Hai năm sau bê bối chỉnh sửa gen người ở Trung Quốc, một cánh cửa hẹp đang được bỏ ngỏ cho những đứa trẻ CRISPR tương lai

Thanh Long, Theo Pháp luật và bạn đọc 21:09 15/09/2020

He Jiankui đang phải chấp hành án phạt 3 năm tù tại Trung Quốc còn sức khỏe của cặp song sinh Lulu-Nana và đứa trẻ CRISPR thứ ba hiện không rõ.

Đã hai năm sau sự kiện nhà khoa học người Trung Quốc He Jiankui chỉnh sửa phôi thai người, dẫn đến sự ra đời của của ít nhất 3 đứa bé CRISPR đầu tiên trên thế giới. Một ủy ban khoa học quốc tế với sự tham gia của 18 thành viên đến từ 10 quốc gia cuối cùng cũng hoàn tất quá trình đánh giá sự kiện này.

Đồng thời, họ cũng đã thiết lập được các tiêu chuẩn khoa học rõ ràng nhất tính tới thời điểm này cho một lĩnh vực nghiên cứu còn đầy tranh cãi.

Được công bố trong tuần này, báo cáo dài 225 trang của Ủy ban Thử nghiệm Lâm sàng Chỉnh sửa gen người Quốc tế quy định việc can thiệp trực tiếp vào phôi thai người chỉ được thực hiện nếu nó đảm bảo được độ chính xác cần thiết mà không gây ra những thay đổi không mong muốn.

Độ chính xác này được xác định bằng ngưỡng đột biến tự nhiên trung bình của một phôi thai. Chúng ta biết quá trình sao chép DNA không hoàn hảo. Và hầu hết tất cả những đứa trẻ sinh ra tự nhiên đều mang khoảng vài chục đột biến không tồn tại trong bộ gen của cha mẹ.

Một thử nghiệm chỉnh sửa gen trên người giới hạn được số lượng đột biến dưới ngưỡng đó có thể sẽ được xem xét cho phép thực hiện trong tương lai (bên cạnh các điều kiện khắt khe khác).

Hai năm sau bê bối chỉnh sửa gen người ở Trung Quốc, một cánh cửa hẹp đang được bỏ ngỏ cho những đứa trẻ CRISPR tương lai - Ảnh 1.

He Jiankui được cho là đang phải chấp hành án phạt 3 năm tù tại Trung Quốc.

Theo báo cáo của ủy ban, việc chỉnh sửa gen không được khuyến khích thực hiện đại trà. Các nhà khoa học cho biết việc can thiệp vào gen phôi thai chỉ được coi là biện pháp bất khả kháng trong một số trường hợp.

Cụ thể, đó là với những cặp vợ chồng mang đột biến lặn hoặc có hai bản sao cùng trội của một đột biến chắc chắn sẽ khiến con họ sinh ra bị bệnh nặng hoặc chết. Các rối loạn di truyền nằm trong số này thường gây ra các bệnh như xơ nang, thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh Tay-Sachs và Huntington.

Cộng lại tất cả các điều kiện, có lẽ trên thế giới chỉ có 20 gia đình thỏa mãn được tiêu chí khắt khe này, Michèle Ramsay, một nhà di truyền học loài người tại Đại học Witwatersrand cho biết.

Thế nhưng, Ủy ban Thử nghiệm Lâm sàng Chỉnh sửa gen người gốc Quốc tế nhấn mạnh rằng công nghệ chỉnh sửa gen của chúng ta hiện tại chưa thể đáp ứng hết tiêu chí an toàn và hiệu quả mà họ đặt ra.

"[Bất cứ ai vào lúc này] không nên cố gắng tạo ra một phôi người chỉnh sửa gen hoàn tất thai kỳ", họ khuyến cáo. Loài người đơn giản là chưa sẵn sàng để chào đón những đứa trẻ CRISPR.

Trước khi làm điều đó, chúng ta sẽ phải hoàn thiện các kỹ thuật chỉnh sửa gen, có phương pháp đánh giá độ an toàn và khả thi của nó đồng thời giải quyết hết các tranh cãi về mặt đạo đức của lĩnh vực nghiên cứu này.

Tại sao chúng ta cần thắt rất chặt các thử nghiệm chỉnh sửa gen người?

Chỉnh sửa gen là một kỹ thuật thay đổi ký tự DNA hoặc từng cặp bazơ trong một gen được thực hiện bằng nhiều công nghệ khác nhau nhưng nổi tiếng nhất hiện nay là CRISPR/Cas9. Kỹ thuật này được phát minh vào năm 2012 đã cho phép các nhà khoa học cắt và dán các đoạn DNA của thực vật, vi khuẩn, động vật một cách dễ dàng với chi phí thấp.

Hai năm sau bê bối chỉnh sửa gen người ở Trung Quốc, một cánh cửa hẹp đang được bỏ ngỏ cho những đứa trẻ CRISPR tương lai - Ảnh 2.

Kể từ đó, một số nhà khoa học bắt đầu nghĩ rằng họ có thể sử dụng CRISPR trên người. Mục tiêu ban đầu mà hướng nghiên cứu này nhắm đến là để chữa trị các căn bệnh di truyền bẩm sinh mà một đứa trẻ chắc chắn sẽ mắc phải nếu bố mẹ chúng mang gen gây bệnh.

Thế nhưng, một số nhà khoa học lo ngại việc chỉnh sửa gen người có thể vượt ra bên ngoài mục đích nhân đạo đó. Với tiềm năng vô hạn của CRISPR, sẽ có người muốn sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen này để tăng cường khả năng con người, chẳng hạn như tạo ra những đứa trẻ có ngoại hình lớn hơn, khả năng vận động hoặc trí tuệ vượt trội hơn.

Các nghiên cứu như vậy không những vấp phải nguyên tắc về đạo đức y khoa, đạo đức khoa học mà còn đối mặt với nguy cơ thất bại cao ở thời điểm này. "Chỉnh sửa gen hiện đã đủ chính xác và hiệu quả trên động vật, nhưng việc chỉnh sửa phôi thai người đòi hỏi một độ chính xác hơn rất nhiều", Haoyi Wang, một nhà di truyền học và sinh học phân tử và tế bào gốc tại Viện Động vật học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết.

Nếu không được kiểm soát cẩn thận, CRISPR có thể tạo ra những đột biến bất ngờ, bên cạnh các thay đổi gen mà các nhà khoa học dự định thực hiện với mục đích tốt. Các đột biến này có thể để lại hậu quả khôn lường, bao gồm khiến đứa trẻ sinh ra bị bệnh hoặc tử vong sớm.

Việc thay đổi DNA trong dòng mầm của con người – bao gồm phôi, trứng và tinh trùng – còn có thể di truyền lại thế hệ sau. Nếu vậy, nó có thể ảnh hưởng tới cả bể gen của loài người mà kịch bản tệ nhất là khiến chúng ta bị suy thoái dần và diệt vong.

Công nghệ của con người hiện nay chưa thể đảm bảo an toàn cho những đứa trẻ CRISPR

Trong những năm gần đây, độ chính xác của CRISPR đã liên tục được cải thiện. Một số thử nghiệm vì thế đã được thực hiện trên người trưởng thành để điều chỉnh những rối loạn gen ở bệnh nhân thiếu máu hồng cầu hình liềm và bệnh mù bẩm sinh.

Thế nhưng, những chỉnh sửa này đều nằm trong tế bào người trưởng thành và không thể chuyển sang thế hệ tương lai. Cuối năm 2018, một nhà khoa học Trung Quốc có tên là He Jiankui đã trở thành người đầu tiên công khai tiến hành một thí nghiệm chỉnh sửa gen phôi thai người dẫn đến sự ra đời của 2 đứa trẻ song sinh biến đổi gen đầu tiên trên thế giới.

Kế đó vào đầu năm nay, một đứa trẻ bí ẩn thứ ba cũng đã được xác nhận ra đời ở Trung Quốc với bộ gen được biến đổi. Đứa trẻ này là một trong những thử nghiệm cuối cùng của He Jiankui trước khi ông ấy bị bắt và tuyên án 3 năm tù vì hành vi "chỉnh sửa gen bất hợp pháp" của mình.

Hiện sức khỏe của cả 3 đứa trẻ chỉnh sửa gen ở Trung Quốc đều không rõ.

Hai năm sau bê bối chỉnh sửa gen người ở Trung Quốc, một cánh cửa hẹp đang được bỏ ngỏ cho những đứa trẻ CRISPR tương lai - Ảnh 3.

Trước đó, công việc của Jiankui đã bị cả thế giới lên án bởi sự mạo hiểm của ông ấy. Trong khi tuyên bố việc chỉnh sửa gen ký hiệu CCR5 trong phôi thai có thể giúp hai đứa trẻ có cha dương tính với HIV thoát khỏi nguy cơ mắc căn bệnh này, các nhà khoa học cho biết điều đó có phần vô nghĩa.

Những đứa trẻ sau khi chỉnh sửa gen CCR5 vẫn có nguy cơ nhiễm HIV, và để phòng tránh điều đó, có nhiều biện pháp đơn giản và an toàn hơn chỉnh sửa gen phôi.

Thậm chí, sức khỏe của hai đứa trẻ cũng có thể bị đe dọa. Một số nghiên cứu cho thấy can thiệp vào gen CCR5 có thể làm tăng khả năng nhiễm virus West Nile và tử vong vì bệnh cúm. Trong khi, nghiên cứu khác nghi ngờ những đứa trẻ CRISPR mà He Jiankui "tạo ra" sẽ không đạt tới được tuổi thọ trung bình.

Hiện tại, chúng ta cũng không có bất kỳ phương pháp nào đủ tốt để đánh giá tác động ngoài ý muốn của việc chỉnh sửa phôi, Haoyi Wang cho biết. Làm như vậy đòi hỏi phải thu thập một lượng lớn DNA, điều này chỉ có thể được thực hiện bằng cách hy sinh một số tế bào từ phôi để giải trình tự gen.

Ngoài việc không đáng tin cậy, những phương pháp này còn gây hại cho khả năng tồn tại của phôi thai, khiến khả năng mang thai thấp hơn. "Chúng ta có thể còn phải mất nhiều năm để phát triển các phương pháp đánh giá tốt hơn nữa", Haoyi Wang nói thêm.

Từ bây giờ cho tới lúc đó, theo các quy định của Ủy ban Thử nghiệm Lâm sàng Chỉnh sửa gen người Quốc tế, không một thử nghiệm CRISPR nào trên phôi người hoàn tất thai kỳ nào nên được phép thực hiện, không một đứa trẻ chỉnh sửa gen nào nên được phép sinh ra.

Thế nhưng, một cánh cửa hẹp đang được bỏ ngỏ cho các nghiên cứu tương lai

Cũng phải nói rằng các nhà khoa học tham gia vào Ủy ban Thử nghiệm Lâm sàng Chỉnh sửa gen người Quốc tế đã lắng nghe cả các ý kiến đối lập. Sau khi tiến hành các buổi lắng nghe với một số nhóm vận động cho bệnh nhân và người khuyết tật, ủy ban đã quyết định mở những cánh cửa rất hẹp trong một tương lai gần mà ở đó chỉnh sửa gen người được coi là có đạo đức - nói cách khác là lợi ích lớn hơn rủi ro.

Hai năm sau bê bối chỉnh sửa gen người ở Trung Quốc, một cánh cửa hẹp đang được bỏ ngỏ cho những đứa trẻ CRISPR tương lai - Ảnh 4.

Trước hết, việc hoàn tất các phương pháp đánh giá rủi ro, độ chính xác và an toàn của việc chỉnh sửa gen người vẫn phải được tiến hành. Sau đó, nếu nó thỏa mãn tiêu chí không gây ra nhiều đột biến ngoài mong muốn hơn các đột biến tự nhiên, một quốc gia quyết định tiến lên với công nghệ này cũng chỉ được phép dùng nó để điều trị các bệnh đơn gen nghiêm trọng - tức là do đột biến trong một gen duy nhất gây ra bệnh tật nặng hoặc tử vong sớm.

Hơn nữa, ủy ban quy định rằng bất kỳ đột biến gây bệnh nào như vậy chỉ có thể được thay thế bằng một chuỗi mã di truyền phổ biến ở những người khỏe mạnh và không có tiền sử sức khỏe tiêu cực.

Ngoài ra, nó chỉ nên được sử dụng khi cha mẹ mang một đột biến bất lợi không có lựa chọn nào khác để có một đứa trẻ lành lặn. Thực tế, điều đó có nghĩa là chỉ vài chục gia đình trên toàn thế giới đáp ứng được, Michèle Ramsay cho biết.

Cũng là một thành viên trong ủy ban, bà khẳng định lại một lần nữa đó chỉ là những cánh cửa hẹp được mở ra trong tương lai. Ngay tại thời điểm này, không có một công nghệ chỉnh sửa gen nào có thể đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Thử nghiệm Lâm sàng Chỉnh sửa gen người Quốc tế. Chúng ta chưa nên tạo ra những đứa trẻ biến đổi gen trong thời điểm này.

Tổng hợp