Ê-kíp Bích Phương nói gì khi MV "Chị Ngả Em Nâng" bị đánh giá như phim Ấn Độ, lệch tông khỏi dự án "Việt Nam Việt Nam"?

Nhật Duy - Hạnh Moon, Theo Trí Thức Trẻ 10:47 20/11/2018

Giám đốc sáng tạo Denis Đặng cùng nhạc sĩ Tiên Cookie giải thích về ý tưởng, cũng như mục đích xây dựng MV "Chị Ngả Em Nâng" theo concept và câu chuyện đậm màu Ấn Độ.

"Chị Ngả Em Nâng" là MV cuối cùng nằm trong dự án "Việt Nam Việt Nam" được ê-kíp Bích Phương thực hiện gồm 3 ca khúc kèm theo 3 MV mang đậm dấu ấn Việt Nam từ âm nhạc cho đến hình ảnh. Nữ ca sĩ mong muốn gìn giữ và lan toả nét văn hóa truyền thống nước nhà giữa bối cảnh thị trường Vpop đang chịu ảnh hưởng bởi văn hoá quốc tế. 

MV Chị Ngả Em Nâng - Bích Phương

Tuy nhiên, MV "Chị Ngả Em Nâng" sau khi ra mẳt lại gây khó hiểu vì "chệch tông" so với 2 sản phẩm trước đó là "Nói Thương Nhau Thì Đừng Làm Trái Tim Em Đau" và "Bùa Yêu". Bối cảnh, phục trang hay kỹ thuật quay dựng phim đều mang đậm màu sắc Ấn Độ, trong khi đó hình ảnh chứa đựng yếu tố Việt Nam hầu như lu mờ. Đại diên ê-kíp sản xuất, giám đốc sáng tạo Denis Đăng đã có những chia sẻ về ý tưởng xây dựng MV này trong cuộc trò chuyện với chúng tôi:

Tại sao anh lại chọn concept Ấn Độ với câu chuyện bạo hành phụ nữ cho MV "Chị Ngả Em Nâng"? Thông điệp ở đây là gì?

Từ ban đầu trao đổi với chị Bích Phương, chị ấy có chia sẻ là muốn làm một câu chuyện đề cập đến những yếu tố nhân văn, nói về tình cảm chị em gắn kết, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn. Ý tưởng thực hiện MV này có liên quan đến việc tôi đọc những tin tức về việc bạo hành, hiếp dâm phụ nữ xảy ra ở Ấn Độ trong thời gian gần đây. 

Khi nghe ca khúc "Chị Ngả Em Nâng", tôi nảy ra ý định đưa bối cảnh Ấn Độ vào câu chuyện người chị gái có thai nhưng bị anh bạn trai bắt bỏ đi đứa bé. Sau đó, cô em đã đứng ra để bảo vệ người chị của mình, đảm bảo an toàn cho sự ra đời của đứa bé. Tinh thần chung của MV "Chị Ngả Em Nâng" là nêu lên thực trạng vấn đề trọng nam khinh nữ, bạo hành phụ nữ trong xã hội, đồng thời tôn vinh giá trị đùm bọc chị em trong gia đình.

Hình ảnh của MV này pha trộn giữa nhiều văn hoá khác nhau mà lấy ý tưởng chủ đạo là văn hoá Ấn Độ. Để làm nổi bật lên ý tưởng và bối cảnh Ấn Độ, tôi đã sử dụng kĩ thuật quay dựng trong phim Ấn Độ là Bollywood. Mọi người sẽ thấy rõ những phân cảnh trong MV "Chị Ngả Em Nâng" đều có nhịp điệu giống với bộ phim "Cô dâu 8 tuổi". Đây cũng là một yếu tố thú vị, tạo nên dư vị mới mẻ giữa thị trường âm nhạc hiện tại.

Ê-kíp Bích Phương nói gì khi MV Chị Ngả Em Nâng bị đánh giá như phim Ấn Độ, lệch tông khỏi dự án Việt Nam Việt Nam? - Ảnh 2.

