Gặp thầy hiệu trưởng kêu gọi tặng phong bì ngày 20/11 thay cho hoa và quà: "Phong bì không có lỗi, lỗi ở người dùng"

Minh Nhân - Ảnh: Việt Anh - Thiết kế: Bi, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 21/11/2018

"Đa số những ai khi xác định theo nghề giáo viên thì trong tâm tư, tình cảm của họ, chả ai xác định làm giáo viên là giàu cả. Nghề giáo viên trong mắt xã hội ngày càng trở nên chán nản, thì mình càng thương những người đồng nghiệp của mình ở vùng cao. Họ vất vả lắm!" - thầy Đào Tuấn Đạt tâm sự.

Cách đây một tuần, thầy Đào Tuấn Đạt – Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh Hà Nội khiến nhiều người bất ngờ khi đăng tải lên trang cá nhân thông điệp: "Đừng tặng hoa, đừng tặng quà mà hãy tặng chúng tôi thật nhiều phong bì nhân ngày 20/11!". Thầy muốn nhân dịp này, dùng toàn bộ số tiền trao tặng, cùng với số tiền gây quỹ được bằng cách dạy thêm, bán hàng, lau nhà, dọn cửa hàng, hát ở bờ hồ... để mua chăn tặng các thầy cô giáo và các em học sinh ở trường Tiểu học xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. 

3h sáng 19/11, đoàn từ thiện của trường THPT Anhxtanh Hà Nội đã lên đường tới Mường Lát. Họ mang trên mình tình cảm của tập thể giáo viên, phụ huynh, học sinh, mạnh thường quân tới các thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên và các em học sinh tại 7 điểm trường Tiểu học Pù Nhi.

Thầy Đào Tuấn Đạt tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1993. Thầy vừa là giảng viên ĐH Bách khoa, vừa là hiệu trưởng THPT Anhxtanh. Thầy từng được biết đến là một nhà giáo tinh nghịch, với những đề thi không giống ai. Thầy còn có biệt tài nhớ được tên 100% học sinh trong trường và từng tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện khác.

Sáng 19/11, chúng tôi hẹn gặp thầy Đạt tại ngôi trường nhỏ xinh nằm nép mình trên phố Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Thầy hiệu trưởng cho hay, trường THPT Anhxtanh sắp chuyển đến một cơ ngơi mới rộng hơn, khang trang hơn, đủ khuôn viên cho học sinh thỏa sức vui chơi và học tập. Trong tâm lý chờ đợi đoàn từ thiện đến Mường Lát và quay về ngay trong ngày, thầy Đạt có chút không yên tâm. 

Gặp thầy hiệu trưởng kêu gọi tặng phong bì ngày 20/11 thay cho hoa và quà: Phong bì không có lỗi, lỗi ở người dùng - Ảnh 1.

Thầy Đào Tuấn Đạt (SN 1971) - Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh Hà Nội.

Phong bì không có lỗi, lỗi ở người dùng

Chuyện tặng "phong bì" vốn là vấn đề nhạy cảm và tế nhị không chỉ ở ngành Giáo dục mà tất cả các ngành nghề khác, vì sao thầy lại chọn lời kêu gọi "Hãy tặng chúng tôi nhiều phong bì nhân ngày 20/11!" dù biết có thể gây ra sự hiểu lầm trong dư luận?

Từ trước đến nay, vấn đề tặng phong bì nhân ngày Nhà giáo Việt Nam vẫn luôn là chuyện tế nhị và gây ít nhiều tranh cãi trong xã hội. Có những món quà khi nhận thấy rất vui vẻ, nhưng cũng có món quà nhận rồi lại giống như món nợ. Nếu mọi người để ý chữ "phong bì", mình đã để trong ngoặc kép và việc phong bì đó để làm gì mới là điều quan trọng. 

