Làm sao để vượt qua một môn học khó nhằn?

Quỳnh Trang, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 31/03/2015

Mỗi người có một điểm mạnh, điểm yếu riêng và có rất ít học sinh/sinh viên coi tất cả môn học đều là thế mạnh. Dưới đây là một số thủ thuật giúp bạn vượt qua những môn học khó nhằn.

1. Học tập chăm chỉ

Đây là một lý thuyết cơ bản để bạn vượt qua bất cứ môn học nào. Tuy nhiên, khi bạn đã không thích hoặc cảm thấy môn học đó quá sức với mình, bạn chỉ học một cách miễn cưỡng, lấy lệ. Ví dụ, điểm yếu của bạn là môn Hóa học. Bạn phải làm gì? Tắt máy tính đi và bắt đầu học. Mỗi ngày, hãy dành ra một khoảng thời gian nhất định để học tập. Lúc đầu, bạn sẽ cảm thấy rất uể oải và khó chịu, nhưng cuối cùng bạn sẽ thấy kiến thức dần dễ hiểu và dễ áp dụng vào bài tập hơn. 

2. Thuê một gia sư

Nếu cha mẹ sẵn sàng và đủ khả năng, bạn nên thuê một gia sư để giúp mình "giải quyết" với một môn học khó nhằn. Học kèm sẽ giúp bạn dễ hiểu hơn vì gia sư hiểu được sức học của bạn. Gia sư sẽ tạo ra phương pháp học tập và giảng dạy cá nhân phù hợp. Đối với sinh viên, bạn có thể theo học cùng với những người bạn khác có khả năng học tập xuất sắc hơn.  



3. Tạo một nhóm học tập

Đừng tạo thành một nhóm mà các bạn chỉ mang theo sách giáo khoa, tán gẫu và ăn uống. Thay vào đó, bạn hãy cùng một vài bạn bè nghiêm túc, ham học và thực sự muốn học để thành lập một nhóm. Vì mỗi học sinh, sinh viên đều có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, một nhóm học tập có thể giúp bù lấp điểm yếu của các thành viên trong nhóm. Bạn sẽ có thể chia sẻ cho bạn bè của mình những gì bạn hiểu và biết nhiều hơn về những khái niệm khó khăn.

4. Tập trung trong lớp học

Việc ghi chép chi tiết và sự tập trung là chìa khóa giúp bạn vượt qua một môn học khó nhằn. Bạn càng lắng nghe và tham gia phát biểu trong một môn học, bạn càng hiểu kiến thức và vấn đề nhanh hơn. 

5. Tránh nhồi nhét

Nhiều học sinh, sinh viên thường nhồi nhét kiến thức trước một bài thi, một bài kiểm tra. Nhưng bạn không nên nhồi nhét kiến thức. Cách tốt nhất là học mỗi ngày một ít, bạn sẽ học được nhiều hơn so với nhồi nhét kiến thức trong một thời gian ngắn trước bài thi. 

6. Kiểm tra liên tục

Bạn chỉ có thể biết được sức học của mình bằng cách tự làm bài kiểm tra liên tục. Có rất nhiều đề bài, đề thi trên mạng hoặc trong sách hướng dẫn tự học.  Bạn hãy thường xuyên làm đề thi, làm đề kiểm tra rồi tự chấm điểm hoặc nhờ người khác sửa hộ để đánh giá một cách khách quan và trung thực về lực học của mình. 

7. Khai thác nhiều nguồn học tập

Bạn có thể học tập và nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau, đó có thể là thầy cô, gia sư, bạn bè thậm chí qua Internet! Hãy chú ý trong lớp, chịu khó ôn bài và tìm kiếm nhiều nguồn học tập để tìm ra nguồn học tập yêu thích và phù hợp với sức học của mình. 

8. Chăm chỉ thực hành

Bạn rất sợ hãi khi thầy cô giáo giao bài tập về nhà, nhưng đây là một cách hiệu quả để bạn ôn lại cũng như mở rộng kiến thức của mình. Thực hành là cách duy nhất để áp dụng và hiểu kiến thức. Bạn nên tận dụng ích lợi bài tập về nhà, đặc biệt là trong một môn học khó nhằn. Khi bạn đã làm rất nhiều bài tập về nhà và đặt 100% nỗ lực vào các bài tập về nhà, chắc chắn bạn sẽ đạt điểm cao trong đề kiểm tra tới. 

9. Không gian lận

Bạn càng học kém ở môn học đó, bạn càng không nên gian lận. Sao chép bài tập về nhà hay gian lận trong bài kiểm tra chỉ khiến bạn học kém môn đó hơn. Khi giáo viên phát hiện bạn gian lận, chắc chắn họ sẽ cho bạn những điểm kém và không còn tin tưởng bạn nữa. Gian lận ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của bạn, và khiến bạn không thể nhận ra lực học thực sự của mình cũng như không có động lực để vươn lên.