Hơn 8.400 trẻ em Hà Nội đã tiêm vaccine Covid-19, sức khoẻ hiện ra sao?

Minh Nhân, Theo Tổ Quốc 12:02 18/04/2022

Cộng dồn 2 ngày (16-17/4), Hà Nội đã tiêm được 8.435 mũi tiêm an toàn cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Sau 28 ngày, các em sẽ được tiêm mũi 2.

Từ ngày 16/4, Hà Nội bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại 3 quận, huyện: Hà Đông, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Từ ngày 17/4, toàn thành phố đồng loạt tiêm cho trẻ.  

Cộng dồn 2 ngày (16-17/4), Hà Nội đã tiêm được 8.435 mũi tiêm an toàn, chưa ghi nhận trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Sau 28 ngày, trẻ sẽ được tiêm mũi 2.

Theo Sở Y tế Hà Nội, công tác tiêm chủng được triển khai theo thứ tự lứa tuổi giảm dần bắt đầu từ học sinh lớp 6, không mắc Covid-19 hoặc mắc Covid-19 và đã khỏi trên ba tháng. Vaccine được sử dụng tiêm cho trẻ là Moderna, liều lượng 0,25ml.

Để đảm bảo an toàn, các điểm tiêm chủng được bố trí theo quy trình một chiều từ tiếp đón, khám sàng lọc, tiêm và theo dõi sau tiêm; chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ, đội phản ứng nhanh, xe cấp cứu.

Trong quá trình tiêm, cán bộ y tế tư vấn cẩn thận cho phụ huynh và các em học sinh về loại vaccine sử dụng, hạn dùng, liều lượng và cách theo dõi sức khỏe, chế độ dinh dưỡng cho trẻ sau tiêm chủng. Đồng thời, ngành y tế Hà Nội đã huy động các bệnh viện hạng I, hạng II tuyến thành phố tham gia ứng trực tại các điểm tiêm chủng.

Hơn 8.400 trẻ em Hà Nội đã tiêm vaccine Covid-19, sức khoẻ hiện ra sao? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 6 THCS Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội) tiêm vaccine Covid-19 hôm 16/4 (Ảnh: Phương Thảo)

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đã tổ chức một Hội đồng cấp cứu mời tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực nhi khoa, hồi sức cấp cứu để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm chủng.

Đặc biệt, trong quá trình tiêm chủng, Hà Nội rất quan tâm đến trẻ em mắc bệnh bẩm sinh, suy dinh dưỡng hay có tiền sử dị ứng… và thực hiện khám sàng lọc thật kỹ. Bên cạnh đó, các điểm tiêm chủng cũng xây dựng phương án xử trí trong quá trình tiêm chủng, với những trẻ có bệnh lý nền hoặc dị ứng sẽ tiêm tại bệnh viện để bảo đảm an toàn nhất.

"Chúng tôi cũng mong muốn phụ huynh học sinh đồng thuận, đưa con em tới các điểm tiêm chủng để thực hiện tiêm chủng đầy đủ và sớm nhất. Dự kiến đợt tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ diễn ra trong khoảng 10 ngày", bà Hà nói.

Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân bổ 72.700 liều vaccine Covid-19 Moderna cho Hà Nội. Đây là một trong 2 loại vaccine (cùng với Pfizer) được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 14/4, Bộ Y tế chính thức phát động chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm cho học sinh lớp 6.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, để an toàn tiêm cho trẻ, phụ huynh cần phải lưu ý:

- Trước khi tiêm chủng cần theo dõi ăn ngủ bình thường hay không, trẻ có vấn đề về viêm đường hô hấp (ho, chảy nước mũi…).

- Chỉ tiêm khi trẻ thực sự khoẻ mạnh.

- Đối với trẻ đang có vấn đề viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 không đưa trẻ tới điểm tiêm chủng.

- Tại điểm tiêm phụ huynh cần chia sẻ với bác sĩ về tình trạng dị ứng, bệnh mãn tính của trẻ để bác sĩ hướng dẫn trường hợp đó nên tiêm tại bệnh viện hay điểm tiêm tại trường.

- Trước khi tiêm chủng phụ huynh cần phải được biết con tiêm vaccine gì và các phản ứng ra sao?

- Sau tiêm trẻ cần ở lại điểm tiêm 30 phút để theo dõi sát các phản ứng phản vệ. Liên tục theo dõi trẻ trong 3 ngày đầu sau tiêm.

"Sau tiêm vaccine Covid-19 cần theo dõi các triệu chứng bất thường như: phát ban, li bì, sốt... Nếu các biểu hiện thông thường này ngày càng tăng lên cần đứa trẻ đi khám", bà Hồng nói.

TS.BS. Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, để đảm bản an toàn tiêm chủng cho trẻ Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn rất bài bản và kịp thời. Trong đó, có hướng dẫn sàng lọc trẻ được tiêm tại trường và bệnh viện.

Ông Ngãi nhấn mạnh, những mốc thời gian rất quan trọng cần phải theo dõi trẻ sau tiêm chủng là: 30 phút, 24 giờ sau tiêm, 3 ngày đầu sau tiêm, 7 ngày sau tiêm và 28 ngày sau tiêm.

"Trong đó, tôi cần phải lưu ý các phụ huynh trong 3 ngày đầu tránh cho trẻ vận động mạnh để tránh nhầm lẫn với các phản ứng sau tiêm", ông Ngãi nói.

https://kenh14.vn/hon-8400-tre-em-ha-noi-da-tiem-vaccine-covid-19-suc-khoe-hien-ra-sao-20220418113938451.chn