Du học sinh Nga: Mỳ tôm là thứ xa xỉ nhất

24h, Theo 09:21 02/10/2013

Ở Nga, mỳ tôm là thực phẩm quá xa xỉ và đắt đỏ đối với du học sinh Việt Nam.

Nga là nước được nhiều học sinh, sinh viên chọn làm điểm đến để du học. Rất nhiều du học sinh đã thành tài sau khi tu nghiệp thành công ở nước Nga. Để hiểu hơn về đất nước xứ Bạch dương, về môi trường học tập nơi đây, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ từ các bạn du học sinh Việt Nam tại đây nhé!

Cho bạn thỏa niềm đam mê

Du học là điều đáng mơ ước của rất nhiều bạn trẻ. Ngoài việc được tiếp cận với môi trường giáo dục tiên tiến, được phát huy tối đa khả năng bản thân thì đây còn là cơ hội mở rộng vốn sống, được giao lưu với bạn bè năm châu cũng như tăng thêm vốn hiểu biết về các nền văn hóa.

Đến với nước Nga, bạn cũng sẽ "Tha hồ khám phá, được đi du ngoạn khắp mọi nơi" - Nguyễn Thu Hường, sinh viên năm nhất, trường ĐH Tổng hợp Kỹ thuật Quốc gia Astrakhan (Nga) chia sẻ. Chắc chắn việc được đặt chân lên một phương trời mới luôn là điều đáng tự hào của bất kỳ học sinh nào khi đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Thay vì ngồi chống cằm tưởng tượng ra những vùng đất xa xôi như trên tivi, các bạn có cơ hội đến với nước Nga đã phần nào thỏa mãn niềm hạnh phúc khi được sang một mảnh đất hoàn toàn xa lạ, mới mẻ và thú vị.

Du học sinh Nga: Mỳ tôm là thứ xa xỉ nhất 1
Nguyễn Thu Hường, sinh viên năm nhất, trường ĐH Tổng hợp Kỹ thuật Quốc gia Astrakhan, Nga

Đam mê văn hóa phương Tây từ lâu nhưng chỉ khi sang Nga học, Phạm Tuấn Anh, sinh viên năm 2 trường ĐH MAI, Maxcova, Nga mới thực sự được trải nghiệm thế nào là "giao lưu với văn hóa phương Tây, ăn đồ Tây, chơi theo Tây và học cũng theo cách Tây". Khi học ở nhà, cho dù bạn đọc bao nhiêu quyển sách, xem bao nhiêu phim ảnh tư liệu cũng không thể bằng được một ngày học trên đất nước Nga, được tha hồ nói ngoại ngữ trên trường trên đường, trong ký túc xá... và còn giao lưu trực tiếp với các bạn sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Chắc chắn đó là những thước phim tư liệu sống tuyệt vời nhất mà bất kỳ bạn du học sinh nào cũng trải qua và không thể quên.

Còn nếu bạn ôm ấp giấc mơ được trải nghiệm một mùa đông tuyết phủ trắng xóa, được bước giữa cánh rừng phong đỏ rực hay hai hàng bạch dương rủ lá vi vu thì còn ngại gì nữa mà không chọn nước Nga? Phạm Hoàng Yến Nhi (sinh viên năm nhất trường Tổng hợp Kỹ thuật Volgogard, Nga) lãng mạn kể về khoảng thời gian du học của mình: "Sang bên Nga du học, mùa đông, được ngắm tuyết rơi, được làm ông già tuyết thoải mái - những điều mà mình chỉ được cảm nhận qua phim ảnh".

Đến với đất nước Nga, bạn không chỉ được nếm trải những điều tuyệt vời trên mà còn nhận được điều kiện học tập và làm việc tốt nhất. Các thầy cô và trường học nơi đây đặc biệt ưu ái cho các du học sinh người Việt.

Mỳ tôm Việt là thứ xa xỉ nhất

Đây là điều đặc biệt nhất mà chúng tôi nghe được qua cuộc phỏng vấn từ các bạn du học sinh ở Nga. Đối với cuộc sống sinh viên sống xa nhà học đại học trong nước, mỳ tôm là người bạn tri kỷ mỗi khi "cuối tháng hết tiền". Tuy nhiên, ở Nga thì khác hẳn, mỳ tôm Việt là một thứ khá xa xỉ đối với sinh viên Việt Nam. "Ở đây, 1 gói mỳ tôm là 20 rúp (14.000 VNĐ), vì thế sinh viên Việt Nam bọn mình rất ít khi ăn. Nhiều khi thèm quá phải tham gia các trò chơi chỉ để lấy giải thưởng là thùng mỳ tôm Việt" - Tuấn Anh chia sẻ.

Vào Tết âm lịch dành cho những người Việt tổ chức ở đây thì mọi thứ cũng khá đắt đỏ. "Bọn tớ muốn mua bánh chưng thì phải mất tới 300 rúp/ cái (tương đương 210.000 đồng), mặc dù đắt như vậy nhưng muốn có không khí tết quê nhà nên mọi người đều ngậm ngùi dành tiền tiết kiệm để mua", Thu Hường tâm sự.

