Hoạt hình "Incredibles 2" phải chăng mượn hình ảnh ác nhân để "bóng gió" mạng xã hội ngày nay?

Minh Quân, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 15/06/2018

Liệu ác nhân Screenslaver của "Incredibles 2" có liên quan gì đến sức ảnh hưởng của những kỹ sư tại thung lũng Silicon đối với ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood hay không?

Ngày nay, thị trường béo bở ở Trung Quốc thường được nhắc đến như nhân tố khiến cho Hollywood trở nên thoái trào nhưng thực tế thì không hẳn, thủ phạm của tất cả những chuyện này chính là những kỹ sư công nghệ ở thung lũng Silicon và cũng không thể bỏ qua sự thật rằng các studio đang tự hại mình bởi phương thức kinh doanh cồng kềnh và lỗi thời.

Vậy là bộ phim Incredibles 2 (Gia Đình Siêu Nhân 2) đã ra mắt khán giả thế giới. Sau 14 năm, gia đình nhà Incredibles lại quay trở lại để đem đến cho khán giả những giờ phút thoải mái và thư giãn cùng với người thân của mình. Nếu như ở phần 1, Mr. Incredible cùng các thành viên trong gia đình của anh phải đối mặt với Syndrome, gã trùm chuyên sử dụng công nghệ cao để thay thế cho siêu năng lực thì đến phần 2, đạo diễn Brad Bird đem đến một tên tội phạm công nghệ cao khác có biệt danh là Screenslaver. Khác với Syndrome – một kẻ thích sử dụng vũ khí công nghệ để khuất phục đối thủ về mặt thể chất thì Screenslaver thức thời hơn (hoặc nói đúng ra là gần gũi với thế giới của chúng ta hơn). Hắn ta sử dụng công nghệ để thao túng tâm trí người vô tội qua những chiếc màn hình điện tử.

Hoạt hình Incredibles 2 phải chăng mượn hình ảnh ác nhân để bóng gió mạng xã hội ngày nay? - Ảnh 1.

Người xem bị màn hình của Screenslaver thôi miên

Một điều khá đáng chú ý về Screenslaver là hắn ta tuy nắm trong tay công nghệ và hàng loạt những tiện ích thông minh mà nó mang lại nhưng lại tỏ ra rất ít bị ảnh hưởng bởi những phát minh của mình. Nói cách khác, Screenslaver thay đổi thế giới bằng công nghệ, nhưng một mình hắn ta hoàn toàn đứng ngoài sự thay đổi đó. Ngoài ra, tên ác nhân này cũng phát tán những thông điệp về sự suy đồi của văn hóa tiêu dùng, rằng con người đang quá lười biếng, không chịu bước chân ra thế giới bên ngoài, bị phụ thuộc vào Internet, những kênh giao hàng điện tử phục vụ khách hàng mọi nơi, mọi lúc. Nếu như bạn đọc đến đây và nghĩ rằng kẻ phản diện của Incredibles 2 có liên quan đến hệ thống mạng xã hội đang phổ cập mạnh mẽ như hiện nay thì đúng vậy, đó chính là thứ mà Screenslaver đại diện cho.

Hoạt hình Incredibles 2 phải chăng mượn hình ảnh ác nhân để bóng gió mạng xã hội ngày nay? - Ảnh 2.

Tuy nhiên hiện thực cũng không đến nỗi đáng sợ như trong phim. Nạn nhân của các chuyên gia công nghệ không phải là người sử dụng dịch vụ mà chính là các hãng phim ở Hollywood, những người đang nằm trong ngành công nghiệp điện ảnh và hệ thống chiếu rạp. Để nói về sự đe dọa này và thủ phạm của nó, có lẽ nên bắt đầu từ sự phình to trong bộ máy hoạt động của các studio.

Phương thức làm việc ở Hollywood đang trở nên lỗi thời và cồng kềnh

Bốn năm trước, nam diễn viên gốc Việt Thái Hòa gây chú ý khi được tham gia vào dự án X-Men: Days of Future Past của hãng Fox và có vài cảnh đóng cặp với Jennifer Lawrence. Trở về Việt Nam, anh chia sẻ với VnExpress rằng: "Tôi nói được ba thứ tiếng, dù tiếng Việt hơi lơ lớ. Trong phim có câu thoại "Đó là lỗi của tôi, thế thôi". Tôi đã cố gắng sửa để Jen nói được từ ‘thế thôi’ theo âm "th" vì nếu cô ấy nói "tế tôi" nghe sẽ rất kỳ cục. Nhưng khi tôi sửa cho Jen thì có một cô gái dạy Jen nói tiếng Việt đến nói với tôi: "Tôi đã nghe anh nói. Anh cố gắng sửa cho cô ấy nhưng thế là sai".

Lúc đó tôi mới biết cô ấy là người được phân công công việc này và không nên nhúng tay vào. Jennifer nói tiếng Việt khán giả có hiểu hay không thì không phải là việc của tôi nữa rồi. Khi làm phim ở nước ngoài, mỗi thành viên trong đoàn đều có một trách nhiệm và họ không muốn ai nhúng tay vào."

Hoạt hình Incredibles 2 phải chăng mượn hình ảnh ác nhân để bóng gió mạng xã hội ngày nay? - Ảnh 3.

Thái Hòa xuất hiện trong "X-Men: Days of Future Past"

Những điều Thái Hòa nói cũng đúng với những gì nhà báo Nick Bilton của Vanityfair nói về Hollywood khi đến nơi đây để làm việc. Ở Hollywood, nếu như có một hạt nước rơi vào vai áo của diễn viên thì đó cũng là công việc của bộ phận quản lý phục trang, không một ai khác có quyền gạt giọt nước tý hon đó ra khỏi cái áo của diễn viên cả.

Những cá nhân làm việc trong các bộ phận như dạy tiếng Việt cho Jennifer Lawrence hay quản lý phục trang ngày nay có thể yên tâm làm việc của mình mà không sợ có ngày bị mất việc do bên cạnh họ đã có những nghiệp đoàn, những cơ quan đảm bảo rằng họ này sẽ không bị thất nghiệp một cách đột ngột. Nhưng trong tương lai thì không thể nói trước được điều gì. Trong khi các khán giả đang ngày càng đòi hỏi mọi thứ phải trở nên đúng thị hiếu và thức thời thì các nhà sản xuất phim truyền thống phải đối mặt với sự thật rằng lợi tức của việc kinh doanh đang giảm liên tục do quỹ lương bị phình to quá nhiều.

Hoạt hình Incredibles 2 phải chăng mượn hình ảnh ác nhân để bóng gió mạng xã hội ngày nay? - Ảnh 4.

Không chỉ là nói suông, sự thật này có thể được chứng minh qua các con số. Độ tuổi trung bình của khán giả đến rạp đã giảm xuống còn 19. Tổng mức doanh thu của các studio hiện nay đang ở khoảng trên 10 tỷ đô, chỉ bằng mức du di giá trị cổ phiếu của Amazon, Facebook hay Apple trong một ngày. Hãng DreamWorks bị bán cho Comcast với mức giá sáp nhập chỉ là 3,8 tỷ đô. Giá trị hiện nay của Paramount đang ở mức 10 tỷ, xấp xỉ số giá đấu thầu mà Summer Redstone đã bỏ ra để chiến thắng Barry Diller khi mua hãng này về hơn 20 năm trước.

Hoạt hình Incredibles 2 phải chăng mượn hình ảnh ác nhân để bóng gió mạng xã hội ngày nay? - Ảnh 5.

