Bỏ thi môn Ngoại ngữ, phụ huynh “choáng”

Gia Đình, Theo 19:04 22/01/2014

Theo Bộ GD&ĐT, tạm dừng thi môn Ngoại ngữ để đổi mới thi cử toàn diện. Tuy nhiên, phụ huynh học sinh cho rằng, như vậy là làm giảm phong trào học ngoại ngữ…

Cú “sốc” đầu năm

Với dự thảo về thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT (Báo GĐ&XH đã có bài phản ánh trên các số báo 8-9, ra ngày 17-20/1), rất nhiều chuyên gia, nhà giáo đã lên tiếng ủng hộ cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng giảm tải cho học sinh, nhưng lo ngại về quyết định loại môn Ngoại ngữ ra khỏi môn thi bắt buộc, nhất là ở phương án môn Ngoại ngữ thí sinh đăng ký thi thêm để cộng điểm.

Nhiều phụ huynh cũng không đồng tình nếu loại bỏ môn Ngoại ngữ ra khỏi kỳ thi này. Anh Nguyễn Ngọc Hùng (ở đường Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) có con đang học lớp 11 cho biết: “Theo tôi, bỏ môn thi Ngoại ngữ là một bước lùi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Việc này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy và học môn Ngoại ngữ trong các nhà trường. Bộ GD&ĐT đưa ra lý do để bỏ thi môn Ngoại ngữ là thiếu thuyết phục. Nếu cho rằng chất lượng dạy môn Ngoại ngữ ở THPT còn nhiều bất cập, vậy sao số học sinh đăng ký khối D, A1 mỗi năm một nhiều?”.

Bỏ thi môn Ngoại ngữ, phụ huynh “choáng” 1

Nhiều khả năng Ngoại ngữ trở thành môn thi lựa chọn hoặc môn thi cộng điểm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. 

Đánh giá về môn Ngoại ngữ của con, chị Nguyễn Thị Quỳnh (Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Học sinh bây giờ đa số đều yêu thích môn Ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Con gái tôi đang học lớp 12 rất thích môn tiếng Anh. Phong trào học tiếng Anh trong trường phổ thông đang lên, điều này rất đáng mừng khi nước ta bước vào thời kỳ hội nhập thế giới, môn Ngoại ngữ rất cần thiết. Nay bỏ thi môn Ngoại ngữ, khác nào làm giảm phong trào đang lên(?!)”.

Với dự thảo của Bộ GD&ĐT, không ít phụ huynh cảm thấy “choáng” bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra. Chị Hoàng Hương, có con học lớp 12 Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Hiện các trường đang trong giai đoạn đầu của học kỳ 2, các môn vẫn học bình thường thì Bộ GD&ĐT lại thay đổi môn thi. Tôi thấy không phù hợp về thời điểm, học sinh không biết thế nào để ôn thi. Tôi thấy, việc này tạo tâm lý không tốt cho học sinh”.

Lãng phí, bất cập

Phần đông các phụ huynh đều cho rằng môn Ngoại ngữ rất quan trọng, cần thiết cho tương lai của đất nước. Nếu bỏ thi môn Ngoại ngữ sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho thế hệ trẻ khi bước vào thời kỳ hội nhập.

Không đồng tình cách bỏ thi môn Ngoại ngữ, độc giả Lê Thảo (địa chỉ email: thaont1980 @ yahoo.com) chia sẻ: “Theo tôi, không nên bỏ thi môn Ngoại ngữ vì đó là một trong những động lực để học sinh phải học môn này. Nếu bỏ thi, đồng nghĩa với việc rất nhiều học sinh sẽ không học ngoại ngữ vì nghĩ không cần thiết và các em đã bỏ đi một cơ hội tiếp xúc với nền văn hóa khác. Đến lúc các em nhận ra là cần để học ngoại ngữ thì không có nền tảng nên học rất khó khăn…”.

Chị Vũ Dung (email: quynhdzunghvu@gmail.com) thẳng thắn: “Bộ GD&ĐT lại lãng phí hơn 10 nghìn tỉ đồng để triển khai đề án Ngoại ngữ 2020 rồi. Rà soát trình độ giáo viên các cấp, yêu cầu đi học để đạt chuẩn, xong rồi bỏ thi Ngoại ngữ, đó là một sự lãng phí quá lớn”. Còn độc giả Mai Thanh Nam (email:doquyencr@yahoo. com) ví von: “Học sinh Việt Nam học tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12 mà chẳng thể nào giao tiếp với người nước ngoài. Bộ GD&ĐT cần xây nhà từ móng chứ đừng xây nhà từ mái. Như vậy dễ làm sụp đổ ngôi nhà”.

Theo Bộ GD&ĐT, phương án chính thức của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ được Bộ tổng hợp ý kiến đóng góp, sau đó sẽ thống nhất lựa chọn, công bố. Tuy nhiên, học sinh lớp 12 lúc này đang mong sớm có phương án thi chính thức để yên tâm tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp quan trọng, chứ không phải hoang mang, lo lắng về những thay đổi “chóng mặt” như hiện nay.

Trong cuộc họp về kế hoạch thi tốt nghiệp năm học 2013-2014, Bộ GD&ĐT thông báo vẫn giữ nguyên cách thi tốt nghiệp THPT như những năm gần đây. Tuy nhiên, đến ngày 2/1 vừa qua, Bộ lại đưa ra 2 phương án thay đổi trong thi tốt nghiệp THPT 2014. Lãnh đạo các trường THPT cho biết, đây là một quyết định khá đột ngột, có thể gây xáo trộn tâm lý học sinh, khiến các em bị động, lúng túng... bởi đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT vẫn chưa “chốt” được phương án thi như thế nào.