Những lưu ý cho sinh viên trước khi nghỉ Tết

Lazi Chi, Theo Pháp luật xã hội 00:00 27/01/2014

Đối với giới sinh viên, việc chuẩn bị bài vở, đồ đạc trước khi về nghỉ Tết cũng không đơn giản. Có khá nhiều việc mà các sinh viên cần làm trước khi nghỉ Tết âm lịch.

Chăm lo bài vở

Chuyện bài tập Tết đang khiến không ít bạn lo lắng. Nếu như các anh chị khóa trên đã thi hết môn, thì hầu như các sinh viên năm nhất đều chưa thi học phần mà ngay sau Tết mới có lịch thi và nộp tiểu luận. Do đó, việc ôn tập trước Tết là rất quan trọng, các bạn không nên quá lo lắng cho việc sắm sửa quần áo, chuẩn bị về quê ăn Tết mà hãy tập trung giải quyết các chuyện như bài tập, tiểu luận mà thầy cô đã giao để về ăn Tết được thoải mái.

Đối với những bạn còn nợ môn, ngay sau Tết cũng phải “thi lại” thì cũng hãy cố ôn tập, đừng bỏ dở việc ôn thi để không phải “học lại”, hay nợ môn lần nữa.

Những lưu ý cho sinh viên trước khi nghỉ Tết 1

Có một mách nhỏ là, đừng bao giờ mang sách vở về quê để học hay ôn thi trong những ngày Tết vì quãng thời gian đó rất khó học và khi học cũng khó mà tập trung được. Thay vào đó, kì nghỉ Tết bạn nên dành cho gia đình, bạn bè lâu ngày không gặp mặt. Đó là kinh nghiệm của bạn Hoàng Lan, sinh viên năm cuối Đại học Tài nguyên và môi trường. Lan còn cho biết, ngay cả bản thân mình và nhiều bạn bè khác bao năm nay đều phải rút kinh nghiệm là nếu mà Tết mang bài vở về nhà thì rồi “Bài tập mang về thế nào, mang lên Hà Nội vẫn y nguyên thế” - Lan chán nản nói.

Do vậy, nếu trước Tết có bài tập hay tiểu luận gì, thì chúng mình nên tranh thủ hoàn thành. Công việc năm nay, chớ để sang năm sau. Và cũng là để sang năm mới có một khởi đầu, một khí thế học hành được vui vẻ, may mắn.

Gửi đồ trước khi về nghỉ Tết

Đối với các bạn sinh viên ngoại tỉnh, việc gửi đồ đạc trước khi về nghỉ Tết cũng là một vấn đề rất quan trọng, là nỗi lo lớn. Nhiều bạn chọn phương án an toàn là gửi tất cả mọi đồ đạc tại ban quản lý kí túc xá hay gửi chủ nhà trọ giữ hộ.

Nguyễn Thanh Huyền, một sinh viên quê Hà Nam đang theo học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Mình ở kí túc xá được 2 năm rồi, mỗi lần về quê ăn Tết hay kỳ nghỉ hè kéo dài thì chúng mình đều được ban quản lý kí túc xá hỗ trợ việc gửi đồ, cất giữ đồ đạc. Trước khi về nghỉ Tết, các sinh viên đều mang đồ đạc của cá nhân đóng hộp lại, ghi rõ tên tuổi, phòng ở, lớp… rồi mang xuống gửi ban quản lý kí túc giữ hộ, sau Tết thì lên nhận lại. Vì vậy hầu như không có tình trạng đồ đạc của chúng mình bị mất cắp hay thiệt hại gì.”

Còn đối với các sinh viên ở trọ bên ngoài, nhiều bạn có chủ trương mang các đồ giá trị như máy tính, nồi cơm điện, thậm chí cả xe máy đến gửi chính chủ xóm trọ. “Nhờ các bác chủ nhà giữ hộ xe máy và máy tính khiến mình rất yên tâm để về quê đón Tết. Nhiều bạn lười, không mang đồ đạc đi gửi, có khi sau Tết lên thì đồ đạc lại không cánh mà bay”.

Thậm chí, một vài năm trở lại đây khi nhu cầu gửi đồ tăng cao, trang web lập topic “Nhận gửi đồ cho sinh viên về quê ăn Tết”. Nhưng khi chưa tìm hiểu rõ về độ tin cậy, thì các sinh viên hãy cẩn thận, và cân nhắc khi lựa chọn phương án này; tránh tình trạng sau Tết “đồ mất, tật mang”.

Làm lịch Tết

Dù là Tết Dương lịch đã qua nhưng làm lịch Tết đang là một phong trào tại nhiều lớp học. Thay vì những cuốn lịch truyền thống của trường, các bộ lịch có ý nghĩa với hình ảnh của tập thể lớp cùng giáo viên chủ nhiệm lại trở nên hấp dẫn và đặc biệt hơn trong dịp Tết.

Không cần quá đầu tư nhiều tiền của và công sức, cả lớp chỉ cần có một bức ảnh tập thể khổ lớn là đã có thể mang ra ngoài hiệu làm lịch để đặt hàng. Rất đơn giản, nhanh chóng nhưng khi mang cuốn lịch treo tường về cho gia đình mình, giới thiệu cùng bố mẹ về tập thể lớp mình, những người bạn thân thiết… thì rất thú vị phải không?!
 
Những lưu ý cho sinh viên trước khi nghỉ Tết 2
Bộ lịch của sinh viên Ngoại thương

Tránh tụ tập, ăn uống quá đà

Không chỉ các lớp học, nhóm bạn bè thân thiết mà ngay cả các xóm trọ đều có xu hướng tổ chức liên hoan trước khi về nghỉ Tết. Những buổi liên hoan chia tay, cùng nhau trò chuyện, trổ tài nấu nướng, giải tỏa những áp lực học hành căng thẳng sau một năm bận rộn… cũng cần thiết và ý nghĩa.

Nhưng liên hoan sao cho có chừng mực, tiết kiệm và an toàn thì không phải “ét – vê” nào cũng nhận thức được. Còn nhớ câu chuyện của Tết năm ngoái khi đọc thông tin một nam sinh 18 tuổi thuộc tỉnh Vĩnh Long đã phải nhập viện do bị phỏng cồn toàn thân (với hơn 70% diện tích cơ thể bị bỏng) khi tham gia bữa tiệc tất niên trong giới sinh viên. Khi bếp lẩu hết cồn, một người trong bàn lấy chai cồn nước châm vào bếp. Không ngờ ngọn lửa phụt lên táp vào người T. làm bộ quần áo của T cháy và T bị bỏng nặng. Đây là một bài học cho những buổi liên hoan trong giới học sinh, sinh viên đấy các bạn ạ.

Những lưu ý cho sinh viên trước khi nghỉ Tết 3

Vì vậy để các bữa tiệc liên hoan cuối năm diễn ra an toàn thì các teen chúng mình cũng hết sức cẩn thận nhé!