Denis Đặng là giám đốc sáng tạo của nhiều MV như "Chị Ngả Em Nâng" (Bích Phương), "Như Lời Đồn" (Bảo Anh), "No Boyfriend" (Hoàng Yến Chibi), "Màu Nước Mắt" (Nguyễn Trần Trung Quân), "Còn Yêu Đâu Ai Rời Đi" (Đức Phúc)...

Với một sản phẩm nằm trong dự án "Việt Nam Việt Nam" nhưng hình ảnh lại đặt trong bối cảnh Ấn Độ, điều này khá chệch nhịp. Anh giải thích thế nào?

Tôi có nghiên cứu những sản phẩm trước của Bích Phương trong dự án "Việt Nam Việt Nam". Như mọi người biết, sản phẩm đầu tiên – MV "Nói Thương Nhau Thì Đừng Làm Trái Tim Em Đau" đã chậm chất Việt Nam rồi, đến sản phẩm thứ hai – MV "Bùa Yêu" lại có yếu tố dân gian đương đại, nên trong sản phẩm cuối cùng – MV "Chị Ngả Em Nâng", tôi muốn làm mọi thứ mới mẻ hơn bằng cách đưa yếu tố của nền văn hóa khác vào.

Bản thân sản phẩm lần này, từ chủ đề bài hát đến nhạc cụ, nhạc khí trong bài đã có màu sắc Việt Nam rõ nét. Nếu tôi đặt bối cảnh thuần Việt vào MV này, nó có thể vẫn hay, vẫn đẹp và phù hợp, nhưng lại không đủ mới mẻ. Cái tôi muốn ở đây là sự mới mẻ, lạ lẫm để hấp dẫn khán giả trẻ.

Nhưng nếu mọi người để ý, MV "Chị Ngả Em Nâng" vẫn có những chi tiết Việt Nam dù ở mức độ rất nhỏ. Ví dụ như hình ảnh chơi banh đũa, hay ở một số bộ trang phục nhân vật mặc vẫn có chi tiết thuần Việt như bông sen, áng mây, rồi đồ đính cườm theo trang phục diễn viên tuồng ở Việt Nam... Tức là, chúng tôi trung hòa yếu tố văn hoá Việt Nam với các nền văn hoá khác.

Nhưng yếu tố Việt Nam quá mờ nhạt, anh không nghĩ khán giả sẽ khó lòng nhận ra ý đồ của ê-kíp à?

Chúng tôi đã lường trước những vấn đề này, nhưng đây là cái hay, là sự tính toán có chủ đích của ê-kíp. Tôi không muốn phát hành một sản phẩm vừa ra mắt mà người ta đã hiểu tường tận luôn. Tôi muốn để lại sự tò mò để người ta phải tìm hiểu ở những lần xem tiếp theo. Bởi một sản phẩm âm nhạc khi ra mắt, nếu có sự tranh luận và những điều gây tò mò, khiến khán giả cảm thấy mập mờ, thì mới là sự thu hút.

Tất nhiên trường hợp khán giả bỏ luôn, không xem nữa cũng có thể xảy ra, nhưng trường hợp này xác suất của việc đó lại thấp. Vì chúng tôi tin "Chị Ngả Em Nâng" có phần giai điệu khiến người ta muốn nghe lại lần hai. Khi xem tiếp MV lần hai, khán giả sẽ dần dần hiểu ra vấn đề.

Cả tôi, chị Bích Phương và Tiên Cookie đều muốn đem tới một sản phẩm không chỉ xem một lần rồi cho qua, trôi tuột luôn, mà muốn sản phẩm đó phải đọng lại trong lòng mọi người, làm mọi người vui sướng khi phát hiện ra những chi tiết mà mình tìm được ở MV đấy.

Trang phục cũng như cách trang điểm của nhân vật trong MV "Chị Ngả Em Nâng"mang đậm màu sắc Ấn Độ.

