Giờ vào học quá sớm: Nhà trường nói gì?

HOÀNG HƯƠNG ghi, Theo Tuổi trẻ Online 10:01 20/10/2022

Báo Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các trường về việc phụ huynh cho rằng giờ vào học hiện nay quá sớm khiến học sinh thiếu ngủ, phụ huynh rối bời (Tuổi Trẻ ngày 17-10).

Giờ vào học quá sớm: Nhà trường nói gì? - Ảnh 1.

Phụ huynh đưa con đến Trường tiểu học Sông Lô, quận Phú Nhuận sáng ngày 19-10 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

* Thầy Nguyễn Văn Thành (hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TP.HCM):

Sẽ điều chỉnh lại giờ

Trường THPT không thể như trường tiểu học vì có những ngày học sinh sẽ học buổi sáng năm tiết (6h45 đến 11h), buổi chiều bốn tiết (13h30 đến 17h). Như vậy, học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu có 150 phút nghỉ trưa.

Phương án cho học sinh học trễ hơn như 7h15 vào học và về lúc 11h30 học sinh sẽ ít có thời gian nghỉ ngơi, nhất là những em nhà ở xa trường.

Tuy nhiên, tôi đã họp ban giám hiệu và thống nhất có thể cho học sinh vào học lúc 7h. Việc thay đổi này tôi sẽ xin ý kiến hội đồng sư phạm và ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Nếu tất cả đều đồng tình thì trường sẽ thay đổi.

* Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, TP.HCM):

Lệch giờ tránh kẹt xe

Trong cuộc họp với trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp ngày 7-10, chúng tôi đã nghe phụ huynh góp ý giờ ra về chưa phù hợp. Tại cuộc họp, tôi đã thay mặt ban giám hiệu, hứa sẽ thay đổi thời khóa biểu để giờ ra về các lớp phù hợp hơn.

Tuy nhiên, do trường phải lấy ý kiến phụ huynh về giảng dạy môn tin học theo chuẩn quốc tế nên việc xếp thời khóa biểu mới có phần chậm trễ.

Chậm nhất tuần sau học sinh sẽ thực hiện theo thời khóa biểu mới ổn định, thời gian ra về của học sinh sẽ được sắp xếp phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đi đón con em.

Còn thắc mắc về thời gian vào học quá sớm là do trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày cho nên không thể cùng lúc 1.375 học sinh vào học chung khung thời gian vì số lượng học sinh tập trung hoặc ra về cùng một lúc rất đông, ùn tắc giao thông. Đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm tập trung rất nhiều trường học từ mầm non đến THPT.

Do vậy, trường buộc phải bố trí lệch giờ cho thời gian học sinh vào học và ra về. Việc này đã thực hiện từ năm học 2019 - 2020.

Học sinh khối 7, 9 có mặt ở trường lúc 6h45 để ổn định sau đó bắt đầu học từ tiết 1 lúc 7h; học sinh khối 6, 8 có mặt ở trường lúc 7h30, bắt đầu học từ tiết 2 lúc 7h45, tránh kẹt xe và tình trạng ùn tắc trước cổng trường.

* Ông Trần Công Tuấn (hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận, TP.HCM):

Giờ vào học của học sinh THPT phù hợp

Tôi ủng hộ quan điểm nên thay đổi giờ vào học của học sinh bậc mầm non, tiểu học, THCS theo hướng trễ hơn, 7h30 là phù hợp. Bởi học sinh ở lứa tuổi này còn nhỏ, nhất là học sinh mầm non và tiểu học, ý thức học tập cũng như sự chủ động, tự phục vụ còn thấp.

Do đó, việc chuẩn bị quần áo, giày dép, việc ăn sáng rồi đi học ở lứa tuổi này sẽ mất nhiều thời gian hơn, cần sự hỗ trợ, đôn đốc của phụ huynh.

Riêng với bậc THPT tôi cho rằng giờ vào học như hiện nay là phù hợp. Ở Trường THPT Phú Nhuận, học sinh phải có mặt lúc 6h40 để 6h45 vào học tiết 1.

Lý do vì học sinh lứa tuổi này đã lớn, ý thức học tập cao hơn, hầu hết học sinh THPT đều đã có sự chủ động, tự lập. Ngoài ra, nhiều em học sinh THPT còn có thói quen thức khuya để chat, xem phim, chơi game...

Nếu trường quy định giờ vào học trễ hơn, tôi đoán các em sẽ thức khuya hơn nữa, ảnh hưởng rất nhiều đến thị giác, trí não...