Giữa giờ học, nam sinh lớp 12 cười phá lên, lao ra cửa sổ tự tử khiến bạn bè kinh hoàng

Tammy, Theo Pháp luật và Bạn đọc 14:21 17/12/2021

Sự việc diễn ra trong giờ tự học buổi tối tại một trường cấp 3 ở Trung Quốc.

Tối ngày 13/3/2014, một học sinh cuối cấp đã nhảy ra khỏi cửa sổ tầng 5 của tòa nhà trước sự chứng kiến của tất cả bạn bè và cô giáo trong lớp.

Đoạn video trích xuất từ camera giám sát cho thấy vụ việc diễn ra vào lúc 19 giờ 11 phút, cậu bé đột nhiên đứng bật dậy trong giờ tự học ca tối, cười phá lên trong lúc lao về phía cửa sổ và nhảy ra ngoài. Nam sinh này đã tử vong ngay sau đó do vết thương nặng ở đầu.

Theo báo chí Trung Quốc, vụ việc này diễn ra tại trường cấp 3 Tiêu Chấn tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang và nam sinh trong đoạn clip là học sinh cuối cấp đang ôn luyện cho kỳ thi đại học.

Hai ngày trước khi vụ việc xảy ra, em học sinh này đã có những hành vi lạ, em không học hết ca học đã bỏ về và thường xuyên nhắc tới những từ như "tận thế", "bầu trời âm u"... Nguyên nhân tử vong được cho là do áp lực học tập quá lớn mà không có sự hỗ trợ tâm lý.

Tự tử vì áp lực học tập

Tháng 5/2020, một bé gái 9 tuổi ở Tây An, Trung Quốc cũng đã tự tử bằng cách nhảy lầu từ tầng 15 vì không thể hoàn thành bài tập mà giáo viên giao đúng hạn.

Theo đó, cô bé này phải hoàn thành một bài luận dài 1 trang rưỡi lúc 17 giờ nhưng tới 16 giờ 30 mới chỉ viết được 1 trang nên đã cảm thấy rất áp lực và gọi điện kể cho mẹ. Người mẹ không quá quan tâm, chỉ nhắc cô bé hoàn thành bài càng sớm càng tốt.

Tới 18 giờ, bé gái quyết định nhảy từ tầng 15 của tòa nhà và để lại bức thư tuyệt mệnh: "Mẹ ơi con xin lỗi, đây là quyết định của con, vì sao con làm cái gì cũng không xong?".

Giữa giờ học, nam sinh lớp 12 cười phá lên, lao ra cửa sổ tự tử khiến bạn bè kinh hoàng - Ảnh 2.

Bức thư tuyệt mệnh của bé gái 9 tuổi (Ảnh: Sohu)

Xã hội cạnh tranh tại nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang khiến các bậc phụ huynh và giáo viên đặt ra những yêu cầu rất lớn đối với con trẻ. Các em được dạy rằng kết quả học tập, kết quả thi kém có thể làm thui chột cả tương lai. Điều này gián tiếp gây ra áp lực khủng khiếp với những đứa trẻ chưa có khả năng tự giải tỏa cảm xúc của mình.

Tại Việt Nam, số liệu từ một vài nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Điều đáng chú ý là những biểu hiện của trầm cảm ở trẻ lại thường bị phụ huynh cho là "bình thường".

Theo TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Mai (Bộ môn Nhi - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), đứa trẻ có ý định tự sát, từng rạch tay rất nhiều nhát mà bố mẹ chỉ coi là biểu hiện của sự thiếu nhận thức, học đòi theo bạn bè. Đó chính là sai lầm đáng tiếc của các bậc phụ huynh.