Cử nhân 9x băn khoăn đi làm hay học tiếp

Saga, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 26/02/2016

Ngay sau tết Âm lịch, đa phần sinh viên năm cuối các trường đại học bắt tay vào ôn thi hoặc chuẩn bị luận văn tốt nghiệp. Ngoài nỗi lo “về đích”, kết thúc cuộc đời sinh viên, các tân cử nhân tương lai còn những lo lắng về lựa chọn đường đi tiếp theo.

Băn khoăn trước các ngã rẽ

Đi làm ngay sau khi tốt nghiệp là mong muốn của rất nhiều sinh viên.

Nguyễn Bảo Uyên, sinh viên năm cuối Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ cho biết trong thời gian học bạn đã xin thực tập và làm thêm ở một số công ty tư nhân. “Tôi đã thực tập và đi làm thêm ở 3 nơi. Tôi thấy khá hứng thú với việc đi làm, nên dự kiến sau khi tốt nghiệp sẽ tìm việc ngay”.

Gia đình không quá khá giả, nên vấn đề tìm việc sau khi tốt nghiệp cũng khiến Bùi Anh Dũng, sinh viên Trường ĐH Xây dựng Hà Nội lo lắng. “Nhà tôi có người em năm nay cũng sẽ thi đại học, nên tôi muốn đi làm để đỡ gánh nặng cho bố mẹ” – Dũng chia sẻ. Tuy nhiên, điều khiến Dũng đau đầu hiện nay là chỗ làm “Gia đình cũng có một vài chỗ quen biết, nhưng không quá thân quen và bố mẹ cũng không có tiền để chạy việc cho tôi, nên tôi xác định là trước mắt có thể chỉ tìm được những việc làm xa nhà, lương không cao”.

Đã tìm kiếm và lên danh sách những cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, Phạm Văn Sơn, Trường ĐH Điện lực Hà Nội tâm sự “Theo kinh nghiệm của các anh lớp trước thì tìm việc ngày càng khó khăn hơn, vì vậy tôi dự kiến sẽ nộp hồ sơ vào tất cả những nơi nào có nhu cầu tuyển nhân sự đúng ngành học của tôi, nơi nào gọi là sẽ tới thi tuyển, phỏng vấn”.

Tuy nhiên, đi làm ngay không phải là lựa chọn của tất cả tân cử nhân. Không ít cử nhân tương lai sẽ tốt nghiệp trong năm 2016 này dự kiến chọn cho mình con đường học lên cao học.

“Tôi dự định sẽ thi thạc sĩ ngay trong năm nay” – Thu Hương, Trường ĐH Ngoại Thương cho biết. “Bởi vì, tôi thật sự vẫn thích học, muốn có thêm kiến thức để sau này ra làm việc vững vàng hơn. Hơn nữa, bây giờ là thời điểm tôi đang học rất “vào”, nên muốn tranh thủ học luôn. Ra trường một vài năm, lại có gia đình nữa, tôi sợ rằng việc học lên cao sẽ khó khăn hơn”.

Với cách nhìn nhận sâu sắc và thực tế hơn, một số phụ huynh cho rằng việc học tiếp cao học luôn là cách đầu tư dài hạn.

“Với số lượng sinh cử nhân ra trường lớn như hiện nay, cùng với những thông tin về tình hình việc làm tôi đọc được, gia đình chúng tôi quyết định cho con học tiếp cao học ngay sau khi tốt nghiệp. Không phải học chỉ vì để con tránh thất nghiệp nếu không có được việc làm ngay, mà chúng tôi muốn con có thêm lợi thế cạnh tranh khi sau này đi xin việc” – anh Lê Văn Thủy, có con đang học năm cuối tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết.

Cử nhân 9x băn khoăn đi làm hay học tiếp - Ảnh 1.

Cơ hội cho những người “nhanh chân”

Thời điểm này, các trường đại học đang ra thông báo về kế hoạch tuyển sinh cao học đợt 1 của năm 2016.

Trong số các trường đào tạo cao học, sự xuất hiện lần đầu tiên của Trường ĐH Việt Nhật đang gây chú ý khá rộng rãi vì những ưu đãi học viên sẽ được hưởng nếu như được tuyển chọn.

Trường ĐH Việt Nhật là thành viên thứ 7 của ĐHQG Hà Nội, được thành lập dựa trên ý tưởng và mong muốn của Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Nhật Bản từ nhiều năm qua.

Năm 2016 này là năm đầu tiên đi vào hoạt động, trường tuyển sinh 6 chương trình thạc sĩ là Công nghệ Nano, Kỹ thuật hạ tầng, Kỹ thuật môi trường, Chính sách công, Khu vực học, Quản trị kinh doanh.

Phó giám đốc ĐHQGHN – PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn cho biết “Để 6 chương trình đào tạo thạc sỹ đầu tiên được triển khai hiệu quả, ĐHQG Hà Nội đã phối hợp với JICA và các trường đại học đối tác Nhật Bản tích cực chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Theo kế hoạch, các giảng viên có kinh nghiệm từ Nhật Bản đảm nhiệm ít nhất 50% số học phần chuyên ngành trong mỗi chương trình đào tạo, số học phần còn lại sẽ do các giáo sư, giảng viên ưu tú trong và ngoài ĐHQGHN đảm nhiệm”.

Đáng chú ý là những học viên khóa đầu tiên của trường sẽ nhận được những ưu đãi đặc biệt. Lãnh đạo ĐHQGHN cho biết sẽ bố trí hơn100 chỗ ở trong khu ký túc xá đạt tiêu chuẩn quốc tế dành riêng cho các học viên của trường.

Trường cũng cam kết cấp một số học bổng toàn phần và bán phần cho học viên. Đồng thời, chính phủ và các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp của Nhật Bản cũng rất quan tâm và sẽ cấp một số học bổng cho học viên theo học các chương trình này.

Trong năm học thứ 2, tối thiểu 50% học viên xuất sắc trong các chương trình thạc sĩ sẽ được cấp học bổng toàn phần cho 3 tháng thực tập tại các trường đại học lớn, các tổ chức nghiên cứu hoặc các doanh nghiệp uy tín tại Nhật Bản. Số học viên còn lại sẽ được sắp xếp thực tập tại các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước. Các nội dung thực tập, thực tế sẽ giúp học viên thực hiện luận văn thạc sĩ.

Khóa cao học đầu tiên của Trường ĐH Việt Nhật đã bắt đầu tuyển sinh các chương trình đào tạo thạc sĩ với chỉ tiêu 20 học viên/ chương trình. Hạn chót nộp hồ sơ dự tuyển các chương trình đào tạo là ngày 18/3/2016.