Với đề tài là bạo hành phụ nữ ở Ấn Độ cộng với màu sắc MV khá kinh dị, anh có sợ nó bị nhạy cảm quá đối với văn hoá Việt Nam?

Tôi nghĩ sản phẩm nào mang yếu tố mới mẻ, thử nghiệm và đóng vai trò tiên phong thì sẽ luôn có rủi ro. Tôi và mọi người đã chuẩn bị tinh thần để kiểm soát trước khi ra mắt MV "Chị Ngả Em Nâng". Việc đưa văn hoá Ấn Độ hay văn hoá Việt Nam vào MV này có thể gây ra những luồng ý kiến trái chiều, bởi những định kiến có sẵn khiến mọi người đánh giá không tích cực về sản phẩm. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy rất vui, từ hôm qua đến giờ được khoảng 8000 bình luận trên Youtube của Bích Phương, tôi đều đọc tất cả. Tôi thấy mọi người tập trung chú ý vào những yếu tố thú vị, thông điệp ý nghĩa của MV hơn là yếu tố kinh dị, bạo lực của MV này. Đó cũng là điều tôi mong muốn.

Những MV gần đây do anh sáng tạo thường thấy nhiều chi tiết về bùa ngải, tâm linh... Với văn hoá Việt, đây vẫn là điều khá nhạy cảm. Anh có nghĩ mình cần tiết chế điều này lại hay không?

Tôi phải thừa nhận đó là phong cách, là thiên hướng về hình ảnh của cá nhân tôi. Nhưng ở một góc độ nào đó, việc tôi đưa yếu tố bùa ngải và những góc độ về tâm linh vào, không mang ý nghĩa tiêu cực mà được đặt vào câu chuyện nhẹ nhàng, có ý nghĩa nhân văn. Điều đó có tác động tích cực đến tư duy của cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng. Tôi không muốn những yếu tố bùa ngải, phép thuật sẽ gieo rắc sự ám ảnh, đáng sợ hay ghê gớm gì cho người xem.

Tôi sẽ hạn chế yếu tố bùa ngải, tâm linh trong các sản phẩm tới, nhưng sự hạn chế ở đây không phải vì lý do sợ người khác đánh giá. Đơn giản là vì tôi đã dùng chúng quá nhiều, tôi thấy mình cần phải đổi mới hơn.

Dưới đây là chia sẻ của nhạc sĩ Tiên Cookie về câu hỏi tương tự được đặt ra với giám đốc sáng tạo Denis Đặng:


Nhắc lại một chút, Việt Nam Việt Nam là dự án dài hơi, bắt đầu từ tháng 7 năm 2017 với "Nói Yêu Nhau Thì Đừng Làm Trái Tim Em Đau". Ca khúc với phần âm nhạc và hình ảnh mang đậm dấu ấn Việt Nam, những nét đặc trưng trong văn hoá vùng cao Tây Bắc. Tên bài hát được lấy nguyên gốc từ cách nói chân thành mộc mạc của những người con gái vùng cao, hình ảnh trong MV cũng là những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vỹ, nét đặc sắc trong đám cưới của người dân tộc thiểu số, phần phối khí cũng sử dụng nhiều nhạc cụ dân tộc.

Với tất cả sự cố gắng của ê-kíp sản xuất âm nhạc, chúng tôi muốn mang tới một sản phẩm âm nhạc đậm chất Việt Nam nhất có thể. Tuy nhiên, rất buồn là chúng tôi phải chấp nhận một sự thật sau đó: bài hát không quá thành công như những gì ê-kíp kì vọng.

