Hoá ra mấy ngọn cỏ xanh trông như nhựa trong hộp sushi mà chúng ta thường thấy không phải để "làm màu"

Quỳnh Đào, Theo Trí Thức Trẻ 08:09 26/06/2019

Nếu bạn thường xuyên ăn sushi, hẳn bạn sẽ ít nhiều có lần thấy những ngọn cỏ xanh xanh trông rất "giả" dùng để trang trí. Nó hoá ra không phải nhựa đâu và có vai trò quan trọng hơn là "làm màu" đấy.

Đối với những người quen thuộc với ẩm thực Nhật Bản thì món sushi chắc hẳn chẳng còn gì là xa lạ nữa. Đây có thể được xem làm món ăn nổi tiếng nhất nhì trên thế giới và được yêu thích bởi nhiều người. Tuy nhiên, xoay quanh món ăn này cũng có lắm "phong ba" từ cách dùng đũa, cách chấm nước tương, đến độ "thật" của wasabi… Mọi người có lẽ đã biết nhiều về những điều kể trên, song chắc hẳn có một việc mà ai cũng thắc mắc nhưng hiếm người biết về sushi. Đó là những miếng cỏ trang trí.

Hoá ra mấy ngọn cỏ xanh trông như nhựa trong hộp sushi mà chúng ta thường thấy không phải để làm màu - Ảnh 1.

Miếng cỏ trang trí sushi màu xanh xanh rốt cuộc có "huyền cơ" gì?

Nếu hay ăn sushi hoặc gọi sushi ship tận nơi thì có lẽ bạn sẽ nhận ra một điều, rằng hầu hết các hộp sushi đều đi kèm với một vài miếng lá màu xanh cắt thành nhìn như ngọn cỏ và được lót giữa các miếng sushi. Chúng trông "giả giả" và có vẻ không hợp so với các món ăn ngon miệng, và hầu hết mọi người đều cho rằng chúng chỉ đóng vai trò trang trí mà thôi. Tuy nhiên, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết được sự thật về món ăn này đấy.

Miếng cỏ xanh xanh nhỏ xíu ấy thực ra là một phát minh tiếp nối văn hoá hàng trăm năm của người Nhật, theo như tờ New York Times.

"Nó được gọi là Haran," bếp trưởng Masa Sasaki của nhà hàng Sasaki ở San Francisco cho hay. "Trong đó Ha có nghĩa là lá, còn Ran là hoa lan hoặc hoa bách hợp."

Haran không chỉ quan trọng vì nó thoả mãn thẩm mỹ người Nhật, mà còn có một công dụng thực tế. Ngày xưa, người ta dùng lá hoa lan để ngăn chặn thức ăn phát sinh mùi hôi và dùng để ngăn không cho các nguyên liệu bị lẫn lộn vào nhau. Nhiều bếp trưởng Nhật Bản thường dùng lá trúc, vì lá này không chỉ giúp thức ăn không bị lẫn lộn mà còn chứa chất diệt khuẩn, làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Đây là bởi vì một vài loại lá cây sau khi được cắt ra khỏi cành, chúng sẽ sản sinh ra những hoạt chất diệt khuẩn để ngăn lá cây bị thối rữa, vậy nên nếu dùng các loại lá này để phân loại thức ăn thì sẽ giúp thức ăn lâu bị hư hơn.

Hoá ra mấy ngọn cỏ xanh trông như nhựa trong hộp sushi mà chúng ta thường thấy không phải để làm màu - Ảnh 3.

Haran được dùng để phân loại thức ăn, và nếu dùng Haran từ lá tươi như kiểu truyền thống còn có công dụng sát trùng và giữ tươi cho món ăn.

Trong mắt nhiều người, Haran là một truyền thống được trân trọng ở Nhật Bản, đến mức mà nghệ thuật cắt những chiếc lá này thành hình dáng khác nhau còn có tên riêng là sasagiri. Có thể nói, Haran là một phần không thể thiếu trong nghệ thuật sắp xếp bento của người Nhật.

Haran, hay còn gọi là baran, được làm từ lá tươi chứ không phải nhựa được nhuộm màu. Tuy nhiên, ở thời hiện đại ngày nay thì các sản phẩm làm từ nhựa trở nên phổ biến hơn ở Nhật Bản và nước Mỹ. Thậm chí, có nơi còn bán hàng loạt các hộp baran bằng nhựa và được sử dụng bởi hầu hết cửa hàng tiện lợi hoặc các nhà hàng bình dân. Đây là do giá của loại này rẻ hơn nhiều so với lá tươi, dù chúng trông không đẹp bằng. 

Hiện tại, hầu hết Haran đều được làm từ nhựa.

Source (Nguồn): Mental Floss, New York Times