Gen Z mang cơm đi làm: Cần biết gì để thoát cảnh năng nổ được vài ngày là cất hộp cơm vào một góc?

Diệu Minh - Thiết kế: Nguyễn Minh Trang, Theo Trí Thức Trẻ 09:16 25/05/2022

Mang cơm trưa đi làm với Gen Z mà nói là cả 1 sự cố gắng và nỗ lực, nếu không có sự chuẩn bị kỹ thì rất dễ bỏ cuộc.

Chỉ có các chị đã có gia đình thì mới mang cơm hộp đi làm!

Gen Z lại chứng minh rằng nhận định đó ngày càng sai. Bạn trẻ hiện nay đã và đang coi việc chuẩn bị cơm đi làm như là một thói quen thường nhật. Nguyên nhân chính giúp nhiều bạn có động lực dậy sớm, nấu nướng và trang trí cơm hộp không chỉ gói gọn trong mục tiêu tiết kiệm mà còn hàm chứa những câu chuyện thú vị sau đó.

Gen Z nấu cơm hộp mang đi làm chưa hẳn vì tiết kiệm

Mai Anh (23 tuổi), hiện đang đảm nhận vị trí nhân viên Marketing của một công ty tại thành phố Hồ Chí Minh. Cô bạn luôn tin rằng điều đầu tiên để cuộc sống trở nên hạnh phúc là phải biết cách chăm sóc và yêu bản thân. Chính vì vậy, mỗi ngày cô thường dậy lúc 6 giờ, tự chuẩn bị đồ ăn sáng và trưa mang đi làm. Có ngày thì nấu cơm, có ngày thì mì Ý. Liên tục thay đổi đa dạng món từ Việt sang Âu nhưng vẫn giữ thói quen ăn nhiều rau củ. Bởi vậy, giờ trưa tại văn phòng cũng có không ít chị em hỏi thăm và quan tâm xem hôm nay thực đơn của Mai Anh có gì. Văn phòng của Mai Anh giờ trưa luôn rôm rả như vậy.

Gen Z nấu cơm trưa mang đi làm: Cần biết những gì để thoát cảnh 3 bữa là chán?  - Ảnh 1.

Đối với Mai Anh, mặc dù sống một mình thì nấu ăn cũng không tiết kiệm là bao có khi lại chiếm phần lớn chi tiêu của tháng. Nhưng quan trọng là niềm vui đi làm mỗi ngày đến từ những việc nhỏ nhặt như được chăm sóc bản thân bằng những món ăn ngon mình nấu!

Gen Z nấu cơm trưa mang đi làm: Cần biết những gì để thoát cảnh 3 bữa là chán?  - Ảnh 2.

Một lý do thú vị khác khiến các bạn Gen Z chăm chỉ mang cơm hộp đến văn phòng hơn, đó là vì được người yêu chuẩn bị cho. Diệu Trân (21 tuổi) là một kiểm toán của công ty tài chính. Ngày thường thì Trân vẫn nấu cơm tại nhà để mang theo đi làm. Thỉnh thoảng vì lười và chán cơm nhà nên Trân cũng hay đặt ứng dụng đồ ăn giao tới công ty.

Ấy thế mà từ ngày có người yêu, mục đích nấu cơm trưa cũng dần thay đổi. Người yêu của Trân làm cùng công ty, nếu lúc trước là chuẩn bị cơm hộp vì an toàn và tiết kiệm thì giờ còn giúp hai bạn thể hiện tình cảm với đối phương. Hai bạn thường phân công ngày chẳng Trân nấu và ngày lẻ người yêu nấu. Nhờ vậy, giờ trưa tại công ty không những đong đầy tiếng cười, sự ấm áp mà còn giúp hai bạn hiểu nhau hơn!

Gen Z nấu cơm trưa mang đi làm: Cần biết những gì để thoát cảnh 3 bữa là chán?  - Ảnh 3.

Nấu cơm cũng là cách học cách chi tiêu và quản lý cuộc sống

Là con trai trưởng trong nhà nên từ nhỏ Trọng Anh (22 tuổi) đã được ba mẹ dạy cách sống tự lập và chi tiêu tài chính hiệu quả. Từ ngày lên đại học, Trọng Anh càng chứng tỏ thực lực của mình qua điểm số cao và nhận được offer công việc từ một công ty đa quốc gia tại Hồ Chí Minh. Mặc dù mức lương dư dả cho sinh viên mới ra trường, Trọng Anh vẫn luôn giữ thói quen làm lụng bao nhiêu thì tiết kiệm bấy nhiêu. Để nâng mức tiết kiệm và giảm chi phí sinh hoạt hàng tháng thì cậu bạn luôn lựa chọn nấu cơm nhà để mang đến công ty. Trọng Anh thường đi siêu thị vào chủ nhật cuối tuần để mua thức ăn cho cả tuần sau đó! Món ăn của một cậu con trai thì cũng không có gì cầu kỳ, cậu bạn chỉ nấu một món xào, cơm và rau củ như hồi trước mẹ hay chỉ.

Gen Z nấu cơm trưa mang đi làm: Cần biết những gì để thoát cảnh 3 bữa là chán?  - Ảnh 4.

