Phụ huynh nghĩ gì về quy định cấm dạy thêm và học thêm?

Bít Tất, Theo Pháp luật xã hội 00:02 06/12/2013

Nhiều phụ huynh hiện nay vẫn chưa hiểu được vấn đề cốt lõi của việc cấm dạy thêm và học thêm.

Vào ngày 4/12 vừa rồi, cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức một buổi tọa đàm kéo dài suốt nhiều giờ đồng hồ với sự tham gia của ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; PSG.TS NGƯT Đinh Xuân Khoa - hiệu trưởng Trường Đại học Vinh và Phó Giáo sư Văn Như Cương về các quy định, thay đổi trong thời gian tới của ngành Giáo dục. Trong buổi tọa đàm này, một trong những vấn đề vẫn còn đang được tranh luận rất nhiều, đó chính là Nghị định cấm dạy thêm và học thêm. (Chính phủ vừa ban hành Nghị định 138/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo nghị định này, việc dạy thêm không phép bị phạt từ 6-12 triệu đồng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/12/2013.)

Bởi vì hiện còn có khá nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh quy định này, đặc biệt là từ những người trong cuộc, đó chính là học sinh và các bậc phụ huynh.

Phụ huynh nghĩ gì về quy định cấm dạy thêm và học thêm? 1
Ảnh: Internet

Học thêm - lợi hay hại?

Đây chính là câu hỏi được mọi người đặt ra ngay từ khi có thông báo về quy định cấm học thêm này. Bởi với tâm lý chung của phụ huynh và học sinh hiện nay, học thêm có thể hiểu sơ là một hành-động-tốt nhằm giúp các em bổ sung kiến thức sau giờ học chính thức tại trường. Đặc biệt là với các học sinh yếu, kém, khó tiếp thu bài vở tại lớp như bạn bè, thì học thêm lại càng được "hoan nghênh".

"Từ khi có lệnh cấm, cô chẳng dám cho thằng bé học thêm môn gì. Thằng bé nhà cô nó tên Thuận, hiện đang học lớp 5, nó thì tính khá chậm chạp, trước đây cô phải cho nó học thêm luyện chữ, Toán và Anh Văn để theo kịp bạn bè. Nhưng năm nay nó không được học thêm, thành ra cô và chú phải chạy đôn chạy đáo tìm mấy đứa học lớp lớn hơn quanh xóm tranh thủ tối tối qua kèm cặp em nó một chút. Chứ ở nhà ai cũng đi làm chân tay, học hành không nhiều nên chẳng biết đường mà dạy. Nhiều lúc cô cũng muốn tự dạy cho con nhưng phần không hiểu, phần phải đi làm không còn thời gian" - cô T.A đang sống tại Hà Nội tâm sự.

Không riêng gì cô T.A, mà có rất nhiều bà mẹ, ông bố khác cũng mắc phải trường hợp tương tự. Với nhiều người ăn học ít, buổi tối còn phải đi làm thì gần như họ hoàn toàn không có khả năng để hướng dẫn bài tập cho con. Vì thế biện pháp các phụ huynh này thường áp dụng đó là "phó mặc" con cho các lớp học thêm. "Dù có tốn thêm tiền vào mỗi tháng, nhưng là chuyện học hành của con cái thì ai mà tiếc bao giờ. Nhiều người còn ráng "cày" ngày "cày" đêm mong có thêm tiền chỉ để cho con ăn học." - chị Linh (27 tuổi) thẳng thắn nói.

Tuy nhiên nếu nhìn vào một góc độ sâu xa nào đó, thì học thêm cũng có khá nhiều mặt tiêu cực, nhất là ở bậc tiểu học. Ở độ tuổi này, các em chủ yếu đến trường để học kiến thức căn bản, nhưng một số em được gia đình cho học theo kiểu bán trú từ 7h sáng cho đến 4h chiều mới được về nhà. Ngay sau đó, các em này phải ngay lập tức "chạy sô" đến các lớp học thêm ban đêm, hôm thì Toán, hôm thì tiếng Anh, tiếng Pháp,... Lý do khiến các em phải học nhiều như vậy đa phần các bậc phụ huynh sẽ trả lời rằng: "Tôi muốn con học giỏi và tốt hơn". Nhưng có không ít người vì "tham cho con được xếp những thứ hạng cao tại trường", nên đã "nhiệt tình" thúc ép con cái phải học nhiều môn hơn theo ý nguyện của chính mình. Học nhiều, sẽ dễ khiến các em cảm thấy ngột ngạt, tù túng, nhồi nhét quá nhiều đôi khi những kiến thức được tiếp thu vào lại không chất lượng như ban đầu, thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các em.

Phụ huynh nghĩ gì về quy định cấm dạy thêm và học thêm? 2

Như trường hợp của em Xuân Anh, (12 tuổi) hiện đang sống tại quận 8, TP.HCM với cường độ học mỗi tuần của em hoàn toàn không trống một buổi nào. Ban ngày em học chính khóa tại trường từ 7h đến 4h chiều, với lợi thế nhà gần trường, Xuân Anh sau đó được mẹ đón về cho ăn cơm, tắm gội một cách tốc hành trong vòng 1 giờ đồng hồ thì lại được chở đến lớp học thêm vào mỗi ngày. Lớp học thêm này kéo dài trong vòng 1 tiếng rưỡi, sau đó em lại phải về nhà để chuẩn bị bài vở tại trường vào sáng hôm sau. Thậm chí thứ bảy và chủ nhật Xuân Anh còn phải đi học thêm đàn piano, lớp bơi lội do mẹ đăng ký suốt nhiều năm nay. Nên nếu tính toán một cách kỹ lưỡng, giờ học của Xuân Anh thậm chí là kín hơn cả thời gian người lớn đi làm hàng tuần.

Một số phụ huynh, học sinh vẫn còn chưa biết về quy định này

Dạo một vòng trong giờ ra về tại trường tiểu học ở Hà Nội, chúng tôi đã bắt chuyện với một vài phụ huynh để hỏi ý kiến của mọi người như thế nào về quy định này thì có một số lượng lớn phụ huynh trả lời rằng "tôi không biết" hoặc "có nghe nhưng vẫn không hiểu lắm vì sao lại cấm con tôi học thêm". 

Với những người đến nay vẫn chưa biết về quy định này đa phần là những phụ huynh bình thường, ít tiếp cận thông tin và xem tin tức. Điển hình là một bác phụ huynh tên Đức - Hoàn Kiếm, Hà Nội bộc bạch: "Chú chưa nghe báo gì, nhưng tại sao lại cấm? Học thêm cho tụi nó giỏi hơn chứ cấm kiểu gì? Chú vẫn ngày ngày đưa thằng bé đi học thêm, ở đấy lớp kín không một ai nghỉ thì sao lại cấm?" Hoặc như bạn Phúc Như (học sinh lớp 11) cho biết: "Mình có xem tin tức trên mạng, nhưng còn có một năm nữa là phải thi cử đủ thứ, nên mình phải đi học thêm thôi. Hiện tại mình thuê gia sư tại nhà học để an tâm hơn".

Từ những chia sẻ này từ các bậc phụ huynh và học sinh, mới thấy được hiện vấn đề cấm dạy thêm và học thêm này vẫn còn mắc nhiều khúc mắc và chưa hoàn toàn thuyết phục người dân. Vì thế để giảm tải việc học thêm, dạy thêm, cần đổi mới việc ra đề, đánh giá học sinh qua việc ra đề mở, không đánh giá học sinh chỉ qua 1 vài kỳ thi mà phải qua cả quá trình, đồng thời tăng số giờ học chính khóa, số giờ tự học. Đặc biệt là phải khiến phụ huynh hiểu được vấn đề cốt lõi của việc cấm dạy thêm và học thêm này là như thế nào.