Gần 53.000 người nhiễm HIV tại TP.HCM, xu hướng lây nhiễm qua đường tình dục gia tăng

Phạm Trang (t/h), Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 10:00 01/12/2024
Chia sẻ

Tính đến tháng 9, TPHCM có gần 53 nghìn trường hợp nhiễm HIV được quản lý, 100% phường, xã, thị trấn ở các quận huyện đều báo cáo có người mắc bệnh.

Theo thông tin từ Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam,TP.HCM quản lý gần 53.000 bệnh nhân HIV, trong đó có 48.741 người đang điều trị thuốc kháng vi rút HIV. Xu hướng lây nhiễm bệnh qua đường tình dục đang tăng những năm gần đây, vượt qua lây nhiễm đường máu. Đây là thông tin được Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ ngày 30/12, tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12).

Theo thống kê, 100% quận, huyện, thành phố, phường, xã, thị trấn trên địa bàn đều có người nhiễm HIV. HIV trẻ hóa, tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Trong đó tỉ lệ hiện nhiễm HIV trên nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam là 12,3%. Nhóm phụ nữ mại dâm là 3%. Tỉ lệ nhiễm của nhóm nghiện chích ma túy trên 11%.

Gần 53.000 người nhiễm HIV tại TP.HCM, xu hướng lây nhiễm qua đường tình dục gia tăng- Ảnh 1.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu tại lễ mít tinh ngày 30/11. (Ảnh: Song Khuê/ Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam).

Cũng liên quan đến vấn đề này, báo Công an TP.HCM cho biết, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành “Mục tiêu 95” gồm có 95% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Đồng thời nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để tiến tới không còn người nhiễm HIV mới, chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn TP từng bước được kiểm soát, số người nhiễm HIV mới, số trường hợp chuyến sang AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS hàng năm liên tục giảm. Tính đến cuối tháng 9/2024, với Mục tiêu thứ nhất (95% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của họ), TP đạt 93,5%, Mục tiêu thứ hai (95% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được duy trì điều trị ARV liên tục), TP đạt 92,8%, và Mục tiêu thứ ba (95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định), TP đạt 98%.

Gần 53.000 người nhiễm HIV tại TP.HCM, xu hướng lây nhiễm qua đường tình dục gia tăng- Ảnh 2.

Xe của các quận, huyện diễu hành tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, sáng 30/11. Ảnh: Song Khuê

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế TP cũng cho biết tình hình dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm nhiều nhất ở nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới), HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đông đáng quan tâm. “Trong bối cảnh nguồn lực quốc tế tài trợ cắt giảm thì việc giữ vững thành quả phòng, chống HIV/AIDS trong những năm qua, cũng như hoàn thành “Mục tiêu 95 - 95 – 95” vào năm 2025 hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là một thách thức lớn đối với TP.HCM”, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ.

“Cuộc chiến” phòng, chống HIV/AIDS vẫn luôn là “cuộc chiến” khó khăn và đầy thử thách. Để đạt mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 và hướng đến kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, TP.HCM xác định từ các cấp chính quyền đến mỗi người dân phải cùng hành động. Chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” nhằm tiếp tục thúc đẩy sự tham gia, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Góp phần đảm bảo mọi người dân, bao gồm cả các nhóm nguy cơ cao, đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng và bình đẳng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày