Giải mã ĐT Croatia: Giả heo ăn thịt hổ

Hải Phong, Theo Đại Đoàn Kết 11:54 13/12/2022

Người Croatia vẫn khiêm tốn khẳng định hành trình World Cup hiện tại của họ vượt qua mong đợi, nhưng theo hãng phân tích dữ liệu Opta, “đừng nghe những gì Croatia nói”.

Croatia chỉ cần vượt qua một trận đấu nữa để góp mặt trong trận chung kết FIFA World Cup lần thứ hai liên tiếp, ở cuộc gặp Argentina rạng sáng mai (2h ngày 14/12). Dữ liệu về đội bóng này chứng tỏ họ đủ sức cạnh tranh với những ông lớn của bóng đá thế giới.

Giải mã ĐT Croatia: Giả heo ăn thịt hổ - Ảnh 1.

"Chân nhân bất lộ tướng" Croatia giờ đây không còn gây bất ngờ cho đối thủ. Tất cả đều coi họ là đội bóng mạnh, không thể chủ quan.

Croatia - "mãnh hổ" bóng đá châu Âu

Kể từ khi Croatia tái hội nhập bóng đá thế giới, được FIFA công nhận là thành viên vào tháng 7/1992, hiếm có quốc gia châu Âu nào tạo được nhiều điểm nhấn như họ. Đội bóng áo ca-rô chỉ mất 6 năm để tạo tiếng vang đầu tiên, giành vị trí thứ 3 ở World Cup 1998.

Trên thực tế, trong số 14 kỳ World Cup và Euro (Giải vô địch châu Âu) mà họ có thể tham gia kể từ năm 1996, Croatia chỉ dừng bước 2 lần ở vòng đấu loại, không thể đặt vé dự vòng chung kết (Euro 2000) và World Cup (2010).

Croatia là quốc gia đông dân thứ 30 ở châu Âu với hơn 4 triệu người. Nhưng họ có thể trở thành đội bóng lục địa già thứ tư lọt vào các trận chung kết World Cup liên tiếp sau Italy (1934, 1938), Hà Lan (1974, 1978) và Đức (1982, 1986, 1990).

Danh sách cầu thủ Croatia “xuất ngoại” đóng góp cho các CLB lớn nhất châu Âu trong 30 năm qua rất dài, gồm những tài năng hàng đầu như Davor Suker, Zvonimir Boban, Robert Prosinecki, Niko Kovac, Mario Mandzukic và tất nhiên, bộ đôi ngôi sao hiện tại Luka Modric và Ivan Perisic.

Giải mã ĐT Croatia: Giả heo ăn thịt hổ - Ảnh 2.

Đội hình giành vị trí thứ 3 tại World Cup 1998 của Croatia.

Ngoài một số ngôi sao trong đội hình, Croatia cũng rất thành thạo trong việc sử dụng công nghệ hiện đại để phân tích đối thủ, đồng thời cải thiện sức mạnh nội tại. Không dừng lại ở khai thác dữ liệu, Croatia còn dùng AI (trí tuệ nhân tạo) và công nghệ mô phỏng để đưa ra chiến thuật hợp lý nhất trước và trong mỗi trận đấu. Đó là sự khác biệt làm nên thành công của họ so với đa số đội bóng châu lục khác.

Phòng thủ là số 1, cắt đứt mối đe dọa của đối thủ

Croatia xây dựng chiến thuật kiểm soát, mấu chốt là hàng tiền vệ với Modric, Kovacic và Brozovic. Bộ ba này hoạt động không ngừng nghỉ, hỗ trợ tất cả các vị trí trên sân, từ hàng phòng ngự đến tấn công. Họ liên tục chia cắt đối thủ bằng những đường chuyền ngắn đầy ăn ý.

