Ngập tràn cảm xúc với cuộc thi viết "Chuyện kể về Ông bà em"

Saga, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 17/11/2015

Ngày 16/11/2015, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết luận “Chuyện kể về Ông bà em” đồng thời tặng thưởng các em học sinh có những bài viết xuất sắc khác tại Hà Nội.

25 em học sinh đạt giải của cuộc thi Chuyện kể về ông bà em

“Người già là người đã từng trẻ, đã từng là những thanh niên, họ đã sống hết một cuộc đời để có những thứ mà người trẻ hôm nay đang hưởng thụ… Người già cần phải được quan tâm nhiều hơn không chỉ là cơm ngon hay sữa đắt.” (Đỗ Nhã Hoàng Hoa, lớp 7)

“Có lẽ khi tôi bắt đầu nhận thức được, ông đã bị tai biến và liệt, nên với tôi hình ảnh sâu đậm nhất của ông là khi ông ngồi đó lặng lẽ chứng kiến như một bức tường… Có lẽ khi tôi lớn, ông đã già, khoảng cách thế hệ quá nhiều để xóa bỏ…” (Đặng Đức Anh, lớp 9)

Đó là những lời văn xúc động và chân thành do các em học sinh chia sẻ về kỷ niệm khó quên với ông bà cũng như tình cảm sâu lắng mà ông bà dành cho các cháu. Người cao tuổi là một kho báu về kinh nghiệm cuộc sống cho thế hệ trẻ. Nếu bạn may mắn còn ông bà, mỗi ngày hãy dành thời gian để chia sẻ yêu thương và trò chuyện với ông bà.

Danh sách 25 học sinh đạt giải cuộc thi viết Chuyện kể về ông bà

Trong buổi lễ trao giải ấm cúng tại Ngôi Nhà Xanh Liên Hợp Quốc, Ban tổ chức đã trao thưởng cho 25 em học sinh có bài viết xuất sắc nhất của cuộc thi viết “Chuyện kể về Ông bà em”. Đặng Đức Anh – học sinh lớp 9A, trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam vinh dự giành ngôi vị quán quân của cuộc thi với bài viết về người ông quá cố.

Nhà văn Trang Hạ với Đặng Đức Anh - hoc sinh đạt giải nhất của cuộc thi

“Chuyện kể về Ông bà em” là cuộc thi viết do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) phối hợp Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế (HelpAge) khởi xướng nhằm đề cao vai trò của người cao tuổi trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội để giới trẻ hiểu hơn về người cao tuổi. Cuộc thi được phát động trong khối học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vào tháng 10 năm 2015. Trải qua gần 02 tháng phối hợp chặt chẽ với 4 trường quốc tế Việt Anh (BVIS), trường quốc tế Liên Hợp Quốc (UNIS), Hà Nội – Amsterdam và Phan Đình Phùng, Ban tổ chức đã nhận được hơn 400 bài thi bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Các bài dự thi được lựa chọn qua sự đánh giá của các thành viên ban giám khảo, trong đó có nhà văn Trang Hạ, đại diện NXB Kim đồng và đại diện Ban tổ chức.

Anh thuở nhỏ với ông bà của Phạm Hồng Quang – học sinh lớp 11V trường quốc tế BVIS bên ông bà.

Học sinh trường UNIS_Klara Musilova cùng bà

Vũ Phương Linh – Học sinh lớp 7A trường THCS Hanoi-Amsterdam bên ông bà

Phát biểu tại lễ trao giải, bà Ritsu Nacken, Quyền Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: Các bài luận mà các em gửi đến cuộc thi không chỉ truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta về tình yêu thương ông bà, mà còn cho thấy lòng ngưỡng mộ mà các em dành cho ông bà của mình. Hình ảnh ông bà qua lời kể của các em, là những người cao tuổi chưa sẵn sàng cho giai đoạn "xế chiều" nhưng vẫn đầy nhiệt huyệt, mong muốn là những thành viên năng động, tích cực và được tôn trọng". Bà cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới đơn vị tài trợ, bao gồm Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế HelpAge, NXB Kim Đồng, Tập đoàn Inter-Continental, Nha Khoa Châu Thành và các nhà hảo tâm khác.

“Tôi đã đọc tất cả các bài được trao giải hôm nay và thực sự xúc động, hình ảnh của những người ông, người bà hiện lên rất thật trong các trang viết, như những người chăm sóc, người bạn lớn, người thầy, người hòa giải, là tấm gương, nghị lực và cũng là nguồn cảm hứng cho các em… Ảnh hưởng tích cực và lâu dài của người cao tuổi đối với thế hệ trẻ là rất rõ ràng, cả khi họ còn sống hay đã mất, luôn mang lại cho các cháu một chỗ dựa lớn lao, thầm lặng, mà đôi khi chúng ta chỉ cảm nhận được khi không còn được nhận nữa”. Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc tổ chức HelpAge chia sẻ.

Khái niệm già hóa dân số là khi trong quy mô dân số, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 10%-19,9% hoặc người từ 65 tuổi trở lên chiếm 14% (Theo phân loại của Cowgill và Holmes). Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng dân số cao tuổi đang tăng nhanh hơn tất cả các nhóm tuổi khác trong xã hội và sẽ kéo theo các vấn đề xã hội cần quan tâm như an sinh xã hội và chăm sóc y tế.


UNFPA đã hoạt động tích cực ở Việt Nam từ năm 1977 và hỗ trợ khoảng 140 triệu đô la trong công tác bảo vệ và nâng cao sức khỏe sinh sản (SKSS) và sức khỏe tình dục (SKTD) cho phụ nữ, nam giới và trẻ em. UNFPA cũng đồng thời hỗ trợ Việt Nam thu thập dữ liệu có chất lượng cao cũng như góp sức vào cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở quốc gia năm 2009. Ngoài ra, UNFPA còn góp phần vào các cuộc đối thoại chính sách và giúp chính phủ thực hiện các chính sách và chương trình liên quan tới các vấn đề về giới, dân số và phát triển.

Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế tại Việt Nam (HelpAge International) giúp người cao tuổi đòi hỏi quyền lợi, thách thức phân biệt đối xử và vượt qua đói nghèo, để họ có thể sống một cuộc sống an toàn, năng động và khỏe mạnh. Tổ chức đã hỗ trợ thành lập các Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau để có khả năng chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng và tiếp tục đóng góp trong công cuộc phát triển của nhiều địa phương.