Có lần Trọng Anh cần đổi điện thoại để phục vụ cho công việc tốt hơn. Chỉ sau 5 tháng là cậu bạn đã có đủ khả năng tài chính để mua điện thoại và dư thêm một khoản để tiết kiệm. Tất cả là nhờ thói quen ăn cơm nhà của Trọng Anh - một Gen Z rất biết cách chi tiêu và quản lý cuộc sống của chính mình!

Cái giá của cơm nhà!

Nghe qua thì tưởng chừng hành động mang cơm đi làm rất đơn giản nhưng sự thật thì việc này cũng đem lại không ít bất tiện.

Tuy Mai Anh có được niềm vui khi thưởng thức bữa trưa do chính tay mình nấu, cô vẫn phải dậy sớm mỗi ngày để chuẩn bị. Nếu ngày nào khỏe thì không nói, còn những ngày làm việc khuya mà phải dậy sớm thì chẳng khác nào là cực hình. Nhưng nếu không nấu ăn thì nguyên liệu đã mua trước đó sẽ bị dư ra và hết hạn. Đây là một sự lãng phí mà Mai Anh cũng hay đau đầu tìm cách giải quyết. Bên cạnh đó, do ở một mình nên việc nấu ăn tại nhà sẽ không tiết kiệm như mọi người thường nghĩ. Nào là chi phí tiền điện, nước để nấu nướng, lau dọn rồi chi phí mua nguyên liệu tươi ngon đáp ứng yêu cầu ăn uống lành mạnh. So ra với những gia đình đông người, thì những vấn đề này vẫn tốn kém hơn.

Gen Z nấu cơm trưa mang đi làm: Cần biết những gì để thoát cảnh 3 bữa là chán?  - Ảnh 5.

Chưa kể đến Diệu Trân. Mặc dù phân chia ngày chuẩn bị cơm trưa đi làm với người yêu có thể giúp giảm thiểu việc lười nấu nướng và bỏ bữa nhưng khi có thêm một người nữa ăn cùng lại là một câu chuyện khác. “Khẩu vị người yêu mình cũng chưa chắc giống mình, thời gian đầu cũng có không ít lần tụi mình tranh cãi về cách nêm nếm. Thậm chí có hôm mình thèm món này mà người yêu mình lại thèm món khác”, Trân chia sẻ.

Còn đối với Trọng Anh, tuy việc nấu cơm nhà giúp cậu có một khoản tiết kiệm kha khá. Thế nhưng, khi tiết kiệm được rồi thì lại muốn đầu tư chỗ này chỗ kia và thời gian trở nên eo hẹp hơn. Có tuần Trọng Anh bận suốt và phải ăn ngoài. Với một người đã quen với việc ăn cơm nhà và tự do chế biến theo sở thích mà nay lại phải ăn ngoài liên tục như vầy khiến cậu bạn cảm thấy sức khỏe của mình có phần giảm sút.

Là một Gen Z và cũng muốn mang cơm nhà đi làm, cần biết những gì?

Từ thực tế trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng ngày càng nhiều bạn Gen Z yêu thích và lựa chọn mang cơm hộp đi làm thay vì ăn ngoài. Nhìn chung, hành động này đều mang đến những thay đổi tích cực về sức khỏe nhưng cũng có vài điểm bất tiện cần lưu ý. Vì vậy, trước khi bắt đầu thói quen này, chúng ta cần lưu ý một vài lời khuyên sau:

Đầu tiên là xác định khẩu phần ăn phù hợp cho cơ thể. Theo khuyến nghị được gợi ý từ TS. Susan Bowerman, Giám đốc bộ phận đào tạo dinh dưỡng toàn cầu của Herbalife, mỗi người đều có nhu cầu dinh dưỡng riêng tùy theo sinh lý cơ thể. Do đó ông đã gợi ý những chế độ dinh dưỡng theo bảng màu. Căn cứ vào chiều cao, cân nặng, giới tính mỗi người mà có bảng màu tương ứng (tím, xanh lá, cam, xanh da trời). Nhờ đó mà bạn sẽ tìm được cho mình lượng calo phù hợp trong thực đơn 1 ngày với nhu cầu giảm cân, tăng cân hoặc duy trì tình trạng dinh dưỡng.

Gen Z nấu cơm trưa mang đi làm: Cần biết những gì để thoát cảnh 3 bữa là chán?  - Ảnh 6.

Sau đó là liệt kê những mục tiêu cụ thể mà bạn mong muốn từ việc mang cơm đi làm. Có thể là tiết kiệm chi tiêu để đầu tư cho tương lai, theo đuổi lối sống lành mạnh hoặc cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp. Nhờ vậy, bạn sẽ có thêm nhiều động lực hơn để tập dậy sớm và chuẩn bị cơm mang theo.

Tạm kết

Cùng chung một hành động là mang cơm hộp đi làm, mỗi bạn Gen Z đều có những câu chuyện và mục tiêu khác nhau. Hãy xem xét kỹ lưỡng tất cả điều kiện và tiêu chí nấu ăn của cá nhân bạn trước khi muốn bắt đầu né!

https://kenh14.vn/gen-z-mang-com-di-lam-can-biet-gi-de-thoat-canh-nang-no-duoc-vai-ngay-la-cat-hop-com-vao-mot-goc-20220524214003892.chn