Hầu hết các số liệu thống kê hàng đầu của Croatia tại World Cup 2022 đều gắn với bộ ba trên. Brozovic dẫn đầu về chỉ số đường chuyền thành công (419), tham gia tấn công (22) và kiến tạo cơ hội từ tình huống bóng sống (5), sánh ngang Modric về khả năng đoạt lại bóng (39 lần); trong khi Kovacic có số lần tắc bóng thành công nhiều nhất (15).

Các tiền vệ cánh Perisic - Mario Pasalic chơi rất kỷ luật và hỗ trợ phòng ngự cho cặp hậu vệ Borna Sosa - Josip Juranovic. Điều này đã được chứng minh trước Brazil trong trận tứ kết, khi Sosa - Perisic chặn đứng Raphinha và Antony (vào sân ở phút 56) bên cánh trái. Juranovic - Pasalic không cho Vinicius Junior và Rodrygo có đủ khoảng trống hoạt động bên cánh phải.

Giải mã ĐT Croatia: Giả heo ăn thịt hổ - Ảnh 3.

Brozovic có mặt khắp trên sân trong trận gặp Brazil.

Một trong những thành công lớn của Croatia trong trận tứ kết với Brazil là dập tắt mối đe dọa từ Vinicius Junior, khi họ chặn các đường chuyền hướng tới cầu thủ 22 tuổi, buộc tài năng trẻ Real Madrid phải hoạt động ở những khu vực không phải sở trường vì “đói bóng”.

Vinicius chỉ nhận được 14 đường chuyền từ các đồng đội trong 64 phút thi đấu. 22 lần chạm bóng của anh diễn ra phần lớn ở khu vực giữa sân, gần vòng tròn trung tâm, thay vì sát biên như mong muốn. Điều này khiến Brazil mất đi nhân tố đột biến, kiến tạo cơ hội số 1 từ đầu giải.

Croatia nhận bàn thua từ Neymar ở hiệp phụ, sau cú sút trúng đích thứ 10 của Brazil. Thủ môn Dominik Livakovic lập kỷ lục khi cản phá thành công 10 cú sút trong 120 phút, khi siêu máy tính chỉ ra họ có thể thua trên 3 bàn.

4 năm trước, Messi đã bị Croatia phong tỏa, chỉ thực hiện được 1 cú sút trúng đích duy nhất suốt 90 phút. Đó là trận đấu huyền thoại sống Argentia chạm bóng ít nhất (49), chuyền ít nhất (24) tại giải đấu diễn ra ở Nga. Modric và Brozovic đều đá tiền vệ trung tâm trận đấu ấy, liệu họ có thể lặp lại điều tương tự?

Giải mã ĐT Croatia: Giả heo ăn thịt hổ - Ảnh 4.

Cuộc chạm trán giữa hai Quả bóng vàng World Cup gần đây nhất sẽ rất đáng xem.

Bậc thầy bám biên, tạt bóng

Croatia thường xuyên chuyền bóng ra biên và thực hiện những quả tạt. Trong số 32 đội dự World Cup 2022, chỉ Mexico (trung bình 19,7) thực hiện nhiều quả tạt trong 90 phút hơn Croatia (18,2); trong khi chỉ có Pháp (19) và Hàn Quốc (11) tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn hơn đội quân HLV Zlatko Dalic (10) theo cách này.

Ngược lại, lối chơi lấy Messi làm trung tâm khiến Argentina gần như không tổ chức lên bóng bên hai hành lang cánh. Họ thực hiện trung bình 8,8 lần tạt bóng vào vòng cấm mỗi trận, chưa bằng một nửa so với Croatia. Phần lớn số lần tạt bóng của Argentina diễn ra ở trận thua Saudi Arabia, và không một lần thành công.

Yếu tố kinh nghiệm

Không còn nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là kỳ World Cup cuối cùng của Modric, người chuẩn bị bước sang tuổi 38. Anh sẽ 41 tuổi khi World Cup 2026 tổ chức tại Bắc Mỹ. Tiền vệ Real Madrid đang “cháy” hết mình cho lần cuối đứng trên sân khấu bóng đá thế giới.