Du học sinh Nga: Mỳ tôm là thứ xa xỉ nhất 2
Cô nàng Phạm Hoàng Yến Nhi, sinh viên năm nhất trường Tổng hợp Kỹ thuật Volgogard, Nga (Thứ hai, từ phải sang)

Mọi thứ đều có thể thay đổi, cuộc sống của du học sinh không chỉ toàn màu hồng như bao người nghĩ. Du học sinh ở đây phải đi làm thêm để có thể trang trải bớt phần nào những sinh hoạt đời thường. Đặc biệt, những bạn sinh viên học ở các thành phố lớn, mức thu nhập, mức sống của người dân ở đây tương đối cao. Vì thế, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm rất cao khiến du học sinh Việt rất khó khăn trong việc chi tiêu. Những ngày nghỉ, các bạn phải đi làm thêm như: đi thu hoạch cà chua, khoai tây cho những người Việt định cư ở Nga hay ở các quán cà phê, bán đồ ăn nhanh... để có thêm thu nhập.

Cuộc sống xa nhà, thiếu sự quan tâm và chăm sóc trực tiếp từ gia đình, phải một mình tự lập nơi đất khách quê người, nhiều bạn trẻ sẽ gục ngã nếu không có quyết tâm thực sự. Bên cạnh đó, thời tiết ở đây cũng khắc nghiệt hơn, nhiệt độ mùa đông thường vào âm độ, gió rét và tuyết rơi rất dày, rất dễ ảnh hưởng tới sức khỏe của du học sinh ở đây khi chưa quen với thời tiết.

Phạm Hoàng Yến Nhi bùi ngùi nhớ lại mùa đông năm ngoái: "Mùa đông tuyết rơi dày, đi học từ trường về ký túc xá mà gió rét tê tái. Những lúc ốm đau, mặc dù có bạn bè ở bên cạnh chăm sóc nhưng vẫn tủi thân, nhớ gia đình da diết. Lúc ấy, chỉ mong được ở nhà, ở trong vòng tay ấm áp sự quan tâm và chăm sóc của bố mẹ mà thôi".

Tiểu Bình thì gặp vấn đề giao tiếp: "Du học sinh sang bên Nga học, năm đầu tiên đa số đều tham gia khóa học dự bị ngoại ngữ ở trường. Ban đầu, đi học sẽ khó bắt nhịp với cách giảng dạy, thời gian biểu cũng như cách kiểm tra vì nó hoàn toàn khác với môi trường ĐH bên mình. Thầy cô và các bạn trong lớp nói rất nhanh, vì thế, phải luyện nghe, luyện nói rất nhiều mới có thể hòa nhịp vào môi trường học ở đây được".

Bao ước mơ chấp cánh...

Vốn là một sinh viên sư phạm, học tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, nếu không có gì thay đổi thì sau 4 năm học tại trường, Yến Nhi sẽ trở thành một cô giáo dạy học như bao sinh viên Sư phạm ra trường khác. Nhưng bước ngoặt cuộc đời thay đổi, Yến Nhi đạt được suất học bổng của trường và sang Nga du học. Sang bên này, cô bạn hết sức bỡ ngỡ vì ngành học của mình không liên quan gì đến nghiệp vụ Sư phạm khi học ở trong nước.

Bất ngờ nhưng với tinh thần lạc quan, cầu thị, cô nàng nhanh chóng hòa nhập, tìm được tiếng nói chung với các bạn người Nga trong lớp. Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Volgograd, Liên Bang Nga - nơi Yến Nhi theo học, đa số các ngành học dành cho con trai. Với cá tính mạnh mẽ, Yến Nhi luôn tự tin với vốn tiếng Nga kha khá và giao tiếp lưu loát sẽ khiến cho cô nàng tiến nhanh trong bảng xếp hạng học lực trong lớp. "Mình sẽ cố gắng học tốt, trau dồi vốn ngoại ngữ, thường xuyên giao tiếp với bè bạn quốc tế để học hỏi những điều hay. Sau này, mình mong muốn sẽ trở thành một kỹ sư ngành Tự động hóa giỏi, về giúp ích cho quê hương, đất nước ", Yến Nhi hồ hởi khoe.

Còn anh chàng Đặng Tiểu Bình không giấu nổi niềm vui khi chia sẻ về ước mơ của mình: "Tớ sang Nga du học, gia đình tớ không chỉ tự hào mà còn đặt rất nhiều kỳ vọng vào tớ. Vì thế, trong tớ luôn nhắc nhở và thôi thúc một điều rằng: không chỉ học cho bản thân mình mà còn học để làm rạng danh cho gia đình, người thân. Tớ sẽ cố gắng trở thành một kỹ sư giỏi và trở về quê hương lập nghiệp".

Du học sinh Nga: Mỳ tôm là thứ xa xỉ nhất 3
Phạm Tuấn Anh, sinh viên năm 2 trường ĐH MAI, Maxcova, Nga ( ngoài cùng, bên trái)

Khoác trên mình màu áo lính, Tuấn Anh - sinh viên năm 2 trường Học viện Kỹ thuật Quân sự đã vượt lên chính mình để đạt suất học bổng bán phần ở Nga. Trở thành du học sinh ở đây, cậu bạn không còn là anh lính rụt rè như trước nữa, càng ngày Tuấn Anh càng tự tin khi giao tiếp với mọi người, đặc biệt là với những người bạn nước ngoài. "Sang bên này, tớ không còn mặc áo lính, không còn những kỷ luật nghiêm ngặt như hồi còn học ở Học viện nữa. Môi trường ĐH bên này khác hẳn, ngành học cũng khác nhưng sau này, khi học xong ở bên Nga thì tớ cũng mong được quay về với môi trường quân đội ở Việt Nam".

Dẫu biết cuộc sống của du học sinh là rất khó khăn, tuy nhiên, với quyết tâm và niềm yêu thích, đa số du học sinh đều vươn lên hoàn cảnh, chăm chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập của mình ở nước bạn.