Giấc mơ World Cup hiện thực không xa?

Thanh Hải, Theo Tiền Phong 10:03 03/08/2022

Vòng loại World Cup 2026 sẽ bắt đầu vào cuối năm sau, với 47 quốc gia châu Á tranh 8,5 suất. Cơ hội là rất lớn, và Việt Nam có thể tham gia vào bữa tiệc bóng đá lớn nhất hành tinh?

World Cup 2026 được mở rộng thành 48 đội và châu Á sẽ có 8,5 suất, theo cách tính đơn giản, nhân đôi số vé đồng nghĩa với việc nhân đôi cơ hội, từ 9,7% tăng thành 18% khả năng thành công cho mỗi đội. Viễn cảnh Việt Nam lần đầu tiên tham dự ngày hội bóng đá thế giới đủ khiến cho tất cả phấn khích.

Sau các bài học tích lũy được ở vòng loại World Cup 2022, những trận đấu ở Asian Cup 2023 sắp tới cũng giúp ĐT Việt Nam gia tăng kinh nghiệm, tôi luyện bản lĩnh để sẵn sàng cho cuộc phiêu lưu lịch sử. Một kế hoạch chi tiết, chiến lược hợp lý, sự ủng hộ từ người hâm mộ, tinh thần đoàn kết và khát khao của các tuyển thủ, tất cả có thể dẫn tới thành công.

Mặc dù vậy, những gì đã xảy ra ở vòng loại World Cup 2022 nhắc nhở chúng ta rằng đó là một hành trình vô cùng gian nan.

Giấc mơ World Cup hiện thực không xa? - Ảnh 1.

ĐT Việt Nam trong chiến thắng 3-0 trước Trung Quốc ở vòng loại World Cup 2022 Ảnh: CTV

Trong thế kỷ 21, trải qua 6 kỳ World Cup, châu Á không giới thiệu bất cứ quốc gia mới nào ngoại trừ Trung Quốc năm 2002 (Australia từng dự World Cup trước khi gia nhập AFC). Bóng đá ở châu lục lớn nhất hành tinh vận hành khá đơn giản. Vòng loại luôn kết thúc với tấm vé World Cup thuộc về 5 ông lớn gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran và Australia. Sẽ không ngạc nhiên khi nhóm đại gia này, với đẳng cấp vượt trội, tiếp tục chiếm lĩnh 5 tấm vé đến Bắc Mỹ vào năm 2026.

Tuy nhiên, tin tốt là phần còn lại của châu Á có sức mạnh khá đồng đều. Bằng chứng là Việt Nam từng dẫn 2 bàn trước khi bị ngược dòng vào phút cuối trong trận đấu với Iraq ở Asian Cup 2019, đánh bại Trung Quốc, UAE và tạo nên không ít màn trình diễn tốt ở vòng loại World Cup 2022. Nhược điểm lớn nhất của chúng ta là kinh nghiệm. Nhưng nó không thành vấn đề khi bước vào chiến dịch vòng loại World Cup 2026 (vòng hai khởi tranh từ tháng 11/2023).

BXH FIFA sẽ thay đổi, nhất là sau Asian Cup 2023, nhưng giả sử vẫn giữ được vị trí thứ 17 khu vực châu Á, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm hạt giống số 2 khi bốc thăm vòng loại thứ hai World Cup 2026. Việc chia làm 9 bảng 4 đội đồng nghĩa các đội mạnh nhất sẽ được phân bổ rải rác và nhiệm vụ giành lấy 2 vị trí dẫn đầu không phải quá khó khăn.

Mọi thứ chỉ trở nên phức tạp ở vòng loại thứ ba (bắt đầu từ tháng 9/2024), với 18 đội chia làm 3 bảng 6 đội. Thế nhưng so với hình thức 12 đội chia làm 2 bảng 6 đội trước đây, nó vẫn dễ chịu hơn nhiều. Ví dụ, chúng ta có thể rơi vào bảng đấu gồm Iran, Qatar, Oman, Uzbekistan và Palestine.

Hơn nữa, ngay cả khi không thể cạnh tranh hai vị trí đầu bảng Việt Nam vẫn còn nguyên cơ hội nếu cán đích ở vị trí thứ 3 hoặc 4. Khi ấy, chúng ta sẽ tiến vào vòng 4, cùng với 5 đội khác tạo thành 2 bảng 3 đội để tranh 2 tấm vé chính thức còn lại. Nếu cạnh tranh trong bảng đấu có Bahrain và Jordan, nhiệm vụ chiếm ngôi đầu không phải bất khả thi. Trong trường hợp thất bại nhưng nhì bảng, hy vọng chưa hết bởi vẫn còn trận tranh suất play-off liên lục địa đang chờ đợi.

Cơ hội là rất lớn, song yếu tố tiên quyết vẫn nằm ở chúng ta. May mắn là Việt Nam đang sở hữu dàn cầu thủ ở độ tuổi đẹp nhất. 23 cầu thủ ở lần triệu tập gần nhất có độ tuổi bình quân 26, phù hợp để chinh chiến ở vòng loại World Cup 2026.

Trong nỗ lực làm mới đội tuyển, HLV Park Hang-seo đã bổ sung một vài nhân tố mới gây ấn tượng mạnh như Adriano Schmidt, Phạm Tuấn Hải. Ngoài ra chúng ta còn có lứa U23 tài năng, với Phan Tuấn Tài, Bùi Hoàng Việt Anh, Nhâm Mạnh Dũng. Kết hợp với các trụ cột gồm Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Đỗ Duy Mạnh, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Hoàng Đức cùng Nguyễn Quang Hải được cọ xát ở trời Âu, Những chiến binh Sao Vàng đang là một đội ngũ chất lượng và đầy cạnh tranh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày