“Hãy gọi chúng tôi là nghệ sĩ” và thế giới nhỏ của những Drag Queen Hà Nội giữa thị thành rộng lớn

Bài: SKYE; Ảnh: Phương Thảo,FBNV; Design: Mộng Mộng, Theo Trí Thức Trẻ 07:53 25/02/2019

Trò chuyện với Zazazellia - nghệ danh của Nguyễn Hoàng Gia (27 tuổi), một trong những Drag Queen người Việt đầu tiên tại Hà Nội, tôi bỗng thấy mình đã quên một góc “văn hóa LGBT” đa dạng giữa Hà Nội.

“Em lo quá”, Zaza tu một hơi hết cốc nước.

“Lo gì, cứ diễn thôi, tập cả tháng rồi diễn không chán đâu”, người bạn diễn quay sang động viên.

Những bợt phấn trên mặt đang được dặm lại, kẻ thêm chút sót lần cuối, dù công việc make-up đã được làm trước 4 tiếng đồng hồ. Chiếc váy lấp lánh những hạt kim tuyến và đá kèm theo những phần tua rua duyên dáng được các drag queen nâng niu, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi ra sân khấu. Đồng hồ điểm 10 giờ tối, nhạc nổi lên, tiếng giới thiệu của MC bắt đầu.

“Và xin giới thiệu cùng quý vị, những drag queen duyên dáng của chúng ta trong buổi tối hôm nay: Zazazellia…”

Ánh đèn soi rọi sân khấu, mở đường cho Zaza - tên thật là Nguyễn Hoàng Gia, bước ra trong tiếng vỗ tay của mọi người, tiếng leng keng của phụ kiện đập vào nhau lẫn trong tiếng nhạc xập xình. 

Người ta hưởng ứng, vỗ tay, khen ngợi, gọi tên chàng trai bé nhỏ trên sân khấu. Cậu nhảy, hát theo những gì mình đã tập, trình diễn những động tác catwalk trước giờ vẫn chỉ để phô diễn với bản thân trước gương. Tôi thấy nụ cười của Gia thật mãn nguyện, không còn gương mặt căng thẳng hồi hộp trước giờ biểu diễn.

Đến giờ, Zaza vẫn không quên được buổi biểu diễn đầu tiên trong cuộc đời mình. Hơn 15, 16 lần diễn trong vòng chưa đầy một năm nhưng lần nào cũng là cảm xúc mới mẻ. Ngồi trên xe taxi một mình về nhà vào lúc 2-3h sáng, chương trình nào cũng kết thúc quá nửa đêm, Zaza hạ cửa sổ và nhìn ra ngoài trời Hà Nội.

“Mọi thứ cứ như một giấc mơ vậy, nó vừa quen thuộc nhưng cũng mới mẻ, choáng ngợp!”.

“Hãy gọi chúng tôi là nghệ sĩ” và thế giới nhỏ của những Drag Queen Hà Nội giữa thị thành rộng lớn - Ảnh 2.

DRAG là cụm từ viết tắt của “Dress Resembling A Girl” (ăn mặc như một cô nàng) còn Drag queen chính là những “Nữ hoàng” trong các bộ trang phục lộng lẫy như vậy. Để nói thêm về Drag queen thì đây là một cụm từ được sử dụng từ những năm 1870 tại Anh nhằm chỉ những diễn viên nam mặc trang phục, đóng vai nữ giới do nhiều nguyên nhân (một trong số đó là vì thiếu hụt nhân lực nữ giới tại cánh nhà hát sân khấu). 

Ngày nay, cụm từ này không còn bị giới hạn trong không gian khán phòng nữa, mà được dùng rộng rãi hơn, chỉ chung các nghệ sĩ hoá trang thành nữ giới. 

“Hãy gọi chúng tôi là nghệ sĩ” và thế giới nhỏ của những Drag Queen Hà Nội giữa thị thành rộng lớn - Ảnh 3.

Nhiều người không có mấy thiện cảm với các Drag Queen này. Đối với họ, nam giới (chiếu theo giới tính sinh học) mà ăn mặc lộng lẫy bung xoè thật nhí nhố và "chẳng ra thể thống gì", âu cũng là do cái lề thói, cái quan niệm của người Á Đông chưa dễ chấp nhận sự lộng lẫy vô biên của nghệ thuật sân khấu. 

Họ cũng hiểu nhầm nhiều. Khái niệm "Drag" bị trộn lẫn với khái niệm những người chuyển giới, sau đó gom chung thành cánh hát đám ma, hát đám cưới, múa lửa mua vui cho người khác bằng cơ thể mình. Nhiều người đùa vui rằng, để làm một chàng trai đồng tính công khai, bạn phải có 7,8 phần can đảm. Nhưng nếu để sống như một drag, bạn phải thực sự không sợ hãi. 

“Hãy gọi chúng tôi là nghệ sĩ” và thế giới nhỏ của những Drag Queen Hà Nội giữa thị thành rộng lớn - Ảnh 4.

Tại Hà Nội, cộng đồng Drag Queen còn rất nhỏ, bản thân Gia cũng tự coi mình là Drag Queen công khai đầu tiên ở Thủ đô. Khái niệm Drag cũng được cậu giải thích cặn kẽ, không nhầm lẫn như sau:

“Drag có thể là một người đồng tính, một người chuyển giới hay song tính hay là một Queer - những người vẫn đang đi tìm một danh tính cho mình. Sẽ chẳng có một cái nhãn mác hay giới tính nào gắn vừa cho cả cộng đồng. Họ có thể là một vũ công, diễn viên, ca sĩ nghiệp dư hay nhân viên bartender. Nếu như các họa sĩ giải phóng tâm tư bên trong, những điều giấu kín của họ qua các nét cọ phóng khoáng thì với những Drag Queen, họ chọn sân khấu biểu diễn, những bộ trang phục thật đẹp hay lối trang điểm độc đáo để thể hiện mình”.

Với những người như Zaza, drag hay Drag Queen chưa bao giờ là một thuật ngữ để chỉ một giới tính/xu hướng tính dục. Nếu được hỏi, họ coi Drag như một cách để thể hiện bản thân hoặc một hình thức biểu diễn nghệ thuật, một nét đặc sắc trong “gay culture” mà ở Hà Nội vẫn đang thiếu sót. Người Hà Nội vẫn còn dè dặt, lạ lẫm với nét văn hoá này, bởi vậy không gian biểu diễn của Zaza, hay các Drag Queen như cậu mới chỉ tập trung quanh khu Hồ Tây là chính, bởi khu vực này có nhiều người nước ngoài sinh sống, họ cũng cởi mở hơn.

“Hãy gọi chúng tôi là nghệ sĩ” và thế giới nhỏ của những Drag Queen Hà Nội giữa thị thành rộng lớn - Ảnh 5.

Trò chuyện với Zaza, cậu nhắc nhiều về Persona - những nét tính cách thể hiện ra bên ngoài. Theo Zaza, chúng ta đều mang một chiếc mặt nạ, hoặc vài chiếc, khác hẳn với những nét tính cách bên trong. 

Với Drag Queen, sân khấu chính là nơi để họ lột bỏ những Persona đó ra và thể hiện tính cách, phong thái, con người bên trong của mình. Tất cả đều thật, đều hiện hữu nhưng nhiều khi bị chính chủ nhân chôn sâu giấu chặt, và chỉ khi bước lên sân khấu, nơi có ánh đèn, tiếng nhạc cùng tiếng vỗ tay mới có cơ hội được "bung xoã". Chỉ có ở trên sân khấu, họ mới có phút giây được sống là chính mình.

“Hãy gọi chúng tôi là nghệ sĩ” và thế giới nhỏ của những Drag Queen Hà Nội giữa thị thành rộng lớn - Ảnh 6.

Nói đến đây, Zaza cười:

“Có những người họ có đến vài nét tính cách ẩn sâu trong mình; khi thì là một cô nàng nổi loạn, có lúc thì lại ngoan ngoãn, dịu dàng. Với mình thì cái persona đó và tính cách thật của mình cũng như nhau, một sự hài hòa giữa đời thật và trên sân khấu. Chính vì vậy, đôi lúc mình diễn mà như không diễn vậy”.

Không phải ai cũng đủ dũng cảm để trút bỏ những chiếc mặt nạ xuống để cho mình một khoảnh khắc “YOLO” như họ. Nhiều người lớn lên, chỉ sưu tập thêm mặt nạ cho mình.

“Hãy gọi chúng tôi là nghệ sĩ” và thế giới nhỏ của những Drag Queen Hà Nội giữa thị thành rộng lớn - Ảnh 7.

Người ta biết tới Drag nhiều hơn từ Sài Gòn - chuyện buồn cũng có mà những câu chuyện vui cũng không ít. Tuy nhiên, đã qua rồi cái thời mà những Drag Queen luôn đi kèm với điều tiếng, trớ trêu hay cuộc đời bất hạnh. Họ cũng có một cộng đồng dần trưởng thành và cần được xã hội nhìn nhận tích cực.

Zaza nhớ lại thời điểm mới bắt đầu con đường drag vào khoảng tháng hai - tháng ba năm ngoái. Khi đó, Draq ở Hà Nội vẫn còn là điều khá mới mẻ, dù đã có một nhóm Drag ở Hải Phòng hoạt động cũng rầm rộ. Khi đó, trong đầu cậu thanh niên 26 tuổi không định rõ Drag là gì, chỉ biết được bạn bè rủ thử đi, hợp với cậu lắm nên Zaza đã bắt đầu dấn thân vào con đường này để rồi từ đó có nghệ danh là Zaza.

“Hiện tại Hà Nội có khoảng hơn chục bạn Drag Queen hoạt động, cộng thêm một nhóm các bạn ở Hải Phòng nữa. Nhóm ở Hải Phòng có một “Drag house” là nơi mọi người thường tập trung tập luyện hoặc giao lưu. Còn ở Hà Nội bọn mình gọi vui nó là một cái “Drag orphanage” (trại mồ côi). Không có một ai đứng lên để rủ mọi người, kéo tất cả về mà ở đây chúng mình tìm đến với nhau, chia sẻ và dần phát triển cộng đồng”.

“Hãy gọi chúng tôi là nghệ sĩ” và thế giới nhỏ của những Drag Queen Hà Nội giữa thị thành rộng lớn - Ảnh 8.

Từ những con người xa lạ - như Zaza trước khi trở thành Drag Queen cũng sống khá khép mình, họ kết nối để giúp đỡ nhau. Không phải lúc nào cũng có show để biểu diễn nên mọi người thường chia sẻ, người đi diễn buổi này thì buổi sau có thể sẽ nhường cho một người mới. Không ai trong số những người trẻ ấy “mồ côi” nhưng họ đều hiểu rằng, trong một xã hội mà sự kì thị vẫn còn nặng nề, đôi khi họ là những người ngoài mà phải dựa vào nhau để sống.

May mắn thay cho Zaza hay nhiều bạn khác khi có được sự ủng hộ của gia đình. Đôi khi có những người vẫn nhìn họ bằng cái nhíu mày, bĩu mỗi khi gặp trong quán cafe - gương mặt trang điểm với mái tóc sặc sỡ nhưng đó không phải điều Zaza quan tâm.

“Quan trọng nhất vẫn là gia đình, và mình may mắn khi họ vẫn luôn tin tưởng mình”.

“Hãy gọi chúng tôi là nghệ sĩ” và thế giới nhỏ của những Drag Queen Hà Nội giữa thị thành rộng lớn - Ảnh 9.

Zaza nhớ lại những điều người ta vẫn nói về về Drag Queen, ngoài câu chuyện chuyển giới, nghiện ngập hay ăn nói vô học, chửi nhau xoen xoét như nhiều người vẫn rỉ tai nhau, xen vào đó là cả những câu chuyện như đi khách, bị coi là một lũ quái dị… Cứ đồng tính, “bê đê hay ô môi” là sẽ hư hỏng - họ mặc định là như vậy, rằng đằng sau những buổi diễn vậy có thể đi kèm các cuộc trụy hoan để gia tăng thu nhập. 

“Ban đầu nghĩ cũng buồn, nhưng dần cũng quen. Có lẽ từ cái thời mà các câu chuyện “người đồng tính giết người”, “mại dâm đồng tính” xuất hiện tần suất khá dày trước đây đã khiến hình ảnh cộng đồng LGBT+ nói chung và các drag queen nói riêng trở nên tồi tệ hơn. Người ta không tập luyện vất vả, có một cuộc sống xáo trộn rồi đánh đổi nhiều điều trong cuộc sống chỉ đổi lại vài đồng lẻ đi khách - đó là một sự rẻ mạt và xúc phạm đáng khinh”.

