Giám đốc Công an Hà Nội: Công tác phòng cháy chữa cháy phải lấy phòng ngừa làm trọng

ĐINH HUY, Theo Tổ quốc 08:43 24/08/2022

Sáng 23/8, CATP Hà Nội tổ chức Chương trình làm việc của lãnh đạo CATP với cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH).

Cùng dự buổi làm việc còn có các đồng chí Phó Giám đốc: Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Đại tá Trần Ngọc Dương, Đại tá Dương Đức Hải cùng đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ.

Giám đốc Công an Hà Nội: Công tác phòng cháy chữa cháy phải lấy phòng ngừa làm trọng - Ảnh 1.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc

Triển khai hiệu quả nhiều kế hoạch, mô hình PCCC

Báo cáo tóm tắt kết quả 02 năm thực hiện công tác PCCC&CNCH, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP, cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 5.368 khu dân cư/579 xã, phường, thị trấn, trong đó có 433 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao; 9.483 tuyến đường, phố, hẻm, ngõ nằm sâu từ 200m trở lên, xe chữa cháy không thể tiếp cận được; 5.569 tuyến đường, phố, hẻm, ngõ có bục bệ, mái che mái vẩy chắn ngang cản trở hoạt động của xe chữa cháy.

Qua điều tra, thành phố hiện còn thiếu 6.882 trụ nước chữa cháy, 343 bể nước chữa cháy, 448 bến lấy nước, hồ thu nước chữa cháy. Theo Đại tá Phạm Trung Hiếu, đây chính là những khó khăn thực tế trong công tác PCCC&CNCH trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong 2 năm gần đây, từ tháng 8-2020 đến tháng 8-2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 772 vụ cháy, nổ, trong đó có 16 vụ cháy lớn, 14 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, làm 32 người chết, 51 người bị thương, thiệt hại về tài sản 46,7 tỷ đồng và 25 ha rừng. So với cùng kỳ 2 năm trước đó, số vụ cháy, nổ giảm 302 vụ, thiệt hại về tài sản giảm 257,3 tỷ đồng, giảm 4 người chết và giảm 15 người bị thương.

Dù con số đã giảm đáng kể so với cùng kỳ, nhưng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, CATP Hà Nội xác định, không được chủ quan, phải làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, tổ chức các mô hình phòng cháy chữa cháy tại cơ sở, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân để hạn chế nhiều hơn nữa các vụ cháy xảy ra. Chính vì vậy, trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tham mưu cho CATP, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội ban hành các văn bản PCCC&CNCH; tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chuyên đề trọng tâm trong công tác PCCC&CNCH phù hợp với tình hình thực tế địa bàn và theo lĩnh vực quản lý, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về PCCC; cơ bản giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác PCCC.

Giám đốc Công an Hà Nội: Công tác phòng cháy chữa cháy phải lấy phòng ngừa làm trọng - Ảnh 2.

Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tham mưu cho chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện với các kế hoạch, chuyên đề, đặc biệt xây dựng các mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố đã xây dựng, duy trì và thí điểm 47 mô hình an toàn về PCCC&CNCH, trong đó có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được Bộ Công an ghi nhận và nhân rộng trên toàn quốc. Đồng thời, trong thời gian qua, có 917 đơn vị, cơ sở được công nhận là đơn vị điển hình tiên tiến về PCCC.

Huy động cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của nhân dân trong PCCC

Thời gian gần đây, tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được kiềm chế, kiểm soát, số vụ cháy, nổ giảm qua từng năm, trung bình khoảng 29%; nhận thức, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về PCCC&CNCH của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở và người dân ngày càng được nâng cao…

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, trong đó đặc biệt là việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị còn chưa chủ động, công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ chưa kịp thời nên hiệu quả thực hiện tại các cơ sở, nhất là cấp phường, xã, thị trấn, còn hạn chế, dẫn đến còn tình trạng chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở không chấp hành các quy định về PCCC…

Giám đốc Công an Hà Nội: Công tác phòng cháy chữa cháy phải lấy phòng ngừa làm trọng - Ảnh 3.

Toàn cảnh hội nghị

Việc xây dựng lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng và chuyên ngành chưa đảm bảo, hoạt động tại địa phương mang tính hình thức, tổ chức chữa cháy ban đầu còn lúng túng, kém hiệu quả, trang thiết bị còn yếu, đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy lớn.

Một số CBCS làm công tác chữa cháy và CNCH còn thiếu kinh nghiệm thực tế, mặt bằng chung về trình độ nghiệp vụ còn chưa cao. Công tác học tập, tập luyện chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, chưa làm chuyển biến rõ nét tính chuyên nghiệp và sự thành thục trong công tác chữa cháy và CNCH… làm ảnh hưởng đến hiệu quả chữa cháy.

Tại buổi làm việc, đã có ý kiến tham luận của các đơn vị: Cảnh sát PCCC&CNCH, Tài Chính, Hậu cần, Tổ chức cán bộ, CAQ Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, CAH Thạch Thất, CAP Điện Biên (quận Ba Đình), CAX Kim Chung (huyện Đông Anh), tập trung nêu lên những khó khăn liên quan đến công tác phòng ngừa, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và chế độ chính sách, hậu cần kỹ thuật cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy.

Giám đốc Công an Hà Nội: Công tác phòng cháy chữa cháy phải lấy phòng ngừa làm trọng - Ảnh 4.

Buổi làm việc cũng được triển khai trực tuyến tới 30 điểm cầu của Công an các quận, huyện, thị xã

Trên cơ sở lắng nghe những ý kiến của các đơn vị, kết luận tại buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội đã biểu dương, đánh giá cao những thành tích mà lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, CATP đã làm được trong thời gian qua, đồng thời khẳng định, sự hy sinh của 3 Liệt sĩ Đặng Anh Quân, Đỗ Đức Việt và Nguyễn Đình Phúc nói riêng, CBCS lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nói chung là của sự hy sinh cao cả, không tiếc thân mình, xả thân vì nhiệm vụ, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Đồng chí Giám đốc CATP đề nghị, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an thành phố Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lại những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là phân tích nguyên nhân của những tồn tại đó để xây dựng các chuyên đề, kế hoạch phù hợp, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng đơn vị nhằm khắc phục, thực hiện có hiệu quả công tác PCCC&CNCH trên toàn thành phố. Tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương, để huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phát huy vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân, có như vậy công tác PCCC&CNCH mới đạt hiệu quả cao nhất.

"Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH phải nhận thức rõ được những hậu quả do cháy, nổ gây ra. Trong công tác PCCC thì phải lấy phòng ngừa làm trọng. Nếu chúng ta điều tra cơ bản tốt, làm phòng ngừa tốt, quản lý nhà nước tốt thì hạn chế được việc chúng ta phải chữa cháy và những mất mát của chính chúng ta…" - đồng chí Giám đốc nhấn mạnh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày