Hội chứng cháy sạch 'Burnout': Loài rắn độc đang tàn phá con người và cả môi trường làm việc

HÀ LƯU, Theo Helino 16:44 06/11/2018

Một vài nghiên cứu trên Google cho thấy rõ ràng rằng tôi đang mắc hội chứng “Burnout” - kiệt quệ về cả thể chất lẫn tinh thần sau một thời gian dài làm việc quá sức. Biểu hiện có thể nhìn thấy bằng mắt thường của Burnout là kiệt sức hoặc năng suất lao động giảm sút sau một quá trình lao động.

Đây là công việc mơ ước của tôi; thứ mà tôi đã cố gắng dày công chuẩn bị, học tập, trau dồi, hi sinh cho nó, từ khi chúng bạn vẫn còn đang ngậm kẹo mút và chơi đồ hàng. Cũng chính giấc mơ đó đã và đang biến thành một cơn ác mộng.

Vài đêm làm việc muộn, vài buổi over-time một tuần và tôi đã bỏ lỡ mất buổi biểu diễn ba lê của con gái mình.

Hội chứng cháy sạch Burnout: Loài rắn độc đang tàn phá con người và cả môi trường làm việc - Ảnh 1.

Đi sớm, về muộn và thường xuyên vắng mặt trong bữa cơm gia đình. Tôi nghĩ đó là cái giá tất yếu phải trả cho một công việc đầy tính cạnh tranh khắc nghiệt nhưng đem lại thu nhập cao.

Từng giây, từng phút tôi vẫn tự vặn vẹo mình bằng câu hỏi: liệu mình có nên nhìn lại những gì mình đang làm. Đây có thật là một sự nghiệp? Mỗi khi nghi ngờ về sự lựa chọn công việc của mình, tôi đều nghĩ: Cố thêm một năm nữa, mình sẽ đủ thâm niên để được thăng chức, mình sẽ được nọ, mình sẽ được kia.

Rồi sau đó, mọi thứ hoàn toàn chệch khỏi dự định. Tôi nhận thấy các con bắt đầu xa lánh mình hơn. Tình cảm vợ chồng thì ngày càng nguội nhạt. Tôi mang tâm trạng tiêu cực từ những trận cãi vã ở nhà cho đến tận nơi làm việc.

Hội chứng cháy sạch Burnout: Loài rắn độc đang tàn phá con người và cả môi trường làm việc - Ảnh 2.

Tôi bắt đầu oán trách cái công ty này, oán trách những giờ over-time; oán trách những email lúc 1, 2 giờ sáng khiến vợ con tôi thức giấc. Tất cả những mớ cảm xúc hỗn độn, tiêu cực, đầy thù ghét ấy khiến tôi trở thành kẻ dễ nổi nóng, xấu tính, gắt gỏng, mà đồng nghiệp của tôi hay tóm gọn trong một từ: “hãm”.

Càng ngày cơn giận của tôi càng trầm trọng hơn khi tôi nhận ra rằng mình chẳng hề chú tâm trong bất kỳ cuộc họp nào suốt quãng thời gian qua vì đầu óc còn mải nghĩ xem lí do gì thì phù hợp để giải thích cho việc về nhà muộn 3 ngày liên tiếp; hay làm sao để không phải nhận thêm bất kỳ đầu việc nào từ sếp: “Vợ em lại mới có thai, con em đang ốm, bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ đang ốm nặng”. Thật không thể tin được, có một ngày tôi lại phải nghĩ ra cớ để không phải làm công việc mà tôi đã mơ ước được làm từ những năm học mẫu giáo.

Một vài nghiên cứu trên Google cho thấy rõ ràng rằng tôi đang mắc hội chứng “Burnout” - kiệt quệ về cả thể chất lẫn tinh thần sau một thời gian dài làm việc quá sức. Biểu hiện có thể nhìn thấy bằng mắt thường của Burnout là kiệt sức hoặc năng suất lao động giảm sút sau một quá trình lao động, hoạt động dài ngày với những triệu chứng như mất ngủ, chóng mặt, ù tai, lo sợ mà không rõ nguyên nhân.

Hội chứng này chỉ có tính giai đoạn thôi, nhưng điều đáng buồn là: chẳng có thuốc thang nào chữa trị được nó cả. Ngoài nghỉ việc.

Nếu tôi thật sự muốn tìm lại cuộc sống của mình, và cả công việc mình đã từng đam mê, tôi sẽ phải thực hiện một bước ngoặt để đời để thay đổi chính mình và cả môi trường làm việc.

Luôn có một con rắn ở trong phòng

Nếu khái niệm “con voi ở trong phòng” thường được sử dụng để ám chỉ một vấn đề nơi công sở rất lớn mà ai cũng muốn lảng tránh; thì “con rắn ở trong phòng” đại diện cho những khúc mắc của chính mỗi người trong văn phòng ấy. Và khúc mắc ấy chính là hội chứng “Burnout”.

