Hơn 90% vụ xâm hại, bạo hành trẻ em là do người thân

Chung Thủy, Theo VOV 08:37 02/03/2022

Trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, trong đó hơn 90% số vụ việc xảy ra do người thân, quen với nạn nhân gây ra... Những vụ việc được phát hiện và đưa ra ánh sáng thường có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Thời gian qua, cả nước đã xảy ra nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ em với tính chất nghiêm trọng, gây bức xúc lớn trong dư luận. Đáng nói, đối tượng xâm hại trẻ em không chỉ là người lạ mà phần lớn là những người có quan hệ gần gũi, thậm chí thân thiết, người nhà, có nhiều cơ hội tiếp xúc, tiếp cận với nạn nhân, nhân cơ hội, thời cơ thuận lợi để thực hiện hành vi phạm tội.

Điển hình là vụ bé N.T.V.A (8 tuổi) ở phường 22, quận Bình Thạnh (TP.HCM) bị mẹ kế bạo hành, đánh đập dẫn đến tử vong; Một vụ việc khác xảy ra hồi tháng 9/2021 ở phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), bố đẻ bạo hành con ruột dẫn đến tử vong; Tiếp đó, vào đầu tháng 12/2021, một bé gái 3 tuổi ở huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang) cũng qua đời do bị bố dượng bạo hành…

Với hành vi xâm hại tình dục trẻ em có thể kể đến trường hợp của cháu H.T ở xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ bị chính cha ruột hiếp dâm dẫn đến mang thai.

Các dẫn chứng trên là những vụ việc điển hình về hành vi bạo hành trẻ em từ chính người thân trong môi trường gia đình. Đáng buồn là nhiều khi chúng ta vẫn xem nhẹ giáo dục gia đình, thiếu hỗ trợ các bậc cha mẹ kỹ năng, kiến thức chăm sóc con em và bảo vệ trẻ.

Số liệu thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, trong đó, hơn 90% số vụ việc xảy ra do người thân, quen với nạn nhân gây ra... Những vụ việc được phát hiện và đưa ra ánh sáng thường có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, còn rất nhiều vụ việc có biểu hiện xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em chưa được phát hiện, xử lý…

Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân khiến tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em gia tăng là do các bậc cha mẹ, gia đình thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em.

Đặc biệt, do tác động của phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, những thông tin độc hại không được kiểm soát lan tràn trên mạng internet... cũng dẫn đến các hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn.

Cùng với đó, khả năng nhận thức, phòng vệ và tự vệ của nạn nhân còn non nớt, việc phát hiện, tố giác tội phạm hiện gặp nhiều khó khăn, thiếu sự hợp tác từ phía nạn nhân và gia đình nạn nhân; một số tội danh chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe tội phạm…

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, trẻ em cần phải được giáo dục ngay từ nhỏ, bắt đầu trong phạm vi gia đình và lớn lên là nhà trường và xã hội. Trước hết, cha mẹ, thầy, cô giáo cần chú ý việc giáo dục giới tính, sức khỏe tình dục, trang bị các kỹ năng cần thiết để trẻ tự bảo vệ, phòng tránh các hành vi xâm hại, bạo hành.

Cha mẹ, thầy, cô giáo cần giúp trẻ có lối sống lành mạnh và nhận biết cái đúng, cái sai, trang bị cho các em nh­ững hiểu biết về pháp luật; giúp các em hình thành lối sống lành mạnh, có ý thức tự trọng, có trách nhiệm với bản thân trong việc học tập, giúp đỡ gia đình là nhữ­ng yếu tố cơ bản và bền vữ­ng để giúp các em lớn lên tự tin vào bản thân mình, tránh khỏi sự lôi kéo hoặc c­ưỡng bức của những người xấu.

Cũng theo bác sĩ An, đối với các em còn nhỏ tuổi, ch­ưa biết tự bảo vệ mình, cần hướng dẫn các em một số quy tắc cơ bản (Quy tắc 5 ngón tay, Vòng tròn yêu thương...) để trẻ biết “vùng cấm” trên cơ thể, ai là người có thể tiếp xúc gần gũi, ai là người phải tránh. Khi trẻ lớn hơn và có hiểu biết dần, hãy dạy trẻ các kỹ năng “nói không” và bỏ chạy khi người lạ đụng chạm vào người. Khi bố, mẹ vắng nhà, cần tránh xa hoặc không tiếp xúc với những ngư­ời hàng xóm hoặc họ hàng có nhữ­ng biểu hiện xấu...

“Khi trẻ đã lớn, cha mẹ hãy thường xuyên chuyện trò và lắng nghe trẻ em nói, cần có sự giám sát con khi trẻ có tiếp xúc với môi trường mạng qua máy vi tính, điện thoại thông minh. Luôn nhớ rằng, trẻ em đang ở lứa tuổi tò mò, thích khám phá, ban đầu có thể chỉ chơi trò chơi nhưng với những nguy cơ tiềm ẩn trên mạng như game, YouTube bạo lực, tình dục và phim sex...trẻ sẽ có nguy cơ cao bị dụ dỗ, xâm hại trên môi trường mạng. Con cái là sự phản ánh của cha mẹ nên sự hớ hênh trong ăn mặc, giao tiếp của cha mẹ cũng ảnh hưởng đến tâm lý của con cái, do vậy, cha mẹ cũng phải luôn chú ý”, ông Nguyễn Trọng An khuyến cáo.

Cũng theo vị chuyên gia này, để giáo dục gia đình có hiệu quả, trước tiên, các bậc cha mẹ cần được hỗ trợ các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em (BVTE). Đồng thời, bản thân họ cũng phải trau dồi đạo đức để luôn là gương tốt cho con cái noi theo; Chúng ta cần sớm kiện toàn mạng lưới các bộ công tác xã hội và cộng tác viên BVTE ở cộng đồng. Mạng lưới này không chỉ hỗ trợ kỹ năng, kiến thức BVTE, phòng, chống xâm hại tình dục cho các bậc cha mẹ, mà còn làm tốt công tác phòng ngừa thông qua hoạt động tư vấn cộng đồng, phát hiện các gia đình có nguy cơ, ngăn chặn sớm các vụ việc không để xảy ra.

Đối với nhà trường, để giáo dục nhà trường có hiệu quả thì cần cải tổ cả hệ thống giáo dục Việt Nam, cần có sự ưu tiên về thời gian nhằm giảm tải về kiến thức bác học và tăng cường kỹ năng sống cho học sinh, hỗ trợ tài liệu giảng dạy và bồi dưỡng kiến thức kỹ năng của các giáo viên để họ có khả năng chuyển tải cho trẻ em. Tuy nhiên, đây là 1 việc khó thực hiện.

Giải pháp trước mắt cần sớm thiết lập hệ thống tư vấn tâm lý học đường, có biên chế giáo viên tâm lý cho các nhà trường, đưa giáo dục giới tính sớm ngay từ hệ thống mẫu giáo, tiếp đến là các môn giáo dục pháp luật, quyền con người và cuối cùng là từ cấp học PTCS trở lên là bổ sung chương trình giáo dục tình dục an toàn cho học sinh.