Học sinh cấp 3 nghĩ gì về phương án tổ chức kỳ thi quốc gia 2015?

Thùy Dung, Theo Mask Online 00:00 13/09/2014

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ và đồng tình, cũng có một số người, đặc biệt là học sinh cuối cấp vẫn cảm thấy hoang mang và lo lắng trước những đổi mới này.

Chiều ngày 9/9/2014, Bộ GD- ĐT đã chính thức tổ chức họp báo quý 3 công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Theo đó, sẽ có rất nhiều thay đổi đáng kể trong cách thi, nổi bật nhất là: thi tốt nghiệp bắt buộc bốn môn (Toán, Văn, Anh cùng một môn lựa chọn) và các trường ĐH, CĐ sẽ không còn tuyển sinh theo khối thi như cũ. Sau khi cập nhật được tin tức việc thay đổi quy chế thi mới, ngay lập tức đã xuất hiện rất nhiều luồng ý kiến khác nhau phản hồi về quyết định này của bộ GD-ĐT.

“Hình thức thi mới có nhiều điểm đáng ủng hộ…”

“Tớ thấy hình thức thi mới có nhiều điểm đáng ủng hộ. Thứ nhất, giảm chi phí. Thứ hai, giảm áp lực cho học sinh. Nhiều bạn nói các bạn ban D có lợi nhưng thực tế không phải vậy. Nếu vẫn thi hai kì thi như cũ thì số môn phải học phải thi còn nhiều hơn nữa, vừa áp lực, lại vừa tốn thời gian. Hơn nữa các bạn vẫn thi môn khối theo yêu cầu tuyển sinh của từng trường đưa ra, như vậy bản chất gần như không có gì thay đổi. Tớ nghĩ không cần phải lo lắng quá nhiều, việc cần bây giờ là tập trung học thật chu đáo!” – đây là ý kiến của bạn Đinh Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 12a14 THPT Mĩ Đức A, Hà Nội.

Bạn Nguyễn Linh Chi, học sinh lớp 12 chuyên Toán thì cho rằng “Việc thi tốt nghiệp 4 môn thực sự khiến bọn tớ nhẹ nhõm hơn, và nó cũng phần nào giảm hẳn tình trạng học lệch đã và đang tồn tại ở không ít học sinh hiện nay. Toán, Văn, Ngoại ngữ là những môn cơ bản trong chương trình học, là “nhiệm vụ” phải hoàn thành, nên mình nghĩ cách đổi mới này có thể nâng chất lượng dạy và học lên đáng kể”.

Việc không phải đăng ký trước khi thi mà dựa vào kết quả rồi mới lựa chọn nguyện vọng cho mình cũng là cánh cửa rộng hơn để học sinh có thể đỗ ĐH, nó giảm bớt rủi ro và tạo điều kiện để không bỏ sót những đối tượng có kết quả tốt song vẫn trượt vì đăng ký ngành quá sức mình.

“Nhưng vẫn có những bất cập…”

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ và đồng tình, cũng có một số người, đặc biệt là học sinh cuối cấp vẫn cảm thấy hoang mang và lo lắng trước những đổi mới này.

“Thừa nhận là Bộ GD-ĐT cũng đã phải rất cân nhắc thì mới chốt, nhưng mà điều đáng nói là nếu áp dụng ngay từ năm 2015 thì học sinh lớp 12 có kịp thích nghi và điều chỉnh cách học hay không? 9 tháng để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất trong sự nghiệp học hành, nghĩ là nhiều nhưng thực ra không. Ai từng thi ĐH đều biết, mọi người đều có định hướng và đầu tư từ lớp 10 trở đi, nếu không muốn nói là cấp 2. Với kiểu thi này, tớ cảm giác khối A và C có chút bất lợi” – Lê Chi, học sinh lớp 12 một trường trung học tại Hà Nội chia sẻ.

Phạm Linh (học sinh lớp 12) bày tỏ nỗi lo lắng của mình: “Nguyện vọng là ĐH KHXH&NV nên tớ chỉ tập trung học khối C, Toán với Tiếng anh thực sự là một trở ngại không chỉ của riêng tớ, mà hầu như các bạn khối C nào cũng vướng phải. Giờ nó còn ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của ĐH nữa, tớ thực sự rất lo!”

Vậy còn đề thi? Nó vừa phải đáp ứng được điều kiện cơ bản của thi Tốt nghiệp, vừa để tuyển sinh Đại học. Liệu rồi có thể thỏa đáng không?”. Vấn đề đề thi là nỗi băn khoăn chung của rất nhiều người, thậm chí các thầy cô giáo cũng rất “đau đầu” để điều chỉnh phương pháp giảng dạy và ôn luyện của mình.

Đi kèm với đó là những ý kiến bày tỏ nỗi lo về vấn đề muôn thuở: sự tiêu cực trong kỳ thi – một vấn nạn rất đáng quan tâm.

“Em gái tớ năm nay thi ĐH, nên dù đã tốt nghiệp ĐH được 2 năm rồi nhưng khi nghe đến phương án này tớ cũng có chút không đồng tình. Đúng là sẽ khắc phục được chuyện học lệch, buộc các em 12 phải đầu tư hơn, nhưng gộp chung lại một kỳ thi và không tuyển sinh theo khối có thực sự đảm bảo được công bằng hay không? Năng lực của các em có được đánh giá đúng đắn? Công tác tổ chức kỳ thi liệu có thể minh bạch, không xuất hiện tiêu cực như những năm trước? Vì chỉ có một kỳ thi để quyết định tất cả. Mọi thứ nên được chuẩn bị kỹ càng.”

Dù xuất hiện nhiều luồng ý kiến như thế nào thì phương án thi cũng đã được thông qua, điều quan trọng nhất lúc này vẫn là các học sinh lớp 12 chuẩn bị tinh thần và kiến thức thật tốt để sẵn sàng “chinh chiến”, đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi vào năm 2015.