Với những cá nhân đọc hời hợt và lên tiếng chỉ trích, mình không phải giải thích với họ. Cứ để mọi người bảo mình là "thế nọ thế kia". Mình chỉ nghĩ mình làm công việc ấy, đem tình cảm của mình tới đồng nghiệp và học sinh vùng cao. Thực ra nếu để ý thì bạn bè đều quen với lối "hành văn" của mình. Phong bì có gì đâu, cũng chỉ là một thứ quà tặng. Quan trọng là ở hai đầu phong bì ấy, là mối quan hệ giữa người tặng và người được tặng.

Người tặng vì những lý do tốt đẹp, không vụ lợi, không mục đích nào khác thì có sao đâu. Bạn tặng tiền cho bạn bè, cho bố mẹ cũng là chuyện bình thường. Còn phía người nhận phong bì, họ phải xem mình có hoàn toàn thấy vui khi nhận hay không. Nếu không vui họ có thể từ chối, chả ai bắt nhận cả.

Nhiều người hay đánh đồng tặng phong bì là đút lót, vấn đề nó là mục tiêu của cái gì thôi. Phong bì không có lỗi, lỗi là do người dùng. Mình có giải thích ở dưới lời kêu gọi là mình dùng "phong bì" để làm gì. Sao lại có thầy giáo nào nói phụ huynh, học sinh tặng mình phong bì. Còn chuyện người ngoài đọc status rồi chém gió thì mình không quan tâm. Mình cứ làm những việc mình cho là đúng thôi, những người không làm mà hay nói thì kệ họ. Mình không đặt ra vấn đề họ hiểu sai về mình, mà họ hiểu sai cũng chẳng sao, đấy là việc của họ. Mình tin số ấy ít lắm, vì bạn bè, học sinh nhiều thế hệ đều hiểu và tự giải thích với mọi người hộ mình.

Gặp thầy hiệu trưởng kêu gọi tặng phong bì ngày 20/11 thay cho hoa và quà: Phong bì không có lỗi, lỗi ở người dùng - Ảnh 2.

Đa số những ai khi xác định theo nghề giáo viên thì trong tâm tư, tình cảm của họ luôn biết làm giáo viên không thể giàu được. Tại sao nghề giáo trong mắt xã hội ngày càng trở nên chán nản, mình càng thương những người đồng nghiệp của mình ở vùng cao. Họ vất vả lắm!

Nếu mình có giải thích, nhiều người không hiểu và họ cũng không muốn hiểu. Trên mạng xã hội như nào các bạn đều hiểu mà. Ai cũng có cuộc sống người đấy, hãy sống cách của mình sao cho cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ nhất.

Gặp thầy hiệu trưởng kêu gọi tặng phong bì ngày 20/11 thay cho hoa và quà: Phong bì không có lỗi, lỗi ở người dùng - Ảnh 3.

Thầy bắt đầu kêu gọi ủng hộ tiền cho hoạt động thiện nguyện lần này từ thời điểm nào? Trước đó nhà trường có phát động phong trào nào tương tự không và sự hưởng ứng cũng như hiệu quả sau chương trình ra sao?

Thực ra các kế hoạch, ý tưởng đã được chuẩn bị từ 6 tháng tới một năm. Bọn mình tìm hiểu từ trước, rồi mới có mục tiêu là cần bao nhiêu tiền để kêu gọi. Lâu lâu mình nghĩ cố gắng tặng chăn ấm cho học sinh miền núi, tặng đâu thì chưa biết nhưng trong đầu cứ nghĩ thế. Bởi lẽ chăn lúc nào cũng vừa với mọi người, quần áo mình không hiểu như nào là tốt nhất, như nào là vừa, màu sắc có hợp với văn hoá các bạn ấy không, các bạn ấy mặc có thoải mái không. Mình nghĩ chăn không bao giờ là thừa cả.

Năm 2014, bọn mình đã phát động phong trào "20/11 đừng tặng chúng tôi phong bì, hãy tặng chúng tôi gạo". Mình thay tất cả các thứ khác bằng gạo. Một phần bọn mình chuyển gạo cho Hội Từ Thiện Thật để họ mang tới những nơi khó khăn. Phần còn lại bọn mình mang đến trường THCS Tà Làng ở Sơn La cho các em học sinh nội trú. 

Những chiếc chăn ấm đến tay các em học sinh vùng cao ở Mường Lát. Ảnh: FBNV

Bây giờ tặng chăn thì chẳng qua tiền chuyển sang chăn, vì kêu gọi tặng chăn mọi người sẽ mang đến đủ loại "lung ta lung tung" nên bắt buộc phải có "trung chuyển". Từ tiền bọn mình đi mua chăn thì nó mới đồng bộ và đẹp. Còn gạo thì lại là chuyện khác. Tại sao bọn mình không nhận tiền để chuyển thành gạo? Là vì học sinh phải mang gạo đến trường, chính tay các em tự múc bát gạo cho vào túi nilon, rồi gửi gắm tình cảm qua những bức thư chuyển lên Sơn La. Mình có thể đơn giản, nhưng đem lại bữa cơm ấm lòng cho những người khó khăn là điều tốt đẹp. Học sinh từ đó ý thức được hạt gạo nó quý giá thế nào và việc bố mẹ các em đi kiếm từng hạt gạo, từng đồng tiền rất khó khăn. 

Hiện tại sau một tuần gây quỹ, đoàn từ thiện của trường mang lên Mường Lát hành trang gồm những gì?

Mường Lát cách Hà Nội khoảng 250 km. Sáng sớm 19/11, xe tải chở 656 chiếc chăn dành tặng các em học sinh và các thầy cô trường Tiểu học Pù Nhi đã bắt đầu chuyển bánh từ Anhxtanh. Trường Tiểu học Pù Nhi có tổng cộng 7 điểm trường, học sinh chủ yếu là dân tộc Dao, Mông, Mường, Thái. Điểm trường ít nhất có 8 học sinh, điểm trường nhiều nhất 216 em.

Trước khi tới Pù Nhi, thầy và các đồng nghiệp đã khảo sát trước địa bàn và tình hình?

Bọn mình không cần phải đi tiền trạm trước, thay vào đó là điều tra kĩ qua Hội chữ thập đỏ, qua Phòng Giáo dục để biết tình hình trường và học sinh. Họ gợi ý cho mình nên quan tâm chỗ nào rồi sau đó mình kết nối với Ban giám hiệu và giáo viên. Miền núi thì hoàn cảnh không thể nào tốt rồi. Món quà tuy nhỏ nhưng là sự động viên tinh thần, sự quan tâm đến nhau, không nặng giá trị vật chất.

Ở miền núi, các em đến trường đã là một điều quá may mắn. Học được thì mới có thể thay đổi tương lai.

Gặp thầy hiệu trưởng kêu gọi tặng phong bì ngày 20/11 thay cho hoa và quà: Phong bì không có lỗi, lỗi ở người dùng - Ảnh 5.

"Chỉ hy vọng học sinh vui và thích đến trường là được!"

Theo thầy, học sinh tại Anhxtanh sẽ học được những gì từ câu chuyện mang tên hành trình Mường Lát?

Nếu để mắt dõi theo đường biên giới, bạn không hình dung nổi mảnh đất lồi về phía Tây sang bên nước bạn Lào kia là huyện Mường Lát của tỉnh Thanh Hoá. Bản thân mình trước đây cũng không quan tâm. Nhưng sau câu chuyện này, học sinh sẽ biết, "À Mường Lát là vùng đất như thế!". Đấy là bài học về địa lý rất tốt mà các em chả bao giờ quên. Rồi sau này, người ta nhớ đến Mường Lát, một là Quang Dũng viết bài thơ Tây Tiến, hai là nó chính là đường biên sang Lào, tự nhiên học sinh biết đến, rất là hay. Ngoài hoạt động thiện nguyện ra còn có ý nghĩa giáo dục, ý thức chủ quyền. 

Hơn nữa, việc học sinh tổ chức hoạt động rồi hăng hái nhiệt tình tiến hành là cách để các em tự làm nên câu chuyện của chính mình. Giáo dục phải qua những dự án như vậy. Ở Anhxtanh, thầy cô bắt tay vào làm với học sinh, không có kiểu chỉ đạo. 

Gặp thầy hiệu trưởng kêu gọi tặng phong bì ngày 20/11 thay cho hoa và quà: Phong bì không có lỗi, lỗi ở người dùng - Ảnh 6.

Thế còn phụ huynh, họ phản ứng như nào về lời kêu gọi của thầy?

Phụ huynh phải biết đó là việc tốt. Nếu mình là phụ huynh, nghe con mình bảo phải đi ăn mày để quyên góp cho người khác, mình cũng thấy bình thường. Phụ huynh như thế mới giáo dục được con. 

Có dịp mình sang Singapore. Mùa hè, các bạn học sinh mặc quần áo lịch sự, mỗi bạn có 1 cái ống bơ, cùng nhau ra siêu thị chờ xin 1 đồng tiền lẻ để làm từ thiện. Mình thấy sau những hoạt động như thế này, học sinh sẽ càng trân trọng những gì mình có.

Gặp thầy hiệu trưởng kêu gọi tặng phong bì ngày 20/11 thay cho hoa và quà: Phong bì không có lỗi, lỗi ở người dùng - Ảnh 7.

Vậy chương trình thiện nguyện sắp tới sau câu chuyện "phong bì" tại trường sẽ là gì?

Bọn mình tạm nghỉ một thời gian ngắn để chuyển trường sang cơ sở mới. Sau đấy bọn mình tiếp tục âm thầm làm từ thiện, chủ yếu đến Viện Nhi Trung ương để trao tặng những số tiền quyên góp. Bọn mình cứ làm, bao năm nay, như là "khách quen" của Viện Nhi rồi.

Thầy có thể nói một chút về triết lý học và sống tại Anhxtanh?

Học sinh tại Anhxtanh sống với nhau như một gia đình. Các em sống thực tâm, không diễn gì cả. Mệt thì nói mệt, chán thì nói chán, luôn luôn thể hiện tình cảm chân thành.

Học thì chả bao giờ bọn mình khen học sinh giỏi đâu. Bởi vì học là nhiệm vụ của các bạn. Bố mẹ cho các em đi học, đó là nghĩa vụ. Không có gì để khen chuyện đấy cả. Bọn mình chỉ khen những em học sinh khó khăn có tiến bộ vượt bậc. 

Gặp thầy hiệu trưởng kêu gọi tặng phong bì ngày 20/11 thay cho hoa và quà: Phong bì không có lỗi, lỗi ở người dùng - Ảnh 8.

Slogan của Anhxtanh, là tương lai do chúng ta dựng nên. Nghĩa là bạn xác định tương lai thuộc về bạn, bạn phải hành động chứ bạn không được trông chờ vào người khác. Bạn phải chủ động trong mọi việc, bạn phải học một cách trách nhiệm nhất. 

20/11 ở Anhxtanh có gì đặc biệt so với các trường khác?

Ngày 20/11, trường đóng cửa, nghỉ học một ngày để các bạn học sinh về thăm thầy giáo cũ. Bọn mình cũng nghỉ ngơi, có thời gian tiếp học sinh, đi thăm giáo viên cũ. Anhxtanh không bao giờ có mít-tinh nào hết trong trường.

Bao năm làm nghề, mình chỉ hy vọng làm sao học sinh vui và thích đến trường là được. Còn nếu đi học về mà không biết ngày hôm đó trải qua ở trường như nào, thì coi như là thất bại rồi.

Gặp thầy hiệu trưởng kêu gọi tặng phong bì ngày 20/11 thay cho hoa và quà: Phong bì không có lỗi, lỗi ở người dùng - Ảnh 9.

Xin cảm ơn thầy Đào Tuấn Đạ về buổi trò chuyện ngày hôm nay!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày