thay vì loay hoay với công việc nội trợ và bắt đầu trở nên hiền dịu như ngày mới quen Quân.

Kế Hoạch Đổi Chồng nên đặt tên là Hoàng Yến Chibi và những người bạn? - Ảnh 5.

Quân bỏ tiền thuê Khương quyến rũ vợ mình

Nhờ vào những thông tin của Quân, Khương tự biến bản thân thành người đàn ông kiểu mẫu trong mắt Dung, cuộc sống của Dung cũng trở nên bình yên, ngọt ngào đến lạ còn Quân thì dần nhận ra giá trị của vợ mình. Và mọi chuyện đổ bể cũng là lúc mà khán giả gật gù tâm đắc nhận ra một vài triết lí trong tình yêu và cuộc sống hôn nhân. Thứ nhất, người vợ phải luôn giữ cho mình sự mới mẻ, đừng vì quá quen thuộc mà biến mình trở thành người phụ nữ nhếch nhác trong mắt chồng. Thứ 2, cưới chồng ngu, chồng dở cũng được nhưng nhất định không được cưới một ông chồng hèn, đến cả lời chia tay cũng không dám nói ra. Thứ 3, đàn ông hay phụ nữ đều được quyền ra ngoài xã hội và làm những công việc mình thích. Và cuối cùng, tình yêu không có lỗi, khi tình yêu đủ lớn thì người ta sẵn sàng chấp nhận mọi tật xấu của đối phương và ngay cả một gã đào hoa cũng trở nên tốt đẹp.

Kế Hoạch Đổi Chồng nên đặt tên là Hoàng Yến Chibi và những người bạn? - Ảnh 6.

Chính Quân đã biến vợ mình thành kẻ tội đồ

Tạm gác những triết lí sang một bên, quay trở lại với vấn đề truyện phim, khách quan mà nói Kế Hoạch Đổi Chồng tuy không thuộc dạng quá xuất sắc nhưng vẫn có chất lượng khá ổn so với mặt bằng chung phim Việt hiện nay. Kịch bản chuyển thể nhưng đã được gọt giũa cho phù hợp với thị hiếu của khán giả Việt thế nhưng vẫn khá cũ và dễ đoán. Thêm nữa, sự cắt gọt kịch bản phần nào lại trở thành con dao 2 lưỡi khiến bộ phim không thực sự thuyết phục. Nhịp phim thiếu sự cân đối dẫn đến việc nửa sau khá rề rà và thiếu tính đột phá.

Kế Hoạch Đổi Chồng nên đặt tên là Hoàng Yến Chibi và những người bạn? - Ảnh 7.

Kịch bản cũ và dễ đoán

Truyện phim không dông dài nhưng lại thiếu cao trào bởi mặt cảm xúc của các nhân vật được xử lí chưa khéo. Khán giả chưa kịp chứng kiến những hối hận muộn màng của Quân càng không kịp cảm nhận sự chuyển biến trong tâm lý của Dung thì bộ phim đã vội đi vào hồi kết. Rõ ràng Dung đang ngả vào lòng một người đàn ông khác cùng một mối quan hệ ngoài luồng đầy tội lỗi nhưng trong phim lại rất ít những phân đoạn cho khán giả thấy được sự đấu tranh tâm lý của cô nàng này. Cách mà Quân nhận ra giá trị của vợ mình, cảm thấy hối hận, dằn vặt cũng chỉ được thể hiện qua đôi ba lời dẫn chuyện cùng một vài phân cảnh không đủ sức thuyết phục. Tâm lý nhân vật Khương lại được xử lí khéo léo hơn hẳn, khán giả nhận thấy sự chuyển biến của Khương trong cách mà anh chàng khăng khăng đòi hoàn thành nốt công việc dù Quân đã yêu cầu chấm dứt mọi chuyện. Tuy nhiên, quá trình biến Khương từ một anh chàng đào hoa, sát gái chuyển thành một gã chung tình, bất chấp mọi thứ để có được tình yêu đích thực lại khá nhanh khiến khán giả có phần hơi choáng ngợp.

Kế Hoạch Đổi Chồng nên đặt tên là Hoàng Yến Chibi và những người bạn? - Ảnh 8.

