Đủ chuyện lo khi đến trường hậu Tết

Bảo Nhi, Theo 00:01 01/02/2012

Đã thành thông lệ, sau những ngày Tết vui thả ga thì cả học sinh lẫn sinh viên đều bắt đầu… than thở: “Ôi, lại chuẩn bị vào học rồi, trong đầu mình chẳng có gì!”

Đối mặt với kết quả học tập không tốt

Sau kì nghỉ dài hạn (khoảng 2 tuần), teen bắt đầu quay về với guồng học tập bình thường. Nếu trong Tết các bạn thường xuyên than chán thì khi chuẩn bị đi học rồi họ lại bắt đầu muốn… quay về thời điểm lúc giao thừa.“Khi ấy sẽ không phải học hành, không phải nghĩ tới kì thi vừa rồi. Qua Tết mình sẽ được thông báo điểm, dù đã biết trước là kết quả thi khá tệ nhưng mình vẫn không khỏi lo lắng. Nghĩ tới là mình chẳng còn hứng thú làm bài, học bài nữa” – Tấn Khoa (17 tuổi) cho biết.

“Những ngày Tết vui vẻ làm mình cũng quên đi chuyện học. Nhưng khi thấy bạn bè bắt đầu lo lắng và bàn tán về việc quay trở lại trường, mình bắt đầu lo. Mình nhớ lại những môn mình thi không tốt, buồn vì sai toàn những chỗ không đáng, rồi áp lực khi nghĩ đến việc ba mẹ biết được bảng điểm của mình, thầy cô phàn nàn…, trong khi bạn bè đều cố gắng học tập còn mình thì lại thiếu ý chí. Quay trở lại trường sẽ rất vui vì được gặp bạn bè nhưng mình chẳng muốn đối diện với những con điểm xấu xí chút nào!” – Quỳnh Nga (18 tuổi) chia sẻ.



Kiểm tra, thi cử, học thêm…

Kết quả học tập không tốt chỉ là một trong những nguyên nhân khiến teen mình sợ quay trở lại trường. Thực tế còn 1 nỗi sợ lớn hơn: phải tăng tốc học tập để chuẩn bị cho đợt kiểm tra mới, đợt thi mới, phải “chạy sô” học thêm để theo kịp bạn bè. Nhã Khanh (lớp 12 trường N) kể: “Có thể Tết năm nay không vui đối với học sinh 12 tụi mình. Áp lực chuyện thi cử, chọn trường, con đường tương lai… Ngày Tết, người thân nào cũng hỏi thăm mình, xem mình chọn trường gì, dự tính ra sao, rồi điểm học kì vừa rồi tốt không. Chỉ bấy nhiêu đó thôi đã khiến mình không dám nghĩ tới những ngày vào học sắp tới.”

“Qua Tết, gia đình bắt mình luyện thi đại học cấp tốc, mời gia sư về nhà để dạy kèm mình. Thời gian để học mình còn không có, nói gì đến việc thư giãn, giải trí. Cảm thấy ba mẹ dành quá nhiều tâm huyết chỉ để mong mình đậu đại học, áp lực ngày càng đè nặng lên mình. Mình chỉ mong mình đủ sức khỏe để hoàn thành trọn vẹn “sứ mệnh” học hành này, chỉ sợ mình phụ lòng người thân, gia đình” – Quỳnh Anh (lớp 12 trường M) tâm sự.

Sinh viên cũng than

Nếu học sinh cảm thấy mệt mỏi, áp lực vì lại chuẩn bị đối mặt với những ngày “đến trường rồi về nhà”, ngồi vào bàn và “luyện” hơn 10 môn cùng lúc, thì sinh viên lại… oải vì nhiều lý do khác nhau.

N.M (sinh viên năm 2 ĐH Y Phạm Ngọc Thạch) chia sẻ: “Qua Tết, mình vẫn phải thi tiếp vài môn nữa. Mình phải đọc rất nhiều sách. Mà bạn biết đó, những ngày nghỉ như thế này luôn khiến mình xao nhãng. Khi thì bạn bè rủ đi chơi, lúc thì gia đình rủ chúc Tết, có khi khách đến nhà phải phụ gia đình tiếp đãi, dọn dẹp…, chẳng còn hứng học tập. Mình đã xác định là kết quả thi cử sẽ không cao, chỉ mong qua môn là được.”

“Còn mình thì băn khoăn với những dự định, kế hoạch riêng. Sắp vào chuyên ngành, mình vẫn lo lắng không biết đã lựa chọn đúng. Mình cũng định đi làm thêm, nhưng với lịch học dày đặc và rải rác thì có vẻ như khá khó. Mình cảm thấy lo khi đã vào chuyên ngành rồi mà mình vẫn rất thờ ơ trong chuyện học, chưa xác định được mình cần gì, muốn gì” – Thủy Tiên (sinh viên năm 2 ĐH Kinh Tế) chia sẻ.

Đối mặt thôi teen ơi!

Sau một năm học mệt mỏi, bạn đã có những ngày quây quần bên người thân và gia đình, được đi chơi nhiều nơi, được lì xì, được ăn uống thả cửa… Nhưng cuộc vui nào cũng cần có điểm dừng. Đã đến lúc bạn quay về với cuộc sống thực tại và tự tin đối diện với những khó khăn phía trước. Sẽ chẳng có gì đáng sợ nếu như bạn sắp xếp được lịch học một cách thông minh, học ít nhưng vẫn chất lượng và biết bỏ những cái không cần thiết để tập trung cho những mục tiêu quan trọng hơn, đáng để ưu tiên hơn. Chúc bạn một năm mới viên mãn, luôn đạt điểm cao và thoải mái trong học tập nhé!