Comcast mua được DreamWorks chỉ với dưới 4 tỉ đô

Quãng thời gian từ năm 2007 đến 2011, tổng lợi nhuận của nhóm ngũ đại (big-five) Hollywood bao gồm Twentieth Century Fox, Warner Bros., Paramount Pictures, Universal Pictures và Disney giảm 40%. Lợi nhuận của các studio giờ đây chưa bằng 10% lợi nhuận của các công ty mẹ. Theo các chuyên gia dự đoán, tỷ lệ sẽ còn giảm xuống đến khoảng 5% vào năm 2020. Disney, hãng phim sản xuất cho Incredibles 2 là cái tên duy nhất được các chuyên gia bỏ qua một bên với các thương hiệu màn ảnh đắt giá như Star Wars hay Marvel trong tay.

Sự tấn công của kỷ nguyên 4.0

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, thế hệ người nghe nhạc trẻ ở Mỹ bắt đầu nghĩ đến việc download nhạc bằng MP3 thay vì đến cửa hàng bán lẻ băng đĩa nhạc Sam Goody gần nhất. Họ, những người còn chưa tự chủ về kinh tế không muốn bỏ ra 20 đô la tiền nhịn ăn sáng để mua hẳn một đĩa DVD trong khi chỉ muốn nghe một bài trong cả album của ca sĩ mà mình thích. Không những thế, họ cũng muốn được nghe bài hát đó càng nhanh càng tốt bằng cách ngồi yên tại chỗ tải lậu bản trên Napster hoặc tải có trả phí trên iTunes. Việc đóng gói sản phẩm và chuyển đến tận tay người dùng thông qua tiện ích số không phải là chuyện riêng của thế hệ cũ. Nền công nghiệp âm nhạc hiện nay ở Mỹ chỉ bằng một nửa so với mười năm trước.

Bước sang những năm 2000, báo giấy tiếp tục được gọi tên trong danh mục những thứ sắp trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, dần dần những nền tảng blog như Gizmodo, Instapundit và Daily Kos xuất hiện, tạo bàn đạp cho những ông lớn trong giới báo điện tử như Business Insider và Buzzfeed mở chi nhánh ra khắp nước Mỹ. Độc giả không muốn đi ra tận sạp báo để mua cả một quyển tạp chí bìa cứng đắt đỏ trong khi họ chỉ quan tâm đến một hoặc hai bài viết trong đó. Hậu quả là doanh thu quảng cáo của báo giấy đã giảm từ 67 tỷ dola vào năm 2000 xuống còn 19,9 tỷ dola vào năm 2014. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với giới xuất bản sách. Người tiêu dùng không muốn bỏ 25 đô ra mua một cuốn sách giấy trong khi phiên bản ebook chỉ tốn 9,99 đô. Gợi ý của thuật toán trong ứng dụng mua hàng thì hữu ích và chính xác hơn nhiều so với các nhân viện hiệu sách. Khách hàng không nhất thiết phải ra khỏi nhà để có được cuốn sách họ muốn. Amazon chính là một trong số những hãng tận dụng triệt để nhất tâm lý này của khách hàng.

Hoạt hình Incredibles 2 phải chăng mượn hình ảnh ác nhân để bóng gió mạng xã hội ngày nay? - Ảnh 6.

Dù vấp phải một làn sóng phản đối nhưng Netflix vẫn tự tin làm phần mới cho 13 Reasons Why

Ngày nay, thị trường béo bở ở Trung Quốc thường được nhắc đến như nhân tố khiến cho Hollywood trở nên thoái trào nhưng thực tế thì không hẳn, thủ phạm của tất cả những chuyện này chính là những kỹ sư công nghệ ở thung lũng Silicon và cũng không thể bỏ qua sự thật rằng các studio đang tự hại mình bởi phương thức kinh doanh cồng kềnh và lỗi thời.