“Hãy gọi chúng tôi là nghệ sĩ” và thế giới nhỏ của những Drag Queen Hà Nội giữa thị thành rộng lớn - Ảnh 10.

Nhìn quanh quất trong quán cafe nơi tôi gặp Zaza, tôi bắt gặp những ánh nhìn tò mò có, dè bỉu cũng có từ mọi người. Cậu trai trước mặt tôi có mái tóc màu xanh nõn chuối, gương mặt trang điểm khá đậm, một vẻ ngoài nhiều người coi như “quái dị” vì đi ngược lại "cái thông thường của một gã trai".

“Mình chấp nhận việc người ta đánh giá và phán xét những điều họ không hiểu, đó cũng là việc hết sức bình thường. Nhìn thấy một đám con trai đi  giày cao gót, ăn mặc khác thường, đầu tóc sặc sỡ, ai mà không bị thu hút ánh nhìn cơ chứ? Nhưng xã hội luôn có những tiêu chuẩn kép đến kỳ lạ: Nếu sự kì dị đó đến từ các họa sĩ bụi bặm, nong tai, tóc rối bù thì họ sẽ coi đó là “artsy”, còn với drag như mình, đó là đám vớ vẩn”.

Chúng ta sống trong một cộng đồng lớn với đầy rẫy những vấn đề và những Drag Queen cũng thuộc một cộng đồng nhỏ trong đó - sẽ có những cá nhân đi ngược với chuẩn mực của xã hội nhưng không vì thế mà có thể đánh giá tất cả mọi người.

“Hãy gọi chúng tôi là nghệ sĩ” và thế giới nhỏ của những Drag Queen Hà Nội giữa thị thành rộng lớn - Ảnh 11.

Bạn không ngủ một giấc và hôm sau tỉnh dậy sẽ thành một drag queen sải bước tự tin trên sân khấu; nó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và cố gắng. Bạn xem Next Top Model rồi đúng không, những tập đầu là những tháng ngày sứt đầu mẻ trán để có được nét diễn thanh lịch tự tin của các cô mẫu bây giờ.

Trước mỗi buổi diễn, họ phải mất tới vài tiếng để trang điểm, làm sao để toát lên được những nét tính cách ấn tượng trên gương mặt. Ròng rã vài tuần, họ phải tìm mua hoặc đi may trang phục, lựa chọn màu tóc ưng ý và luyện tập chăm chỉ. Mỗi người xuất hiện trên sân khấu với mong muốn để lại được một cá tính khiến người xem không thể quên và cá tính đó phải được tôi rèn qua nhiều giờ luyện tập và dạn dày sân khấu.

Bạn không chỉ đứng trên sân khấu và nhún nhảy vài ba động tác là thành một phần trình diễn; có nhiều người chọn lypsync; số khác phô diễn tài năng của mình với những bài hát live ấn tượng, khả năng trình diễn thời trang hay stand-up comedy (hài kịch tình huống). Họ là tổng hòa của nhiều nghệ sĩ trên sân khấu; đôi khi phải nỗ lực hơn rất nhiều, đẩy bản thân ra khỏi những giới hạn thường nhật để tỏa sáng. Khi chúng ta chọn nhớ đến nụ cười, niềm lạc quan của họ trên sân khấu, đừng chọn quên đi những nỗ lực vượt lên để được công nhận bằng chính khả năng của mình.

Họ yêu những điều họ đang làm như chúng ta yêu công việc của mình. Bạn có thể gọi họ là drag queen, hay những nghệ sĩ, hay bất cứ tên gọi gì; miễn là luôn dành cho họ sự tôn trọng.

“Trở thành một drag queen có lẽ là một quyết định tuyệt vời nhất với mình. Nơi đó không có giới hạn cho những gì bạn muốn trở thành, để thể hiện bản thân. Đó là một cộng đồng, nhưng bắt đầu từ những câu chuyện cá nhân. Mỗi người trong số họ đều tự hào về mình, về những gì đang làm để có thể nói cho cả thế giới biết.

Tôi là một drag queen”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày