Hai đêm "vào nghề" chạy đua với tử thần

Bài viết: Phan Nhơn - Ảnh: Trần Hòa - Video: Hoàng Long - Trí Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 19:05 04/09/2018

Ngày 2/9, khi người dân TP.HCM tưng bừng với các hoạt động lễ hội, những chiếc xe cấp cứu Trung tâm 115 TP.HCM vẫn bon bon trên các tuyến đường. Họ chạy đua với tử thần để cứu người.

Đến gần 6 giờ sáng 3/9, quân số dường như vẫn chưa về đủ, đội ngũ 115 lại gấp rút tổng hợp báo cáo số liệu chuẩn bị giao ca. Trong khi đó, chúng tôi đã gục ngã trên bàn làm việc của họ và ngủ thiếp đi trong tiếng chuông điện thoại không ngơi nghỉ.

Kỳ nghỉ kéo dài thêm một ngày, nhưng ở đây là những đêm trắng nối dài, xoay vòng nhau cùng những bánh xe cứu thương khắp những nẻo đường ở thành phố rộng lớn này.

Bộ chỉ huy cấp cứu của cả thành phố

Đồng hồ điểm 21 giờ ở Trung tâm cấp cứu ngoại viện 115, tiếng chuông cấp cứu liên tục reng reng ở phòng Điều hành. Tất cả đều sẵn sàng đến hiện trường.

Reng! Reng!

Trung tâm 115: Alo! Cấp cứu xin nghe!

Người dân: Có một bệnh nhân bị tâm thần trốn trại, ảnh điên nặng lắm rồi, nhờ bác sĩ đến chữa gấp. Đề nghị xe cấp cứu đến ngay địa chỉ … haha!

Phía đầu dây trước khi gác máy đã kịp cười. Hình như họ muốn thử đường dây nóng cấp cứu ngày lễ có được nghỉ lễ như hàng triệu người ở cái thành phố này hay không.

Nhân viên y tế lắc đầu vì vốn đã quen với những cuộc gọi chọc phá. Cô chỉ tặc lưỡi, quay sang cười với chúng tôi, rồi lại trở về với nhiệm vụ.

Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 1.
Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 2.
Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 3.

11h đêm vẫn còn là rất sớm với những con người làm việc theo ca 24h/ngày ở đây

Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 4.
Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 5.

Hai chiếc tủ để máy sốc điện của Trung tâm 115: Càng nhiều ô trống thì càng có nhiều xe cứu thương đang trên đường.

Mỗi năm đợt lễ kéo dài, quân số 115 mỏng nhưng vẫn phải căng mình chia lửa cho các mặt trận.

Chưa hết, ốm đau, tai nạn giao thông, đánh nhau thương tích thường tăng cao, trong khi một tua trực thường 25 người: 1 bác sĩ, 4 y sĩ, 15 điều dưỡng và 5 lái xe. Lúc chúng tôi đến, 5 chiếc xe đã đồng loạt rời Trung tâm và vẫn chưa về.

Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 6.

Cứ ngỡ sau cuộc gọi kia mọi người được xả hơi sau một buổi chiều chạy lòng vòng cả thành phố. Lần này, cuộc gọi cầu cứu từ người nhà tại đường Âu Cơ (quận 11).

Một người đàn ông trung niên bị mệt, đau tim, có dấu hiệu tăng huyết áp cần chuyển vào viện gấp.

Sau 15 phút, ê-kíp có mặt tại một con hẻm. Chiếc băng ca được đẩy hơn 200m trong các ngõ ngách ngoằn ngoèo mới đến được nhà bệnh nhân. Các điều dưỡng lập tức đo huyết áp, kiểm tra sơ cứu và dìu người bệnh qua khoảng hẹp cầu thang để kịp chuyển viện.

Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 7.

Các y sĩ và điều dưỡng phải nhờ đến sự giúp đỡ của người nhà để giữ tay bệnh nhân khi tiến hành truyền nước.

Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 8.
Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 9.

Bệnh nhân sẽ được nhóm cứu thương đưa đến bệnh viện do họ hoặc người nhà lựa chọn. Trong ảnh, bà cụ 89 tuổi được đưa đến bệnh viện Q11 gần nhà.

Trước đó, một tua khác đang cấp cứu cho một nữ nhân viên nhà hàng ngất xỉu tại quán nhậu trên đường Ba tháng Hai (quận 3).

Hai điều dưỡng nhanh lẹ lấy máu, đưa vào máy test đường huyết, đo huyết áp, đánh giá bệnh lý ban đầu bệnh nhân rồi kịp thời đưa vào viện. Cô nhân viên khá to cao nhưng chàng điều dưỡng bế vác cô lên băng ca rất gọn.

Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 10.

Điều dưỡng Ngọc Thạch bế bệnh nhân nữ bị ngất xỉu vì kiệt sức lên xe

Chiếc xe cấp cứu trở về trung tâm cũng là lúc đồng hồ điểm sang 0 giờ ngày 2/9. Các nhân viên mệt nhoài. Vài người ăn vội tô hủ tiếu tiếp sức, có người bỏ nguội cả ổ bánh trên đầu tủ lạnh.

Không còn ai đùa giỡn nói cười bên cái bàn giao ban nữa, họ trở về phòng nghỉ ngả lưng lấy lại sức chút xíu để rồi tiếp tục những chuyến xe vào giờ cao điểm. Thường "giờ vàng" cấp cứu rơi vào khoảng 0-3 giờ sáng.

Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 11.

Vẻ mệt mỏi lộ rõ trên gương mặt các y sĩ và điều dưỡng trên chuyến xe cấp cứu giữa đêm

"Nghề của chúng tôi không có khái niệm ngủ, chỉ nhắm mở nửa con mắt, nằm ngả lưng hồi sức rồi lại xoay vòng bật dậy ngay khi có chuông. Đêm cấp cứu nào cũng là đêm trắng, vẻ mặt những con người ở đây lúc nào cũng như những con ma thiếu ngủ", một nhân viên cấp cứu chia sẻ.

Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 12.
Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 13.
Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 14.
Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 15.

Phòng nghỉ cho các y bác sĩ và điều dưỡng tại Trung tâm 115. Cũng có đầy đủ ghế, giường, chăn màn nhưng với tiếng chuông cứu thương cứ chốc chốc lại hú vang, không ai ngủ được mà chỉ có thể nằm chợp mắt cho đỡ mệt.

Reng! Reng!

- Alo cấp cứu xin nghe! Dạ bệnh nhân bị sao? Cho xin địa chỉ cụ thể, số điện thoại để liên lạc đi ạ.

3 giờ sáng. Lần này, một anh chàng chơi cỏ Mỹ (một hỗn hợp thảo dược tẩm chất hóa học gây ảo giác và hưng phấn; lạm dụng có thể gây loạn thần) bị ảo giác nặng, quậy phá la hét, ói ra máu. May mà đường TP ban đêm dịp lễ vắng vẻ, xe cấp cứu sau hơn 15 phút đã đến nhà bệnh nhân ở quận 6, ước chừng cách trung tâm gần 10 km.

Sau khi được gia đình thuyết phục, anh chàng mới chịu leo lên xe đưa vô viện. Bác sĩ nhanh tay thu giữ gói cỏ Mỹ trong nhà để tránh phải gặp nhau lần nữa trong tình cảnh tương tự.

Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 16.

Anh Nguyễn Hữu Hòa lựa cáng để đẩy bệnh nhân ra khỏi con hẻm chỉ đủ một người đi

Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 17.

Khi chiếc xe lẳng lặng rời bệnh viện thì trời cũng đã chớm sáng. Về tới trung tâm cũng là lúc 2 tổ công tác phục vụ bắn pháo hoa bên hầm Thủ Thiêm và cho đám cưới tập thể vào sáng sớm bắt đầu xuất phát.

Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 18.

Y sĩ Thiện Tân trở về trung tâm sau một ca cấp cứu lúc sáng sớm

Hừng đông. Ánh đèn trong phòng điều hành cấp cứu không bao giờ tắt. Điện thoại reng liên tục. Tuy nhiên, những ca cấp cứu này ở xa và có 24 trạm vệ tinh cấp cứu đặt tại các bệnh viện quận huyện nên nhân viên chuyển máy để bệnh nhân được cấp cứu nhanh hơn.

Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 19.

Phòng điều hành tại Trung tâm 115 chỉ đông vào mỗi 7h sáng hàng ngày - thời điểm giao ca

Một đêm trắng khép lại. Hơn 20 nhân viên ngồi lại với nhau làm bệnh án, tổng hợp số liệu cho đến 7 giờ sáng để giao kíp trực cho một tua khác. Phần thưởng cho ngày nghỉ lễ của họ là giấc ngủ sâu. Sau 48 giờ được nghỉ (với bác sĩ), 24 giờ (với điều dưỡng), họ lại vào Trung tâm làm các công việc hành chính trong hai ngày trước khi bắt đầu 24 tiếng trực dằng dặc.

Cơn mưa cấp cứu tai nạn giao thông

Đêm 2/9, đông đảo người dân đổ về phố đi bộ Nguyễn Huệ và Công viên Đầm Sen để xem pháo hoa. Màn pháo hoa vừa kết thúc, chuông điện thoại ở "bộ chỉ huy" lại reo. Một người đàn ông té tại nhà, cần cấp cứu đến gấp.

Trong căn nhà lọt thỏm trong hẻm sâu ở quận 8, người đàn ông 61 tuổi đã đột quỵ nằm dưới nền nhà.

Ngay lập tức, ê-kíp lao vào hồi sức, liên tục nhồi tim để cố gắng níu giữ sự sống. Sau 30 phút nỗ lực, kết quả đo điện tim là một đường thẳng, chỉ số báo hiệu không còn dấu hiệu nào của sự sống. Người đàn ông này có tiền căn tai biến, hôm nay trong lúc tắm ông đột quỵ lần hai. Mọi nỗ lực cấp cứu đều vô vọng.

Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 20.

Y sĩ Nguyễn Thị Ảnh nỗ lực ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân

Trên chuyến xe trở về Trung tâm, không có câu nói vui hay vẻ mặt nhẹ nhõm nào như khi ê-kíp cấp cứu kịp thời một bệnh nhân. Có những giới hạn sinh tử mà y học hiện tại chưa thể vượt qua.

Những y sĩ, điều dưỡng Trung tâm 115 ngồi bần thần sau ca hồi sức không thành công

Về đến Trung tâm, một cơn mưa lớn bắt đầu đổ xuống. Tổng đài liên tục nhận báo nhiều ca tai nạn giao thông. "Chưa đến 12 giờ mà có hơn 50/100 ca tai nạn cấp cứu rồi, đêm nay dự báo còn nhiều hơn nữa", một điều dưỡng nói.

Vừa dứt lời thì tiếng chuông báo hiệu xuất xe cấp cứu vang lên. Một đội lại xuất phát. Ca này nạn nhân bị chấn thương vùng đầu tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai với Cách mạng tháng Tám (quận 3).

Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 22.
Hai đêm vào nghề chạy đua với tử thần - Ảnh 23.

Tai nạn giao thông và các bệnh của người già chiếm phần lớn các ca cấp cứu

Chiếc xe máy chạy ngược chiều tông vào dải phân cách móp méo. Một thanh niên ôm cái đầu đầy máu. Mùi men toát ra từ cơ thể nồng nặc hòa lẫn với những giọt mưa tầm tã.

Người dân xúm lại, rọi đèn cầm dù che cho nhân viên cấp cứu rửa, băng bó vết thương ngay tại vệ đường. Sau khi cố định nạn nhân theo phương thẳng, chàng trai được đưa lên băng ca tiếp tục băng bó vùng đầu rồi chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115.

"Có những đêm mưa lớn hơn, dù che vẫn vô dụng, cấp cứu xong ai nấy đều ướt, lạnh run người", anh tài xế kể.

Chúng tôi về đến nơi thì hai kíp nữa cũng vừa về. Đêm nay trời mưa lớn, tai nạn giao thông nhiều quá. Tiếng chuông điện thoại gọi về trung tâm lúc này chả khác nào cơn mưa ngoài trời. Chỉ đi theo mà chúng tôi gần như kiệt sức.

Đến gần 6 giờ sáng 3/9, quân số dường như vẫn chưa về đủ, đội ngũ 115 lại gấp rút tổng hợp báo cáo số liệu chuẩn bị giao ca. Trong khi đó, chúng tôi đã gục ngã trên bàn làm việc của họ và ngủ thiếp đi trong tiếng chuông điện thoại không ngơi nghỉ.

Kỳ nghỉ kéo dài thêm một ngày, nhưng ở đây là những đêm trắng nối dài, xoay vòng nhau cùng những bánh xe cứu thương khắp những nẻo đường ở thành phố rộng lớn này.

Cấp cứu liên tục, nhưng nhiều chuyến xe xuất bên 115 đều thất thu, do đến nơi người dân đã tự đưa nạn nhân đi viện. Theo các nhân viên, con số thất thu thường khoảng 40%.

Điều các nhân viên lo nhất là trong số 40% nạn nhân kia lỡ có người không được sơ cứu và vận chuyển đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sinh mệnh hoặc phải mang những thương tật suốt đời.

Thành phố đã xây dựng một Trung tâm chỉ huy cấp cứu 115 cùng với 24 trạm vệ tinh đặt ở hầu hết các bệnh viện tuyến quận, huyện trên địa bàn. Trung tâm và các trạm vệ tinh sẽ vận chuyển, cấp cứu ban đầu cho người dân toàn thành phố.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày