Hỡi những đứa trẻ miền Nam, tình hình nồi thịt kho nhà các bạn đã được giải quyết đến đâu rồi?

Quỳnh Đào, Theo Trí Thức Trẻ 12:26 07/02/2019

Dù đã ăn thịt kho "dầm dề" gần như mỗi ngày từ 30 Tết nhưng hiếm có nồi thịt kho nào lại thấy đáy ngay mùng 3 mà phải đến tận mùng 4, mùng 5 cơ. Tuy nhiên, dù "ngán ngẩm" là vậy nhưng nồi thịt kho to quá khổ ấy vẫn gắn liền với ký ức những ngày Tết của bao người miền Nam.

Hầu hết những đứa trẻ lớn lên ở vùng phía Nam Tổ quốc thường có một mối quan hệ yêu-ghét đan xen với nồi thịt kho ngày Tết.

Hỡi những đứa trẻ miền Nam, tình hình nồi thịt kho nhà các bạn đã được giải quyết đến đâu rồi? - Ảnh 1.

Nguồn ảnh: Kaa Illustration.

Thịt kho là một trong những món dễ ăn nhất, chỉ cần trong nhà có nồi thịt kho thì mấy bữa sau chỉ cần thêm nồi cơm là có thể ăn xong một bữa hoàn chỉnh. Thịt kho có thể ăn cùng với cơm, với bánh tét, hay thậm chí là bánh mì, bánh bao nhạt, ăn với món nào cũng ngon. Thịt kho miền Nam ngọt nước dừa, đậm đà nước mắm, lại thêm beo béo ngậy của thịt mỡ không kén ăn chút nào, từ cụ già đến trẻ nhỏ đều thích. Đấy là "yêu".

Tuy nhiên, với quan niệm Tết nhất thì cái gì cũng phải sung túc và giàu có thì hầu hết những nồi thịt kho đều có kích cỡ "to chà bá". Nhiều người tin rằng đầu năm "dư" thì cả năm mới "dư" nên nồi thịt kho này thường nhiều hơn một ít so với khả năng ăn của gia đình. Ví dụ như 4 người có thể ăn một kí thịt thì các nhà có điều kiện ai nấy đều mua dư ra thêm vài lạng. Kết quả là xuyên suốt ba ngày Tết (và còn mấy ngày sau), những đứa trẻ miền Nam chỉ có thịt kho bầu bạn. Đây là "chán".

Hỡi những đứa trẻ miền Nam, tình hình nồi thịt kho nhà các bạn đã được giải quyết đến đâu rồi? - Ảnh 2.

Tết miền Nam mà vắng thịt kho tàu thì còn gì là Tết?

Song, dù ai nói ngả nói nghiêng, dù năm nào cũng ăn đến phát ngấy thì không ai nghĩ đến chuyện bỏ nồi thịt kho ngày Tết, cũng như muốn nấu ít đi, chỉ đủ để ăn bữa cơm tượng trưng. Nồi thịt kho miền Nam dù ít đến thế nào cũng phải "trụ" qua ba ngày Tết. Nồi thịt kho Tết của người miền Nam, vượt trên cả hương vị và giá trị thực tế khác, đã mang ý nghĩa sâu sắc to lớn về mặt tinh thần.

Không biết có nguồn gốc từ đâu và bắt đầu từ khi nào, nhưng từ khi mỗi người con miền Nam bắt đầu biết nhớ và ý thức được thì điều này đã diễn ra vào mỗi năm xuyên suốt biết bao thế hệ rồi. Con học từ cha mẹ, cha mẹ học từ ông bà, ông bà học từ cha mẹ của ông bà... Việc biết phải nấu một nồi thịt kho trong ngày Tết của người miền Nam gần như là bản năng, một phần con người rồi chứ không chỉ đơn thuần là kiến thức ngoài thân.

Có nhiều người lý giải nguyên do đằng sau nồi thịt kho Tết này rằng miền Nam có đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp nuôi các loại gia súc cỡ vừa như heo (lợn) nên thịt heo rất dễ tìm. Ngoài ra thì nước dừa - thành phần không thể thiếu của nồi thịt kho tàu miền Nam - cũng là thức phổ biến ở các tỉnh thành trong Nam.

Mặt khác, nhiều người cho rằng món thịt này có nguồn gốc từ người Hoa do cái tên "thịt kho tàu", nhưng chữ "tàu" ở đây không phải chỉ món Hoa mà có nghĩa là "nhạt, lờ lợ". Nghĩa là thịt kho tàu ngày Tết có vị nhạt hơn so với thịt kho bình thường. Thịt kho tàu ngày Tết có nhiều nước, nước lỏng chứ không đặc sánh như sốt trong món thịt kho bình thường. Nước trong nồi thịt có đến 80% là nước dừa (hoặc 100%) nên có vị ngọt thanh nhè nhẹ, đậm đà nhưng không mặn. Nồi thịt kho ngon và đẹp là nước phải trong một chút, bên trong nổi một ít váng mỡ lấp lánh nhưng không dày đặc.

Hỡi những đứa trẻ miền Nam, tình hình nồi thịt kho nhà các bạn đã được giải quyết đến đâu rồi? - Ảnh 4.

Thịt kho tàu phải có nhiều nước, nước phải trong.

Nồi thịt kho tưởng chừng đơn giản này thực chất cũng rất phức tạp, hương vị trong món này thể hiện rõ phong cách ẩm thực miền Nam đó là sự "phân tầng". Người miền Nam thích một món có nhiều vị rõ rệt, ví dụ như canh chua miền Nam bao giờ cũng có vị chua từ các loại trái khác nhau như me, khóm (thơm) và vị ngọt từ đường cùng vị mặn đan xen. Món thịt kho này cũng thế, khi ăn sẽ có vị ngọt khá rõ, nếu dùng nước dừa ngon thì vị ngọt này thanh, song nhiều nhà có thêm ít đường nếu thấy nhạt. Người miền Nam thích dùng nước mắm hơn muối, cho rằng như vậy đậm đà hơn. Bản thân nước mắm cũng là loại nguyên liệu đa vị, ngoại trừ mặn ra thì còn có chất cá làm hương vị thêm đặc trưng. Có thể nói, thịt kho tàu là một đại diện thuộc hàng "kinh điển" cho ẩm thực miền Nam.

Hỡi những đứa trẻ miền Nam, tình hình nồi thịt kho nhà các bạn đã được giải quyết đến đâu rồi? - Ảnh 5.

Không có lý giải nhiều vì sao thịt kho tàu lại có ý nghĩa như vậy với người miền Nam, ngoại trừ sự thật rằng thời gian và thói quen làm nên sự gần gũi, thân thương. Thịt kho gần như gắn liền với sự đoàn viên, là món ăn đồng hành cùng gia đình vào bữa cơm đầu tiên của năm đông đủ các thành viên. Ngoài ra thì, muốn nấu một nồi thịt kho tàu ngon thì phải nấu với số lượng lớn một chút, chứ nấu bằng nồi nhỏ và nấu ít thì cứ thấy... thiếu thế nào. Thậm chí, nếu nấu thịt kho tàu vào ngày thường thì người ta cũng sẽ nấu để ăn dần trong một vài ngày, chứ chẳng ai nấu thịt kho tàu để ăn một bữa duy nhất cả. Chính vì điều này mà đây là một trong số những món ăn "khổ trước sướng sau", nhiều du học sinh xa nhà vì nhớ mùi vị quê hương cũng cố gắng nấu, dù hơi phức tạp song lại có thể ăn trong nhiều ngày sau mà không mất công nấu.

Đã mùng 3 Tết, nồi thịt kho nhà bạn đã được "xử lý" đến đâu rồi?