Trong khi Hollywood đang cố gắng "vắt chanh bỏ vỏ" những dự án tiền truyện, hậu truyện và vũ trụ điện ảnh, một số nhà đầu tư đã chuyển sang tập trung vào các kênh truyền hình trả phí như HBO và Showtime cùng các dịch vụ chiếu phim trên nền tảng số như Netflix và Amazon. Họ sử dụng những công cụ thuật toán để tìm ra những đề tài khả thi mới mà Hollywood ít khi dám nghĩ đến. Khi series đầy tranh cãi 13 Reasons Why (13 Lý Do Tại Sao) được công bố sẽ có tiếp mùa thứ 3, C.E.O Reed Hastings của Netflix đã nói "Không thích thì không cần phải xem". Đó có thể là một phát biểu ngạo mạn, nhưng nó cho thấy sự tự tin và chắc chắn của một người nắm rất rõ thị hiếu và đối tượng khán giả của mình.

Sân chơi thuộc về truyền hình trả phí và các nền tảng giải trí số

Phần đáng lo ngại nhất của câu chuyện không phải là Netflix đang xóa nhòa ranh giới giữa phim truyền hình và phim chiếu rạp mà là họ đang thực hiện điều đó bằng sự trợ giúp của các thuật toán. Khi Netflix bắt đầu sáng tạo những nội dung gốc vào năm 2013, hãng này đã khiến cả ngành công nghiệp phải rung chuyển. Ngày nay, Netflix đã không còn coi các studio ở Hollywood là đối thủ từ lâu rồi. Những cái tên mà họ muốn cạnh tranh là Facebook, Apple và Google (công ty mẹ của Youtube). Mới đây vài năm thôi, các hãng này vẫn còn đang yên bình trong trạng thái "nước sông không phạm nước giếng": Apple sản xuất máy tính; Google quản lý tìm kiếm; Microsoft thống lĩnh mảng phần mềm văn phòng. Chuyện một C.E.O của tập đoàn công nghệ này ngồi trong phòng quản trị của tập đoàn khác vẫn còn rất bình thường. Eric Schmidt cùng với Google và Apple là một ví dụ.

Hoạt hình Incredibles 2 phải chăng mượn hình ảnh ác nhân để bóng gió mạng xã hội ngày nay? - Ảnh 7.

Nhưng lúc này, tất cả những tập đoàn công nghệ đều đang cạnh tranh cho một mục tiêu, đó là sự chú ý của khách hàng. Sau thành công của House of Cards, Netflix quyết định chi 6 tỷ dola mỗi năm cho việc sáng tạo nội dung gốc (original content). Nên nhớ rằng họ cũng đã giành được 54 đề cử Emmy trong năm 2016. Amazon cũng không chịu ngồi yên. Những hãng như Apple, Facebook, Twitter và Snapchat cũng đều đang thử nghiệm các nội dung gốc của riêng mình. Microsoft thì đang sở hữu một trong những vật dụng có giá trị nhất trong các ngôi nhà ở Mỹ. Đó chính là máy chơi game Xbox, một nền tảng có thể trở thành nguồn cung cấp truyền hình, phim ảnh và truyền thông xã hội. Đối với giới sản xuất truyền hình truyền thống thì đây là một cơn ác mộng. Trong khi Netflix đang bỏ một lượng vốn không nhỏ để "khai quật" nguồn nhân lực là các biên kịch tài năng chưa được phát hiện thì phần đông nhân sự này của các nhà đài khác đang bị hút máu bởi phía sản xuất luôn nắm trong tay 40 đến 60% lợi tức.

Hoạt hình Incredibles 2 phải chăng mượn hình ảnh ác nhân để bóng gió mạng xã hội ngày nay? - Ảnh 8.

Một tập chương trình truyền hình ở Mỹ ngày nay có thể tốn đến hơn 200 nhân sự để làm việc. Nếu như chi phí tối thiểu cho một tập truyền hình này là 3 triệu đô thì cũng bằng với số tiền đó, các start-up ở thung lũng Silicon có thể nuôi được một nhóm các kỹ sư và thực tập sinh trong vòng hai năm. Chẳng mấy chốc mà các nghiệp đoàn như W.G.A, D.G.A, SAG-AFTRA, M.P.E.C sẽ không thể gồng gánh nổi mức chi phí đội lên quá cao và buông bỏ nguồn nhân lực thừa thãi hiện nay.