Hội chứng cháy sạch Burnout: Loài rắn độc đang tàn phá con người và cả môi trường làm việc - Ảnh 3.

Mọi môi trường làm việc trên thế giới đều phải chịu đựng những “con rắn” ở trong phòng.

Khi bạn quan sát một phòng họp với 30 mạng người trong đó, con rắn chính là bầu không khí căng thẳng, là những bức xúc, chất chứa mà ai cũng có, nhưng chẳng ai chịu nói ra.

Con rắn ấy cắn chị kế toán, cắn anh IT, cắn em thực tập sinh và sắp sửa đến lượt tôi rồi đây.

Chúng ta không thể nhìn thấy khi nào con rắn đó giương nọc độc. “Burnout” mà dễ nhận biết bằng mắt thường đến thế thì nó đã chẳng phải là hung thủ gây ra hàng loạt các vụ tự sát vì stress mỗi năm. Tuy nhiên, không nhìn được bằng mắt thường, không có nghĩa là con người không cảm nhận được nọc độc của con rắn “Burnout” đang chảy trong chính mạch máu mình, và trong cả bầu không khí căng thẳng của văn phòng.

Nạn nhân của con rắn Burnout trở nên im lặng và phục tùng một cách tuyệt đối. Bạn thấy mừng khi nhân viên của bạn không còn lí sự với bạn nữa mà chỉ “dạ”, “vâng” một cách vô hồn ư? Không hề đáng mừng đâu bạn.

Đằng sau sự vâng - dạ đáng nghi đó là một con người đã hết động lực để tiến lên. Họ cáu bẳn với cấp dưới, phục tùng một cách vô thức với cấp trên và gần như sẽ giậm chân mãi tại chỗ chứ không còn khao khát cống hiến nữa.

Để bản thân kiệt quệ đến mức dính phải Burnout, tức là bạn cũng đã lăn lộn trong nghề một thời gian rồi, cho đến khi sức trẻ và nhiệt huyết thanh xuân bị mài mòn đi, không còn khả năng ngóp ngoải dậy để thì thầm với bạn hai từ “cố lên” nữa. Tuy nhiên, cũng ở độ tuổi này, khi bạn đã có thâm niên, kinh nghiệm và thu nhập ổn định, con rắn Burnout sẽ chui ra khỏi hang và ngày ngày khè vào tai bạn lời thì thầm đáng sợ: “Đủ ăn rồi, cố làm gì nữa”.

Chúng ta cần phải nói thêm nhiều về Burnout, gấp!

37%

…là số lao động Mỹ và Canada  mắc hội chứng Burnout, theo số liệu được công bố năm 2016. Khảo sát này được thực hiện nhằm thu thập trải nghiệm của người lao động về khối lượng công việc khổng lồ, áp lực liên tục, deadlines điên rồ không tưởng, và rất nhiều các thể loại lý do khác.

Tôi chẳng phải là một nhà vật lý trị liệu, chỉ là một người đã, đang và cố gắng loại bỏ con rắn Burnout ra khỏi người, tôi muốn chia sẻ một vài thủ thuật nhỏ để những bạn trẻ đang có dấu hiệu như tôi, đừng để thứ rắn độc ấy chiếm giữ linh hồn bạn.

    Đặt ra giới hạn cho bản thân mình

Chúng ta được sinh ra trong một thế giới vốn định giá con người dựa trên: ngày làm việc bao nhiêu tiếng, đĩa thức ăn của họ trị giá bao nhiêu; mà không hề đếm xỉa đến việc để có được những thứ đó, người đó đang phải vật lộn đến mức nào.

Hội chứng cháy sạch Burnout: Loài rắn độc đang tàn phá con người và cả môi trường làm việc - Ảnh 4.

30% số người lao động vẫn phải làm việc từ 10h đêm đến 6h sáng; không cuối tuần, không ngày nghỉ. Điều đó khiến chúng ta phải đặt ra giới hạn.

Suốt vài thập kỷ qua, các doanh nghiệp, thậm chí là các startup đã trở thành một nếp sống, chứ không còn là một công việc kinh doanh nữa. Thậm chí, nhiều người coi làm việc là một tôn giáo.

Thế giới bây giờ đo lường giá trị của một người lao động thông qua “sự bận rộn” và chất lượng công việc. Vậy nên tôi đã viết ra một vài chiêu thức để “không làm gì” cho những người siêu bận rộn. Khó phết nhỉ, khi bạn đã quen với những ngày hành chính ngập ngụa trong họp hành, thông báo, to-do-list, deadlines.

Hãy giãn lịch trình dày đặc của bạn ra bằng cách chen vào giữa những cuộc họp, những chuyến công tác một “tuần suy nghĩ” - khoảng thời gian mà bạn có thể hoàn toàn biến mất, đến một đâu đó yên tĩnh để đọc sách, suy ngẫm và sống một cuộc đời tách biệt hoàn toàn với công việc.