Nhịp phim thiếu cao trào, sự chuyển biến tâm lý không phù hợp

Với Kế Hoạch Đổi Chồng, Hoàng Yến Chibi một lần nữa chứng tỏ được năng lực của mình sau vai diễn để đời trong Tháng Năm Rực Rỡ. Tuy vẫn phảng phất nét tính cách của những vai diễn mà cô nàng từng đảm nhận nhưng Dung – Kế Hoạch Đổi Chồng vẫn được đánh giá như một cú lột xác ngoạn ngục cả về cách lựa chọn nhân vật lẫn diễn xuất của Hoàng Yến. Nửa đầu phim, khán giả có cảm giác cô nàng phải lên gân hơi nhiều để cho ra dáng một cô vợ đanh đá, thế nhưng điều này vẫn không hề mang tới cảm giác khó chịu. Càng về sau, Hoàng Yến càng làm tốt hơn với những phân đoạn giàu cảm xúc. Ánh mắt rất tình của cô nàng trong những phân đoạn xuất hiện cùng Trương Thanh Long, sự trầm tư, tĩnh lặng của một cô vợ từng tối ngày chỉ biết càm ràm thật sự thuyết phục được khán giả. Dù là phận nữ nhi hiếm hoi trong phim nhưng Hoàng Yến lại không hề lép vế trước bất kì đấng nam nhi nào, thậm chí còn một mình cân luôn phần diễn xuất của "chồng" và "nhân tình" khiến khán giả cứ ngỡ như đang xem bộ phim về… Hoàng Yến và những người bạn.

Kế Hoạch Đổi Chồng nên đặt tên là Hoàng Yến Chibi và những người bạn? - Ảnh 9.

Hoàng Yến tuy không quá xuất sắc nhưng vẫn đủ sức để làm người gánh team

Về phần Trương Thanh Long, nhà thiết kế sinh năm 1983 vẫn đẹp, mãi đẹp và luôn đẹp trong mọi khung hình, mọi khoảnh khắc khiến khán giả cứ ngỡ nhân vật Khương nhất định sinh ra để dành cho anh chàng này. Diễn xuất ổn định và dễ chịu đã được kiểm chứng qua một vài bộ phim lần này lại được Trương Thanh Long khẳng định thêm một lần nữa. Tuy nhiên, một nhân vật thiếu chiều sâu cảm xúc, một kịch bản chưa được gọt rũa khéo léo khiến vai diễn của Trương Thanh Long trở nên hời hợt và anh chàng thì không thể phô diễn hết năng lực của mình với khán giả. Người xem chẳng thể tin vào sự ranh ma, từng trải của một tay chơi từng phá hoại hạnh phúc bao nhiêu gia đình, càng không hiểu tại sao Khương lại từ kẻ "thả thính" thành người "dính bả" nhanh đến như vậy.

Kế Hoạch Đổi Chồng nên đặt tên là Hoàng Yến Chibi và những người bạn? - Ảnh 10.

Trương Thanh Long đẹp trong mọi khung hình

Quang Đăng sau một vài lần khiến khán giả thất vọng bởi sự đơ trường tồn của mình thì lần này cũng chẳng khá khẩm hơn bao nhiêu. Quân là một nhân vật có nhiều đất diễn, đòi hỏi ở người diễn viên sự linh hoạt về mặt biểu cảm nhưng Quang Đăng lại không đáp ứng được những yêu cầu này. Chàng dancer chẳng thể cho khán giả thấy được sự day dứt, dằn vặt của một gã đàn ông hèn hạ "chơi ngu lấy tiếng".

Kế Hoạch Đổi Chồng nên đặt tên là Hoàng Yến Chibi và những người bạn? - Ảnh 11.

Quang Đăng vẫn mãi hoài đơ và đơ

Tuyến nhân vật phụ hoàn thành vai diễn ở mức tròn trịa. Pom Bựa vẫn giữ được sự duyên dáng như lần xuất hiện gần đây nhất trong Tìm Vợ Cho Bà trong khi Ribi Sachi lại có phần yếu thế hơn và có vẻ như cô nàng chưa thực sự thích hợp với phim điện ảnh.

Kế Hoạch Đổi Chồng nên đặt tên là Hoàng Yến Chibi và những người bạn? - Ảnh 12.

Dàn diễn viên phụ dừng lại ở mức độ duyên dáng vừa đủ dùng

Nhạc phim đa phần sử dụng lại những ca khúc cũ, làm mới lại với sự thể hiện của chính Hoàng Yến và nhà sản xuất Minh Beta. Các ca khúc trùng khớp với cảm xúc của 3 nhân vật trong phim nhưng chưa được tính toán chính xác để xuất hiện đúng chỗ. Bối cảnh phim khá ấn tượng nhưng hơi hạn chế. Chưa kể, sự thay đổi bối cảnh giữa 2 thành phố xử lí chưa khéo liên tục khiến khán giả thực sự… rối não.

Kế Hoạch Đổi Chồng nên đặt tên là Hoàng Yến Chibi và những người bạn? - Ảnh 13.

Kế Hoạch Đổi Chồng hiện đang công chiếu trên toàn quốc.