Sau đó Bích Phương và ê-kíp phải nhìn lại, suy nghĩ kĩ càng hơn, tìm một cách tiếp cận khác, làm sao để sản phẩm âm nhạc của mình phải thật hiện đại, bắt kịp xu hướng âm nhạc thế giới nhưng vẫn phải mang được những nét đẹp trong văn hoá Việt Nam. "Bùa yêu" - bài hát thứ 2 của dự án - đã ra đời với câu chuyện về một cô gái (Bích Phương) xinh đẹp, hiện đại, phóng khoáng trong cách suy nghĩ nhưng đặc biệt, cô luôn yêu mến và giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam: thể hiện ở những trò chơi dân gian, cách nấu nướng những món ăn Việt, thêu thùa may vá…

Lần này, rất may mắn, bài hát đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt một cách bất ngờ. 5,7 triệu views trên Youtube trong 24h đầu tiên, #1 Trending Youtube Vietnam, #11 Trending Youtube toàn cầu… là những con số biết nói, cho ê-kíp sản xuất chúng tôi cảm nhận được rằng, ít nhất con đường của chúng tôi đã chọn là đúng!

Sự bùng nổ của "Bùa Yêu" đã cho chúng tôi thêm năng lượng để tiếp tục cho ra đời "Chị Ngả Em Nâng". Cần nói thêm rằng, đề tài "Chị Ngã Em Nâng" thật ra đã có ngay từ đầu khi chúng tôi bắt đầu dự án Việt Nam Việt Nam. Tiếp tục với âm nhạc hiện đại (thể loại Pop - Moombahton đang rất được ưa chuộng trên thế giới), lối tư duy mới mẻ trong cách hoà âm, phối khí, lồng ghép với đề tài rất Việt Nam: tình cảm chị em gắn kết keo sơn, luôn đùm bọc và giúp đỡ nhau trong cuộc sống dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.

Về phần hình ảnh, để gây hứng thú hơn với khán giả trẻ, chúng tôi đã lấy cảm hứng từ nét đẹp của nhiều nền văn hoá kết hợp lại, khán giả có thể dễ dàng nhìn thấy những hoa văn kiến trúc đặc trưng của Ba Tư, cách quay và cách thể hiện hơi drama hoá của Bollywood Ấn Độ, con rồng châu Âu… Tuy nhiên tất cả những phần hình ảnh đó chúng tôi sử dụng chỉ để với một mục đích duy nhất là làm bật lên ý nghĩa nhân văn tốt đẹp của sản phẩm âm nhạc lần này, đó chính là tình cảm chị em bền vững, một nét văn hoá đặc trưng của Việt Nam.

Dù có thế nào đi chăng nữa thì chúng tôi luôn tin rằng, khi khán giả nói về sản phẩm âm nhạc này, mọi người sẽ luôn nhớ và bật ra câu tục ngữ quen thuộc: "Chị Ngã Em Nâng" và đồng thời, vẫn có thể tự hào nhận xét rằng, sản phẩm này cũng thật Tây, thật US-UK.

Khi làm âm nhạc chúng tôi luôn đề cao tính sáng tạo. Tôi muốn khán giả phải cảm thấy bất ngờ với lối tư duy âm nhạc hình ảnh của Bích Phương và ê-kíp của mình.

Đôi khi tôi tự hỏi, Việt Nam có đầy rẫy những thứ để khai thác, tại sao cứ nhắc đến Việt Nam trong âm nhạc, điện ảnh người ta lại chỉ có thể nghĩ tới Tấm Cám, Thạch Sanh, Con rồng cháu Tiên? Tại sao lại cứ phải mặc đồ dân tộc? Tại sao không thể là một cô gái Phương tây, đứng trong không gian đậm chất Ba Tư, nhưng cư xử như người Việt Nam chính gốc?

Có rất nhiều cách để truyền tải thông điệp tình yêu đất nước tới các bạn trẻ, chúng tôi chọn cách trẻ trung nhất, tinh tế nhất, ít giáo điều nhất, sáng tạo nhất.

Ê-kíp Bích Phương nói gì khi MV Chị Ngả Em Nâng bị đánh giá như phim Ấn Độ, lệch tông khỏi dự án Việt Nam Việt Nam? - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Tiên Cookie