Những áp lực phải gánh khi bạn là "con giáo viên"

Duyên Lê, Theo Pháp luật xã hội 00:01 22/12/2013

Ba từ “con giáo viên” chắc hẳn không lạ gì. Nhưng chính nó đã nói lên sự khác biệt giữa các thành viên trong lớp.

Nó là một từ dùng để gọi tên những bạn là con của thầy/cô giáo. Và nếu bạn là “con giáo viên”, hoặc bạn bè trong lớp bạn may mắn được gọi là “con giáo viên” thì điểm khác biệt là ở chỗ nào?

Con giáo viên phải luôn xuất sắc?

Đây là quan điểm của hầu hết mọi người. Bởi đơn giản, người ta thường tự đưa ra quan điểm rằng, bố mẹ là nhà giáo thì con cái phải được học tốt.

Chính vì điều đó đã khiến các bạn được gắn mác ba từ này sẽ luôn nhận một áp lực vô lực hình mang tên “con giáo viên”. Mà áp lực này không hề nhẹ, vì học hành đã là chuyện khó, chứ chưa nói đến chuyện luôn bị người khác nhìn ngó và bắt mình phải thật xuất sắc để xứng với cụm từ “con giáo viên”.

M.Hương (THPT TN1) chia sẻ: “Tớ thì đã quen khi mọi người gọi tớ là con giáo viên từ khi vào học cấp I. Khi đó tớ chỉ mới học lớp 1 nên đối với tớ ba từ con giáo viên chẳng có gì phải ái ngại, hay là áp lực gì cả. Sau này, dần dần học lên cao, hơn nữa cấp ba lại học cùng trường bố dạy thì tớ mới biết được áp lực khi làm con giáo viên là như thế nào”.

Những áp lực phải gánh khi bạn là "con giáo viên" 1

Con giáo viên luôn được nâng đỡ?

Nhiều khi sự cố gắng của bản thân, muốn chứng tỏ năng lực của chính những “con giáo viên” đã giúp các bạn ấy tiến bộ hơn, nhưng ngược lại, đó cũng chính là điều nghi ngại của “người ngoài” về việc được nâng đỡ.

Lý do thứ hai, vì người khác nghĩ những thầy cô giáo luôn luôn có những mối quan hệ ràng buộc với nhau, thêm vào đó, những người cùng ngành, cùng nghề thì hay gần gũi, thân tình nên việc “gửi” con cái của mình là điều dễ hiểu. 

Nhưng trên thực tế, điều này không ai có thể khẳng định, không thể chỉ dựa vào điểm số thì sẽ chứng minh được rằng con giáo viên dễ được nâng đỡ.

Đối với bản thân các thầy cô mà nói, việc nâng điểm số cho một cá nhân nào đó thì không phải là việc khó, nhưng không phải họ sẽ sẵn sàng nâng đỡ cho học sinh của mình, nhất là con của đồng nghiệp. Bởi lẽ, họ sẽ bị chỉ trích và “mang tiếng” không chừng. Nhất là bây giờ, khi thế hệ học sinh ngày càng nhạy cảm với điểm số và tất nhiên sẽ dễ dàng nhận ra, bạn có xứng đáng với điểm số đó hay không?

Bất kể là gì cũng luôn được ưu tiên?

Đây cũng là việc nhiều bạn học sinh ý kiến. Như chia sẻ của Hồng Anh (THCS ST, QN): “Lớp mình có hai bạn là con của giáo viên trong trường. Sẽ không có gì phải nói, nhưng khi hai bạn ấy (và cả các bạn con của thầy cô khác trong trường) đều được ưu tiên tặng quà và được tham gia sinh hoạt văn nghệ, như mỗi khi dịp lễ Trung thu, Tết… hay sẽ được miễn giảm học phí. Mình thấy điều này nghe giống như kiểu phân biệt học sinh trường ấy. Thay vào đó, Trung thu hay các dịp lễ có thể tổ chức các hoạt động vui chơi cho toàn học sinh, không được sao?”

Những gì bạn Hồng Anh nói là không hề sai. Nhưng không hẳn là tất cả con của giáo viên sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn những học sinh đâu nhé! Sẽ có một số trường hợp con của giáo viên sẽ được ưu tiên trong một khoản nào đó và có giới hạn. Không dừng lại ở đó, chúng ta sẽ thấy con của các Cán bộ công nhân viên chức trong các công ty lớn bé đều được ưu tiên tương tự thế. Đây là một điều gọi là – phải – như – thế thôi các bạn nhé. 

Những áp lực phải gánh khi bạn là "con giáo viên" 2

Con giáo viên cũng áp lực không hề ít

Bên cạnh những dấu hỏi đặt ra cho “con giáo viên”, thì các bạn ấy còn phải đối mặt với áp lực tinh thần không hề ít. Đơn cử như việc bị điểm thấp một lần thôi cũng đủ để các bạn ấy cảm thấy bức rức và khó chịu, vì nghĩ rằng bố/mẹ mình sẽ theo đó mà bị ảnh hưởng. Từ đó, các bạn ấy luôn phải cố gắng để tự chứng minh năng lực của mình, vì muốn mọi người bỏ đi cái suy nghĩ “Con giáo viên luôn được nâng đỡ”.

M.Trang (THPT ST, 18 tuổi) chia sẻ: “Mình thấy con của giáo viên còn bị thiệt thòi nhiều, như là trong thi cử, kiểm tra. Trường hợp nếu giáo viên được phân dạy trúng lớp con mình, kiểm tra thi cử mà các bạn ấy được điểm cao sẽ lại chịu nghi ngờ về việc đề thi này nọ kia, chẳng hạn. Còn điểm thấp chắc chắn là bị các bạn nói ngay.”

Con giáo viên thì cũng như bao học sinh khác mà thôi. Quyền lợi và nghĩa vụ không chẳng ai hơn ai, ai cũng phải học và thi đủ điểm thì sẽ lên lớp. Chúng ta đừng tạo ra áp lực cũng như những nghi ngại về họ, hãy để các bạn ấy được học trong một tinh thần thoải mái nhất nhé!