Elon Musk: Đừng cố gắng trở thành lãnh đạo chỉ vì lợi ích mà vị trí đó mang đến

Tấn Đạt, Theo NĐH 08:34 16/07/2022

Elon Musk khuyên những người trẻ không nên chọn nghề nghiệp dựa trên việc nó có thể khiến họ nổi tiếng hay không. Gần đây, Musk dường như có vẻ “xa rời” với lời khuyên của chính mình: Doanh nhân và tỷ phú công nghệ hàng đầu thành lập nhiều công ty và tự mình là CEO.

Khi không nói về sứ mệnh lên sao Hỏa, xe tự lái và quyền tự do ngôn luận trên Twitter, Elon Musk có một số lời khuyên nghề nghiệp thực tế đáng ngạc nhiên dành cho những người trẻ tuổi.

Trong một tập phát sóng vào tháng 12/2021 của "Lex Fridman Podcast", do nhà khoa học máy tính Lex Fridman của MIT tổ chức, Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX đã khuyến nghị người trẻ tuổi không bao giờ nên chọn một nghề nghiệp dựa trên việc nó có thể khiến họ nổi tiếng hay không. Thay vào đó, ông nói, hãy tập trung vào một thứ đơn giản hơn nhiều: Tìm một công việc mà bạn giỏi và phù hợp với những kỹ năng bạn đã tích luỹ được theo thời gian.

"Đừng cố gắng trở thành lãnh đạo chỉ vì những lợi ích mà vị trí đó mang đến", tỷ phú gốc Nam Phi nói: "Trong thực tế, có rất nhiều người mà bạn muốn họ trở thành lãnh đạo, nhưng họ lại chính là người không muốn làm điều đó".

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu của Đại học Kỹ thuật Munich đã phát hiện, "những nhà lãnh đạo có lòng tự ái cao có thể khiến toàn đội ngũ đi sai đường". Tương ứng, một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên Tạp chí Học viện Quản lý cho thấy rằng các nhà lãnh đạo khiêm tốn và đồng cảm thường cải thiện hiệu suất làm việc của nhóm.

Để trở thành nhà lãnh đạo khiêm tốn và đồng cảm, tỷ phú giàu nhất thế giới khuyên những người trẻ tuổi nên tập trung vào công việc trước mắt - và tin tưởng rằng việc hoàn thành xuất sắc vai trò đó sẽ giúp họ thăng tiến trên nấc thang sự nghiệp. Ông nói thêm: "Mong muốn được chú ý sẽ không giúp ích được gì. Hãy cố gắng tìm ra thứ gì đó trùng lặp giữa tài năng của bạn và điều bạn quan tâm".

Elon Musk: Đừng cố gắng trở thành lãnh đạo chỉ vì lợi ích mà vị trí đó mang đến - Ảnh 1.

Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Getty Images

Bản thân nhà sáng lập hãng xe điện Tesla ban đầu không đặt mục tiêu trở thành một doanh nhân công nghệ. Sau khi tốt nghiệp trường Wharton của Đại học Pennsylvania vào năm 1997, ông đã nộp đơn và bị từ chối làm việc tại Netscape, một công ty phần mềm internet ở Thung lũng Silicon, theo cuốn tiểu sử năm 2015 "Elon Musk: Tesla, SpaceX và Nhiệm vụ cho một tương lai tuyệt vời".

Trong cuốn sách, Musk nói với tác giả Ashlee Vance, có vẻ như ông không nhận được công việc là vì không có bằng về khoa học máy tính. Điều này đã buộc ông phải khởi nghiệp như con đường duy nhất để có thể làm việc trong lĩnh vực công nghệ.

CEO Tesla và em trai của mình, Kimbal Musk, đã bán công ty phần mềm web đầu tiên Zip2 cho công ty máy tính hiện không còn tồn tại Compaq vào năm 1999 với giá khoảng 300 triệu USD. Musk đã sử dụng số tiền đó để thành lập X.com, cuối cùng trở thành PayPal.

Gần đây, Musk dường như có vẻ "xa rời" với lời khuyên của chính mình: Doanh nhân và tỷ phú công nghệ hàng đầu thành lập nhiều công ty và tự mình là CEO. Ông hiện đang điều hành cả SpaceX và Tesla, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng tại các công ty khác mà ông là nhà sáng lập như The Boring Company và Neuralink.

Tuy nhiên, Elon Musk - tỷ phú có lượng người hâm mộ và theo dõi lớn trên các nền tảng mạng xã hội như Twitter, không công khai các vị trí lãnh đạo của mình như một nội dung nổi bật trên các nền tảng. Thay vào đó, ông nói với Fridman, mục đích của bản thân là trở nên hữu ích, điều mà những người trẻ tuổi nên hướng tới.

"Tôi rất tôn trọng những người luôn nỗ lực hết mình trong ngày để làm những việc hữu ích. Rất khó để có thể đóng góp nhiều hơn những gì bạn tiêu xài. Tôi nghĩ rằng, điều cần hướng tới là hãy cố gắng có một đóng góp một điều gì tích cực cho xã hội", Musk nói.

Theo CNBC