Giải mã ĐT Croatia: Giả heo ăn thịt hổ - Ảnh 5.

Modrić có nhiều lần tham dự World Cup nhất (17) và nhiều lần ra sân nhất tại các giải đấu lớn (30) cho Croatia. Anh đá chính cả 5 trận tại World Cup 2022 và có thể trở thành cầu thủ thứ 4 đá chính 6 trận tại World Cup ở độ tuổi 37 trở lên, sau Nilton Santos của Brazil năm 1962, Dino Zoff của Italy năm 1982 và Peter Shilton của Anh năm 1990.

Với đội hình xuất phát trung bình đã 29 tuổi 179 ngày cho đến nay tại Qatar 2022, Croatia có đội hình xuất phát trung bình già thứ ba tại giải đấu chỉ sau Bỉ (30 tuổi 273 ngày) và Costa Rica (30 tuổi 145 ngày). Trên thực tế, trong số bảy đội có đội hình xuất phát trung bình từ 29 tuổi trở lên, họ - cùng với Hàn Quốc - là hai đội duy nhất vượt qua vòng bảng.

Ngoài Modric, cặp trung vệ Dejan Lovren - Domagoj Vida, tiền vệ Ivan Perisic (cùng 33 tuổi), nhiều khả năng cũng đá kỳ World Cup cuối cùng. Tuy nhiên, Croatia đang sở hữu nhiều tài năng trẻ, có thể lấp đầy chỗ trống của các đàn anh, điển hình là hậu vệ 20 tuổi Josko Gvardiol, một trong những ngôi sao nổi bật nhất World Cup 2022.

Giải mã ĐT Croatia: Giả heo ăn thịt hổ - Ảnh 6.

Tính cả thời gian bù giờ và hiệp phụ, cầu thủ Croatia đã chơi nhiều phút nhất tại giải đấu này cho đến nay (556 phút, 57 giây), theo sát là Argentina với 550 phút 21 giây. Croatia đang giữ kỷ lục World Cup với 778 phút 42 giây năm 2018. Họ có thể phá kỷ lục này trong 2 trận đấu tới.

Ngôi sao loạt đá luân lưu

Với biệt danh “bậc thầy hiệp phụ và luân lưu” gần đây của Croatia, rất có thể trận bán kết với Argentina sẽ phải bước vào loạt sút luân lưu.

8/9 trận đấu loại trực tiếp gần đây ở World Cup và Euro của Croatia phải bước vào hiệp phụ, 4/6 trận knock-out World Cup gần đây của họ kết thúc trên chấm 11m. May mắn là Croatia luôn có những thủ môn xuất sắc.

Với pha cản phá cú sút của Rodrygo trong trận gặp Brazil cùng 3 tình huống cứu thua trước Nhật Bản ở vòng 1/8, Dominik Livakovic của Croatia trở thành thủ môn thứ ba cản phá 4 quả luân lưu tại một kỳ World Cup. Danijel Subasic (Croatia) năm 2018 và Sergio Goycochea (Argentina) năm 1990 là hai thủ môn từng sáng tạo kỳ tích tương tự.

Giải mã ĐT Croatia: Giả heo ăn thịt hổ - Ảnh 7.

Modric an ủi các cầu thủ Brazil sau trận đấu tứ kết.

Croatia đã thắng cả 4 loạt sút luân lưu tại các giải đấu World Cup, lần lượt loại Nhật Bản và Brazil ở vòng 16 đội và tứ kết World Cup 2022. Nhưng đối thủ của họ, cũng là bậc thầy đá luân lưu.

Argentina đã có 5 lần thắng sau loạt sút luân lưu qua các kỳ World Cup. Sẽ rất thú vị nếu đội bóng số 1 và số 2 ở thành tích này kéo nhau vào màn “đấu súng” cân não rạng sáng mai.