Hãy cẩn thận! Đây là hiệu ứng tâm lý khiến bạn mua tất cả mọi thứ lúc nào không hay

J.D, Theo Helino 15:05 04/08/2018

Và rồi bạn trở thành một con nợ đầm đìa, không lối thoát...

Thương trường là chiến trường, nhưng với người bình thường thì câu chuyện shopping cũng không khác gì đâu. Đó là trận chiến giữa việc mua hay không mua, mua cái này hay cái kia, cần thiết hay không cần thiết...

Và có lẽ bạn chẳng nhận ra, đó là có rất nhiều hiệu ứng tâm lý ảnh hưởng đến kết quả của cuộc chiến ấy. Và một trong số đó là Diderot - hiệu ứng khiến bạn vung tay mua tất cả mọi thứ trước khi kịp nhận ra sai lầm của mình.

Chiếc áo choàng của Denis Diderot

Denis Diderot là một triết gia người Pháp nổi tiếng vào thế kỷ 18. Ông chẳng phải người giàu có gì, nhưng được cả xã hội kính trọng do là đồng tác giả của Encyclopédie - một trong những cuốn bách khoa toàn thư vĩ đại nhất lịch sử loài người. 

Hãy cẩn thận! Đây là hiệu ứng tâm lý khiến bạn mua tất cả mọi thứ lúc nào không hay - Ảnh 1.

Denis Diderot - triết gia nổi tiếng người Pháp

Trên thực tế, cụm từ "không giàu có" là nói giảm nhé khá nhiều rồi, bởi Diderot luôn ngập chìm trong những khó khăn về tài chính. Chỉ là đến năm 1765, cuộc đời ông đã có một bước ngoặt lớn.

Diderot khi ấy 52 tuổi, và con gái ông chuẩn bị lập gia đình. Khốn nỗi gia cảnh nghèo khó, ông chẳng xoay nổi khoản tiền hồi môn cho con gái. May mắn thay, Nữ hoàng Catherine của Nga nghe được, bèn đề nghị mua lại thư viện của ông với giá 1.000 bảng Anh.

Bạn nghĩ 1000 bảng là một khoản tiền nhỏ? Ồ không! 1000 bảng của năm 1765 tương đương với hơn 52.000 USD (khoảng 1,2 tỷ VND vào thời điểm hiện tại). Đó là cả một gia tài, là một món hời, và nói chung là Diderot bỗng có một khoản tiền lớn để tiêu xài.

Hãy cẩn thận! Đây là hiệu ứng tâm lý khiến bạn mua tất cả mọi thứ lúc nào không hay - Ảnh 2.

Chiếc áo choàng màu đỏ là tạo hình quen thuộc của Diderot trong nhiều tác phẩm nghệ thuật

Có tiền, con gái ông lấy được chồng, còn Dideriot tự mua cho mình một chiếc áo choàng đỏ tươi tuyệt đẹp. Vấn đề là nó quá đẹp, đẹp đến nỗi ông chợt nhận ra mọi thứ trong ngôi nhà trở nên quá tầm thường.

Nếu như ông không có tiền thì cũng chẳng sao đâu. Nhưng thực tế thì ông là người có tiền cơ mà? Khoản tiền ấy thôi thúc ông phải tiếp tục thay đổi toàn bộ ngôi nhà, sao cho xứng với chiếc áo choàng tươi đẹp kia.

Đầu tiên là tấm thảm được thay thế bằng loại thượng hạng đến từ Damascus - thủ đô của Syria. Ghế sợi đan thay bằng ghế bọc da. Ông mua thêm gương, tượng điêu khắc trang trí khắp nhà. Và rồi khi giật mình nhìn lại, cả ngôi nhà của ông đã được thay mới, tất cả là để phù hợp với chiếc áo choàng.

Diderot ghi nhận đây là một hiệu ứng tâm lý, khi con người ta bị ám ảnh bởi một món đồ mới mua, và rồi dẫn đến một chuỗi mua sắm điên cuồng. Ông gọi nó là hiệu ứng Diderot - theo cái tên của chính mình.

Hầu như ai cũng mắc phải Hiệu ứng Diderot một lần trong đời

Một người định mua ô tô, nhưng thế nào lại mua kèm hàng loạt nội thất đắt tiền cho chiếc xe - chính là vì hiệu ứng Diderot. 

Cô gái nọ mua váy, rồi phải mua thêm túi xách, hoa tai, vòng tay... vì đồ cũ chẳng phù hợp với chiếc váy ấy nữa. Đó cũng chính là do hiệu ứng Diderot.

Hãy cẩn thận! Đây là hiệu ứng tâm lý khiến bạn mua tất cả mọi thứ lúc nào không hay - Ảnh 3.

Hay chính bạn cũng có thể như vậy! Bạn cần mua sữa rửa mặt, nhưng rồi thấy muốn da đẹp thì phải cần thêm nước tẩy trang, nước hoa hồng, kem dưỡng ẩm... Để rồi bạn chợt nhận ra mình giống một cái đại lý bán mỹ phẩm từ lúc nào không hay.

Nêu vậy để thấy hiệu ứng Diderot phổ biến hơn chúng ta tưởng. Đơn giản là vì bản chất của con người - chúng ta rất hiếm khi muốn cắt giảm mọi thứ. Thay vào đó là ham muốn tích luỹ, nâng cấp, cải thiện. Đó là nguồn gốc của sự phát triển.

Làm chủ hiệu ứng Diderot để tránh sa vào những khoản nợ không cần thiết

Hiệu ứng Diderot tưởng như chẳng có gì xấu, vì miễn là bạn có tiền thì tiêu kiểu gì chẳng được. Nhưng với sự tồn tại của thẻ tín dụng và các tổ chức cho vay tiêu dùng thì Diderot quả thực là một hiệu ứng... nguy hiểm, nếu như bạn để nó đi quá xa.

Sự tồn tại của thẻ tín dụng và các tổ chức cho vay tiêu dùng khiến cho hiệu ứng Diderot trở nên nguy hiểm

Vậy nên, vấn đề là phải làm chủ được hiệu ứng này. Nếu bạn đang gặp vấn đề với hiệu ứng Diderot thì chúng ta có một số cách sau:

- Tập kiềm chế trước quảng cáo: Thực chất, mọi ham muốn mua sắm của chúng ta đều do một thứ gì đó tác động, và với xã hội hiện đại ngày nay thì đó là quảng cáo. Hãy bớt xem TV, bỏ theo dõi các website mua sắm, ngưng đặt tạp chí thời trang...

- Chỉ nên mua đồ phù hợp với "hiện trạng" của bản thân: Vì nếu mua một thứ gì đó quá mới mẻ, bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác muốn mua thêm mọi thứ sao cho phù hợp với nó. Mua nhiều thì tiêu nhiều thôi.

- Mua một thứ - cho đi một thứ: Đây là cách để căn nhà của bạn không chật ních những đồ dùng không cần thiết.

- Đặt mục tiêu "1 tháng không mua gì": Đây là giải pháp dành cho những người đang gặp rắc rối với hiệu ứng Diderot. Hãy thử ngăn bản thân mua sắm trong 1 tháng. Thứ gì còn thiếu có thể đi mượn.

Tham khảo: James Clear