Hàng xóm bàng hoàng quay lại hành động cậu bé nhà bên làm với bố: Giáo dục gia đình thất bại sinh ra con cái bất hiếu!

Thanh Hương, Theo Thể thao văn hóa 08:46 05/03/2023

Bên cạnh việc dành tình yêu thương cho trẻ, cha mẹ cũng cần cho trẻ biết kính trọng, nể nang.

Một vụ việc xảy ra tại Trung Quốc mới đây khiến nhiều bậc cha mẹ phải bàng hoàng, xem lại cách giáo dục con cái. Theo đó, vào ngày 10/2 tại Quý Cảng, Quảng Tây, một người quay lại cảnh tượng ngỡ ngàng của gia đình hàng xóm. Cậu con trai mới 11 tuổi, còn đang mặc đồng phục, đeo khăn quàng đỏ cầm con dao làm bếp liên tục vung về phía bố. Lưỡi dao thậm chí còn lướt qua mặt người bố đến mấy lần.

Hàng xóm bàng hoàng quay lại hành động cậu bé nhà bên làm với bố: Giáo dục gia đình thất bại sinh ra con cái bất hiếu! - Ảnh 1.

Cậu bé vung dao về phía bố. (Ảnh cắt từ clip)

May là chỉ sau một lúc, người bố đã giằng lại được con dao. Được biết, người con có hành vi hỗn hào đến vậy là do bị bố cấm nghịch điện thoại. Người hàng xóm quay video cho biết, thường ngày ông bố rất chiều chuộng con. Có lẽ vì chiều chuộng quá mức nên mới thành ra như này.

Sau đó, đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội và lập tức gây bão. Một số cư dân mạng thẳng thừng bình luận: "Còn nhỏ đã dám chĩa dao về phía bố. Nếu lớn lên có xảy ra án mạng thì tôi cũng chẳng ngạc nhiên".

Thực tế từng có án mạng xảy ra. Đó là câu chuyện về cậu bé 12 tuổi họ Hà tại Ninh Minh, Quảng Tây đã dùng kéo đâm bố vì bị cấm mang điện thoại di động đến trường. Người bố dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Hay tại Hà Bắc cũng có một câu chuyện khác. Đó là chuyện chị Tôn bị cậu con trai Tiểu Vũ lao vào đấm, đá đến gãy chân vì yêu cầu con tắt TV đi ngủ sớm.

Hàng xóm bàng hoàng quay lại hành động cậu bé nhà bên làm với bố: Giáo dục gia đình thất bại sinh ra con cái bất hiếu! - Ảnh 2.

Chị Tôn bị con đánh gãy chân.

Chỉ vì một chút mâu thuẫn, con cái đã dám tấn công cha mẹ mình đến mất mạng. Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra với những đứa trẻ này? Kiểu giáo dục gia đình như nào đã tạo nên những đứa trẻ như vậy?

Nuông chiều con, chính là hại con và hại mình!

Với vụ việc của chị Tôn, sau khi chị bị con đánh, người chồng thường xuyên làm ca đêm đã mắng con trai và quyết định dọn TV đi. Không ngờ điều này càng khiến Tiểu Vũ hung hăng hơn. Hễ có chuyện là cậu ta đánh mẹ, đập vỡ đồ đạc. Đến mức người mẹ vì... sợ con quá mà trốn về nhà ngoại.

Tuy nhiên trước sự hung hăng của con trai, người cha lại không báo cảnh sát mà chọn cách khoan dung: "Đứa trẻ đang trong thời kỳ nổi loạn, hãy cho nó một cơ hội" và "chuyện xấu trong nhà không nên để người ngoài biết".

Từ những câu chuyện trên, có thể thấy, các bậc cha mẹ này đã nuông chiều con trong một thời gian dài. Con muốn nghịch điện thoại, cha mẹ đều cho. Con nghiện TV thì chỉ nhắc nhở, thậm chí khi con đánh cả bố mẹ mà cũng không bị dạy dỗ, trừng phạt.

Hàng xóm bàng hoàng quay lại hành động cậu bé nhà bên làm với bố: Giáo dục gia đình thất bại sinh ra con cái bất hiếu! - Ảnh 3.

Chị Tôn sợ con đến mức phải trốn về nhà ngoại.

Nói về vấn đề này, giáo sư tâm lý nổi tiếng của Trung Quốc - bà Lý Mai Cẩn cho hay, khi bạn hết lần này đến lần khác thỏa mãn các nhu cầu, đòi hỏi của con mà không có điểm dừng thì khi ấy, bạn đã trở thành kẻ bại trận trong hành trình làm cha mẹ, hoàn toàn mất đi uy nghiêm. Tình yêu mà cha mẹ dành cho con, cuối cùng lại trở thành những quả mìn chôn bên đường.

Chuyên gia giáo dục nổi tiếng người Mỹ Jeffrey Bernstein từng đề cập đến khái niệm "tranh giành quyền lực". Đó là khi cha mẹ và con cái có thái độ ngược lại với nhau về một vấn đề và không ai muốn thay đổi vị trí của mình. Thường có hai kết quả của các cuộc đấu tranh quyền lực.

Đầu tiên là đứa trẻ chiến thắng cha mẹ. Chị Tôn, phải trốn về nhà ngoại vì bị con trai đánh đập là một ví dụ. Sự thỏa hiệp của cha mẹ với con cái sẽ chỉ khiến cha mẹ mất đi quyền giáo dục, và con cái sẽ ngày càng trở nên vô kỷ luật hơn.

Ở kiểu thứ hai, cha mẹ thu phục con cái. Một cặp chị em song sinh được ông bà nuôi dưỡng từ nhỏ. Mãi đến năm lớp ba tiểu học mới được cha mẹ đưa về nhà. Sau khi cả nhà sống cùng nhau, cha mẹ họ rất nghiêm khắc, không cho con cái xem TV hay đi mua sắm.

Ban đầu, hai chị em còn có thể nhẫn nhịn. Nhưng đến năm 15 tuổi, vì không chịu được nên cả hai đã lén đầu độc cha mẹ.

Chúng ta nhìn thấy được điều gì từ câu chuyện này? Nếu cha mẹ giành được quyền lực thì một sẽ nuôi dạy ra đứa trẻ hèn nhát, hai sẽ đào tạo ra một đứa trẻ càng nổi loạn hơn sau này.

Bất luận là cái gì, đều sẽ khiến quá trình trưởng thành của trẻ vô cùng khó khăn và cha mẹ sẽ phải hối hận.

Vậy thì điều gì đã khiến cha mẹ và con cái rơi vào "tranh giành quyền lực", và cuối cùng biến đứa trẻ thành "quái vật"?

Hàng xóm bàng hoàng quay lại hành động cậu bé nhà bên làm với bố: Giáo dục gia đình thất bại sinh ra con cái bất hiếu! - Ảnh 4.

Giáo sư Lý Mai Cẩn.

Giáo sư Lý Mai Cẩn phân tích rằng: "Bên cạnh việc dành tình yêu thương cho trẻ, cha mẹ cũng cần cho trẻ biết kính trọng, nể nang. Phải cho trẻ biết sợ trước thì mới có sự kính trọng".

Một đứa trẻ không tôn trọng cha mẹ, tự nhiên sẽ trở nên vô lương tâm, khi không được đáp ứng yêu cầu sẽ dễ nổi điên. Người ta nói yêu con vô điều kiện, nhưng giáo dục không chỉ có yêu thương mà còn phải có chuẩn mực.

Cụ thể, cha mẹ phải thiết lập uy quyền trước mặt con cái để chúng học được cách tôn trọng. Việc đặt ra các quy tắc sẽ trẻ giúp trẻ biết phải làm gì và tại sao không? Các quy tắc giúp trẻ trưởng thành có lý trí, biết cách cư xử.

Theo nghiên cứu của Đại học Harvard: 3-6 tuổi là giai đoạn quan trọng để hình thành tính cách và thói quen hành vi của trẻ. Người ta thường gọi đây là "thời kỳ xi măng ướt", giai đoạn trẻ "dẻo nhất" để uốn nắn. Có 3 quy tắc mà cha mẹ cần đặt ra, cụ thể:

1. "Tử tế" và "cứng rắn"

Tử tế là tôn trọng con, và cứng rắn là tôn trọng chính mình. Ví dụ, khi con không muốn rửa tay trước bữa ăn và khóc lóc. Bố mẹ có thể nhẹ nhàng nói: "Mẹ biết con không muốn rửa tay, nhưng quy tắc của gia đình chúng ta là rửa tay trước và sau khi ăn. Chúng ta sẽ bắt đầu ăn sau khi con rửa tay" và cho đứa trẻ khóc xong mới đi rửa tay.

Cha mẹ không được thỏa hiệp với con: "Con không rửa tay thì lau trước đi, lần sau rửa lại". Một khi cha mẹ do dự và dễ dàng phá vỡ các nguyên tắc mình đặt ra thì sẽ khó đưa con đi vào kỷ luật trong những lần sau.

Điều rất quan trọng là cha mẹ phải giữ thái độ nhẹ nhàng và kiên quyết. Đừng trách mắng trẻ nhưng cũng phải giữ vững lập trường của mình và để trẻ hiểu rằng phải tuân theo những quy tắc đã đặt ra.

2. Dù yêu con đến đâu, bạn cũng phải để con gánh vác một số trách nhiệm

Đứa trẻ nào cũng mắc sai lầm khi còn nhỏ, và đứa trẻ mắc sai lầm có thể được tha thứ nhưng chỉ khi nó phải gánh chịu hậu quả. Thay vì chỉ nói "nó vẫn còn là một đứa trẻ, đã biết gì" thì cha mẹ cần chỉ ra hậu quả hành động của trẻ, phân tích hành động đó ảnh hưởng đến chính trẻ và mọi người ra sao.

Từ đó cha mẹ để trẻ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình và rút kinh nghiệm cho lần sau. Chỉ khi tự chịu trách nhiệm, trẻ mới hiểu sâu sắc những cái gọi là quy tắc!

3. Hình phạt thích đáng, phù hợp là cần thiết

Thời gian trước, tại Trung Quốc từng có vụ việc một cậu bé nghịch ngợm đổ lọ mực xuống quần áo hàng xóm phơi ở tầng dưới. Người mẹ khi biết vụ việc đã cùng con xuống từng nhà để xin lỗi, sau đó bắt con viết bản kiểm điểm và cùng giặt lại quần áo bằng tay. Cách xử lý của người mẹ nhận được nhiều lời khen ngợi về cách dạy con.

Phải có yếu tố "đau đớn" trong giáo dục. Trẻ em phải bị kỷ luật và nhận hình phạt thích đáng, phù hợp để trưởng thành. Cha mẹ đủ "tàn nhẫn", con cái mới thành công trong tương lai.

Nguồn: Sohu