Không nhất thiết là phải chạy trốn gia đình hay bạn bè để ngâm mình vào Tuần Suy Nghĩ. Hãy coi tôi là ví dụ.

Năm nào tôi cũng nghỉ phép ít nhất một tuần, đưa cả gia đình về quê, nơi bố mẹ tôi đang sống trong mùa thu hoạch olive. Với những ai không thể bỏ ra hẳn một tuần chỉ để không làm gì, hãy chia nhỏ nó ra thành nhiều kì nghỉ ngắn ngày.

2. Thiết lập “điểm dừng” cho mỗi ngày làm việc

Mỗi ngày, bạn cũng có quyền được nghỉ ngơi. Làm việc tối thiểu 40h/tuần là điều được chấp nhận rộng rãi; tuy nhiên, ai cũng kỳ vọng bạn sẽ làm 50, 60, thậm chí 70h mỗi tuần thì mới được cấp trên ưu ái để mắt.

Vì sao điểm dừng trong ngày là cần thiết? Rất nhiều nhà khoa học đã chỉ ra rằng: các công việc liên quan đến sáng tạo đòi hỏi bộ óc con người phải duy trì tư duy phản biện trong vòng vài tiếng đồng hồ và điều này không hề tốt cho sức khỏe. Thiết lập điểm dừng trong ngày làm việc không đồng nghĩa với việc cắt giảm giờ lao động từ 40 xuống còn 20; mà là đừng bao giờ khuyến khích hay bằng cách này hay cách khác thúc giục nhân viên của bạn làm việc trên 40h/tuần.

Hội chứng cháy sạch Burnout: Loài rắn độc đang tàn phá con người và cả môi trường làm việc - Ảnh 5.

Khi bạn làm tự do tại nhà hoặc có một “business” riêng để làm ông chủ, việc thiết lập điểm dừng trong ngày làm việc còn khó khăn hơn; nhất là khi công việc không còn là công cụ kiếm ăn mà đã trở thành lối sống của bạn. Làm ông chủ không hề nhàn nhé các bạn!

Để nhàn hơn với tư cách là một người chủ doanh nghiệp, hãy trả lời email và Slack chỉ vào một thời gian nhất định trong ngày; xóa bớt các ứng dụng trên smartphone nếu bạn đã cài đặt trên máy tính là một trong những cách giúp bạn thiết lập điểm dừng cho ngày làm việc của bạn. Hoặc cứ mạnh dạn để máy tính ở văn phòng đi, đừng mang nó về nhà.

Hội chứng cháy sạch Burnout: Loài rắn độc đang tàn phá con người và cả môi trường làm việc - Ảnh 6.

Những hành động trên có thể gây ra không ít drama sóng gió nơi công sở: “Tại sao em không trả lời tin nhắn? Em coi thường chị à?”. Trong trường hợp này, hãy thử những cách sau đây để cải thiện bầu không khí của văn phòng, nơi ai cũng có một cuộc sống riêng ngoài công việc và chẳng hề sai khi họ cố gắng chu toàn cho cuộc sống ấy.

Tạo một môi trường làm việc vui vẻ, lành mạnh, ít sân si tiêu cực.

Coi công việc chỉ là một nửa, không phải là tất cả cuộc sống.

Đi làm đừng như đi đày, hãy cố gắng tìm ra những điều nhỏ nhặt đem lại hạnh phúc cho bạn, mà vì một lí do nào đó bạn đã quên bẵng đi. Một chậu cây nhỏ, một gói túi thơm hay đơn giản là “crush” một ai đó.

Điều quan trọng là tất cả mọi người lao động đều có quyền nói lên suy nghĩ của mình và bày tỏ nguyện vọng về một môi trường làm việc lý tưởng, nơi họ có thể bộc lộ những khả năng tốt nhất của mình.

Nếu bạn là kiểu người thích làm việc bán thời gian hơn và làm việc tốt hơn khi ở nhà - hãy kiến nghị.

Nếu bạn cảm thấy mình sẽ làm việc tốt hơn nếu được tập Yoga vào buổi trưa - hãy đề xuất.

Nếu bạn thấy công ty cần mở thêm quán cafe và đồ ăn vặt - còn chần chừ gì nữa?

Khi truyền thông vẫn còn ca ngợi những người làm việc rất-nhiều-giờ/ngày như một kiểu anh hùng và khuyến khích người trẻ hãy hi sinh cuộc sống riêng cho tổ chức; đây không phải là cách hay để xây dựng một doanh nghiệp bền vững.

Đó cũng không phải là năng suất. Một văn phòng chật hẹp toàn những con người đang Burnout - ở đây không tồn tại hai chữ “năng suất”.