Mạng xã hội sẽ thay thế rạp chiếu phim?

Pháo đài cuối cùng của Hollywood có lẽ nằm ở chính địa điểm quen thuộc của nó: các rạp chiếu phim. Cũng như số phận của sách giấy và đĩa nhạc compact, các khán giả sẽ sớm quen với việc rời xa rạp chiếu bóng để xem bộ phim mà mình thích ở nhà. Chúng ta không cần phải đến xem phim. Các bộ phim sẽ đến xem chúng ta. Có lẽ cũng chỉ còn một vài năm nữa, mạng xã hội sẽ là nơi trình chiếu phim điện ảnh. Đối với Facebook thì đây chỉ là một nấc tiến hóa thuận tự nhiên. Mạng xã hội này đang có 1,8 tỷ người dùng, tương đương một phần tư dân số thế giới. Đó là chưa kể đến gần một phần năm khác của dân số của thế giới đang ở Trung Quốc thì không sử dụng mạng xã hội này.

Hoạt hình Incredibles 2 phải chăng mượn hình ảnh ác nhân để bóng gió mạng xã hội ngày nay? - Ảnh 9.

Sớm hay muộn thì số lượng người dùng của Facebook sẽ chạm ngưỡng tối đa và họ sẽ không còn thêm khách hàng để chào mời nữa. Lúc này, mục tiêu duy nhất Facebook theo đuổi để giữ cho các nhà đầu tư phố Wall tiếp tục đầu tư vào mình là tăng thời gian sử dụng dịch vụ của khách hàng cho đến mức tối đa thì thôi. Còn cách nào lý tưởng cho mục tiêu đó hơn là những bộ phim điện ảnh dài hai tiếng đồng hồ? Rất có thể họ sẽ bắt đầu bằng việc kết hợp với sản phẩm kính V.R của mình. Bạn đeo cặp kính thực tế ảo lên mặt và có thể thoải mái thưởng thức bộ phim với hàng loạt những người bạn ảo khác trên khắp thế giới, không khác gì đang ở trong rạp. Facebook thậm chí còn có thể cho chạy quảng cáo ở cạnh màn hình và thế là bạn có thể xem miễn phí.

Hoạt hình Incredibles 2 phải chăng mượn hình ảnh ác nhân để bóng gió mạng xã hội ngày nay? - Ảnh 10.

Mark Zuckerberg trong bức ảnh từng gây tranh cãi kịch liệt hồi năm ngoái

Liệu sẽ có viễn cảnh các nhà biên tập và diễn viên bị mất việc?

Hiện tại, các kỹ sư tin học của MIT đang nghiên cứu ra loại A.I có thể tổng hợp và phân tích dữ liệu, qua đó dự đoán những khả năng xấu có thể xảy ra trong tương lai gần. Những A.I này đang được ứng dụng cho các camera ở những khu thương mại, nhằm cảnh báo nhân viên an ninh trước khi có điều xấu xảy ra. Công nghệ xe tự lái cũng đang được nghiên cứu với nền tảng tương tự. Những công việc ít đòi hỏi kỹ thuật như lái xe tải và tài xế taxi là những nghề đang bị đe dọa nhiều nhất. Nếu một ngày nào đó A.I được dạy cho cách viết kịch bản phim, nó có thể tổng hợp thông tin từ những kịch bản chất lượng cao có sẵn rồi tạo ra một nội dung khác dựa trên nền tảng những gì đã thu thập được thì sao?

Hoạt hình Incredibles 2 phải chăng mượn hình ảnh ác nhân để bóng gió mạng xã hội ngày nay? - Ảnh 11.

Có thể kết quả sẽ không phải là một kiệt tác gì cho cam nhưng để xếp cùng được với các bộ phim mì ăn liền chiếu dịp nghỉ lề thì hoàn toàn khả thi. Dạng trí tuệ nhân tạo này sẽ truất quyền của những biên tập viên trong tương lai, những người phải dành cả trăm tiếng đồng hồ lặn lội trong một đống footage để tạo ra bản dựng hợp lý nhất cho một bộ phim hay TV show. Thậm chí một A.I có thể tạo ra 50 phiên bản khác nhau của một bộ phim để chuyển đến các khách hàng, phân tích xem họ đang thấy chán hay thấy vui khi đang xem rồi điều chỉnh ngay lập tức. Bạn có thể hình dung nó giống như phép thử hai phiên bản A/B của các website mạng vậy.

Hoạt hình Incredibles 2 phải chăng mượn hình ảnh ác nhân để bóng gió mạng xã hội ngày nay? - Ảnh 12.

Peter Cushing "tái sinh" trong "Rogue One"

Các diễn viên cũng nằm trong vùng bị ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ. Việc quá dựa dẫm vào các người hùng mặc đồ bó và C.G.I cũng khiến cho phạm vi công việc của các diễn viên ở Hollywood bị thu hẹp đi. Nhiều người làm trong ngành đại diện cũng tìm cách để chuyển sang nghề khác. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều gương mặt rất triển vọng của Hollywood như Jessica Biel, Kate Hudson, Sam Worthington và chị em nhà Mowry đã tìm cách để chuyển sang hướng đi khác khi đang ở trong giai đoạn sáng nước nhất của sự nghiệp. Mọi chuyện sẽ tệ hơn khi C.G.I có thể mô phỏng và tái hiện diễn xuất của diễn viên ngày một hoàn thiện hơn. Kim Libreri, chuyên gia từng phụ trách kỹ xảo cho The Matrix và Star Wars nhận định rằng đến năm 2022, kỹ xảo sẽ trở nên thực tế đến mức "không thể phân biệt nổi". Ngay từ bây giờ khán giả đã có thể thấy Peter Cushing (người đã mất từ năm 1994) vẫn xuất hiện như một trong các vai chính của Rogue One còn Carrie Fisher vẫn mượt mà trong The Force Awakens.

Thay cho cái kết

Đã có không ít những viễn cảnh được người ta vẽ ra để dự đoán số phận của ngành công nghiệp điện ảnh ở Hollywood trong tương lai gần để nói về sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đối với các hãng phim. Cũng như phản ứng của gia đình nhà Incredibles khi lần đầu tiên bước vào căn nhà siêu thông minh được Winston Deaver chuẩn bị cho mình. Ban đầu người tiêu dùng có thể cảm thấy rất thoải mái với các tiện ích phục vụ tận chân răng của công nghệ, nhưng dần dần mọi thứ từ "hiện đại" sẽ trở thành "hại điện" và phiền toái.

Hoạt hình Incredibles 2 phải chăng mượn hình ảnh ác nhân để bóng gió mạng xã hội ngày nay? - Ảnh 13.

Khán giả có thể sẽ không bao giờ cảm thấy nhàm chán hay thiếu công cụ để tiêu khiển nhưng nếu bạn là người yêu thích sự gần gũi của bóng đêm trong rạp chiếu phim, cảm giác phấn khích và huyền ảo trước màn hình rộng và âm thanh cỡ lớn, hãy rủ bạn bè hoặc người thân của mình đi xem Incredibles 2 ngay lúc này. Những bài học về gia đình, sự thương yêu và trách nhiệm sẽ có giá trị hơn rất nhiều khi bạn bước ra ngoài để đón nhận nó thay vì đợi ở nhà và xem qua TV, màn hình máy tính một cách thụ động.

Incredibles 2 được chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 15/6/2018.