Các "chiêu" tiết kiệm tiền thuê phòng của sinh viên

Quỳnh Trang, Theo Mask Online 00:00 04/10/2014

Lên thành phố lớn để học tập, đa phần các bạn sinh viên đều sống trong những phòng trọ. Để tiết kiệm chi phí thuê phòng cũng như chi phí hàng tháng cho cha mẹ, rất nhiều bạn sinh viên đã có cách tiết kiệm tiền thuê phòng rất riêng.

Chọn phòng giá rẻ ở xa trường

Theo nhiều lời chia sẻ của các bạn sinh viên, những phòng trọ ở gần trường đại học thường được đội giá lên cao từ 500.000 đến 1 triệu đồng so với những phòng có diện tích và chất lượng tương đương. Vì vậy, nhiều sinh viên chọn cách sống xa trường trong những căn phòng trọ giá rẻ và chất lượng kém hơn để tiết kiệm tiền.

Hương Ly (sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) chọn một phòng trọ cách trường 5km. “Phòng trọ ở gần trường mình thường rất đắt, mình và bạn quyết định trọ ở xa trường để có giá mềm hơn. Hằng ngày, mình đều phải dậy sớm để bắt xe bus đi học cho đúng giờ. Tuy mới đầu hơi ngại nhưng giờ thì đã quen hơn, mỗi tháng mình có thể tiết kiệm khoảng từ 300-400 ngàn so với thuê phòng ở gần trường.”



Nguyễn Văn Linh (quê Thạch Thành, Thanh Hóa) là một cậu sinh viên giàu nghị lực, gia cảnh khó khăn khiến cậu từ chối nhận trợ cấp từ cha mẹ ngay từ năm học đầu tiên. Sáng Linh đi học, chiều đi kiếm sống bằng nhiều công việc, từ giao hàng, làm thợ xây, đến viết bài cho các báo. Linh chỉ chọn một căn phòng ốp nan xộc xệch để ở cùng với 2 người bạn với giá phòng khá rẻ. “Ở xóm mình mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng, trộm cắp viếng thăm thường xuyên, nhưng mình vẫn không chuyển đi, vì ở nhiều cũng quen, giờ mỗi khi đi đâu mình và bạn cùng phòng đều mang những tài sản giá trị nhất đi, nên chẳng phải lo lắng chuyện gì ở nhà” - Linh cho biết.

Tìm bạn ở ghép

Để giảm chi phí thuê phòng mỗi tháng, nhiều bạn sinh viên cũng tìm thêm bạn ở ghép để cùng trang trải chi phí thuê phòng vốn đã đắt đỏ ở thành phố. Những phòng trọ giá rẻ thường rất nóng bức, ngột ngạt, khó chịu, nên hầu hết các bạn dành thời gian ở ngoài.

Mai Linh (sinh viên Cao đẳng Sư phạm Hà Nội) kể: “Mình và 3 bạn nữa chọn thuê ở một phòng trọ 8m2. Một căn phòng rất chật chội đúng không? Vì ở phòng lúc nào cũng nóng bức, ngột ngạt nên các bạn cùng phòng của mình cũng thường đi học, và đi làm thêm chứ cũng ít khi về phòng.” 

Ở chung với nhiều người nhiều khi rất khó khăn vì khó có thể chung hòa giữa tính tình và lịch trình của nhiều người. Tuy nhiên, những bạn sinh viên đã học cách chung hòa những vấn đề này. “Tất nhiên là có những lúc chúng mình cũng có những lúc không vừa ý với nhau. Nhưng vì cuộc sống nên chúng mình cũng cố gắng thông cảm với nhau và sống vì nhau, không vì giận nhau mà chuyển chỗ thì sẽ ảnh hưởng đến các bạn còn lại”, Linh tâm sự.


Đứng ra thuê riêng một nhà

Ngày nay, ở Hà Nội có rất nhiều gia đình cho thuê riêng cả một căn nhà. Nhiều sinh viên đã đứng ra thuê nhà và rủ bạn bè của mình đến ở cùng. 

Hoàng Nam (sinh viên ĐH Kiến trúc) chia sẻ: “Mình và nhóm bạn đã thuê một căn nhà 3 tầng với giá 3 triệu/tháng. Chúng mình đồng thuận chia tiền nhà, tiền điện, tiền nước theo đầu người nên số tiền mỗi người phải đóng góp rẻ hơn ở những chỗ khác rất nhiều.” 

Trần Duy (một bạn sinh viên khác trong căn nhà), cho biết: “Ở nhà riêng thì có cái lợi là mình được chủ động, tự do mọi thứ. Tuy nhiên, công tác đảm bảo an ninh vệ sinh chung, cho cả nhà cũng khá phức tạp vì mỗi người có một lịch trình đi về khác nhau. Hoặc mỗi khi có thành viên trong nhà chuyển đi, thì các thành viên trong nhà rất dễ xáo trộn thậm chí phải chuyển đi vì không thể cáng đáng hết tiền nhà.”

Để sống và học tập ở các thành phố lớn, các sinh viên cùng lúc phải chi trả rất nhiều chi phí. Và việc tiết kiệm tiền thuê phòng trọ cũng giúp từng bạn sinh viên san sẻ phần nào gánh nặng cho cha mẹ ở quê nhà.