Dừng thi chứng chỉ ngoại ngữ: Thí sinh hoang mang, địa phương sẽ kiểm tra

Hà Linh, Theo Tiền Phong 13:00 12/11/2022

Dù Bộ GD&ĐT đã lên tiếng về việc tạm dừng các kỳ thi cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, PTE hay thi đánh giá năng lực tiếng Hàn, tiếng Nhật…, nhưng nhiều thí sinh vẫn hồi hộp, thấp thỏm. Các địa phương sẽ có kế hoạch thanh tra, kiểm tra điều kiện liên kết của các đơn vị.

Học sinh lo chậm hồ sơ

Chỉ sau một ngày thông báo tạm hoãn tổ chức thi chứng chỉ IELST của Hội đồng Anh, ngày 11/11, Bộ GD&ĐT thông báo tin, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định về việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis giữa Công ty TNHH British Council (Việt Nam), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Truyền thông giáo dục và thời đại, Công ty TNHH ETE Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ và Phát triển giáo dục thời đại và Hội đồng Anh (Vương quốc Anh). Như vậy, Aptis - chứng chỉ đầu tiên của Hội đồng Anh đã được cấp phép liên kết tổ chức thi sau khi thực hiện Thông tư 11.

Dừng thi chứng chỉ ngoại ngữ: Thí sinh hoang mang, địa phương sẽ kiểm tra - Ảnh 1.

Một kỳ thi IELTS. Ảnh: IELTS British Council Vietnam

Trước đó, cùng với Hội đồng Anh thông báo về việc tạm hoãn tổ chức kỳ thi IELST, các đơn vị khác cũng cho dừng hàng loạt kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ. Thậm chí, các trường ĐH xây dựng đề án liên kết để cung cấp địa điểm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn, Tiếng Nhật… cũng đều phải tạm ngưng vì phải hoàn thiện đầy đủ các nội dung liên quan quy định mới của Bộ GD&ĐT. Theo Hội đồng Anh, quyết định tạm hoãn tổ chức thi IELTS là nằm ngoài tầm kiểm soát và thí sinh sẽ được đổi lịch thi. Tuy nhiên, một số đơn vị khác không có thông báo gì thêm về việc sẽ hoạt động trở lại vào thời điểm nào.

Ngày 11/11, Bộ GD&ĐT cho biết đang đốc thúc phía Hội đồng Anh hoàn thiện nốt các thủ tục để cấp phép chương trình IELTS. Đồng thời, việc cấp phép cho các chứng chỉ khác đang khẩn trương thực hiện. Nếu hồ sơ đảm bảo các yêu cầu, Bộ GDĐT sẽ xử lý nhanh nhất (thời gian thẩm định và phê duyệt theo quy định là 20 ngày).

Nguyễn Thị Phương Thanh, học sinh lớp 12 tại Hà Nội, cho biết, em vẫn lo lắng bởi vì đã đăng ký thi IELTS để làm hồ sơ xét học bổng du học. Trước đó, em đã dành rất nhiều thời gian vừa học vừa ôn luyện cho kỳ thi. Đến nay ngày thi đã được ấn định lại bị hoãn một cách bất ngờ. “Điều quan trọng là hiện nay Hội đồng Anh đưa ra thông báo rất mù mờ về thời điểm các kỳ thi được tổ chức trở lại rằng sẽ phụ thuộc vào phê duyệt của Bộ GD&ĐT mà không có thời gian cụ thể. Do đó, em rất lo lắng, áp lực nếu kỳ thi bị dừng quá lâu sẽ không kịp có chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ”, Phương Thanh nói.

Trong khi đó, Phạm Ngọc Linh, học sinh lớp 11A4, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, cho biết, em đang trong quá trình ôn thi IELTS nhưng không quá sốt ruột trước thông tin các kỳ thi bị tạm dừng. Việc tạm dừng có thể sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian để cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra các điều kiện hoạt động, đảm bảo quyền lợi cho người học. Trước mắt, em sẽ vẫn bình tĩnh ôn luyện với thầy cô để có nền tảng thật tốt rồi mới dự thi.

Các diễn đàn mạng xã hội “dậy sóng” khi chính Bộ GD&ĐT thừa nhận việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chưa tuân thủ đầy đủ quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết dẫn đến một số tiêu cực như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ... Nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các đơn vị tổ chức cũng như cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT.

Sẽ thanh tra, kiểm tra

Trao đổi với phóng viên, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, hiện nay các đơn vị liên quan đến liên kết hợp tác tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ đều tạm dừng. Theo ông Tuấn, với các đơn vị hoạt động trên địa bàn, hằng năm Sở đều có kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm. Khi Bộ GD&ĐT có yêu cầu địa phương tăng cường biện pháp giám sát, Sở GD&ĐT cũng sẽ lên kế hoạch để kiểm tra, giám sát tất cả các đơn vị đang hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ nhằm đảm bảo đủ, đúng các điều kiện hoạt động. Nếu có đơn vị vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo đúng chỉ đạo. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học. “Hiện nay, khi các đơn vị thông báo tạm dừng tổ chức thi, thí sinh, phụ huynh rất bức xúc nhưng khi các đơn vị đầy đủ hồ sơ, điều kiện sẽ sớm tổ chức trở lại”, ông Tuấn nói.

TS Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, từng chịu trách nhiệm phát triển bài thi Tiếng Anh và nghiên cứu kiểm định sử dụng lý thuyết trắc nghiệm cổ điển (CCT), cho rằng, đã có dư luận về việc IELTS có thể có vấn đề về bảo mật. “Nếu quả thật có gian lận, lộ đề, mua bán đề… thì việc tạm dừng để kiểm tra, chấn chỉnh là cần thiết để bảo đảm công bằng cho thí sinh”, bà Phương Anh nhận định.

Theo bà Phương Anh, vấn đề hiện nay là một số nơi đang sử dụng điểm IELTS làm căn cứ miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, miễn thi đầu vào cao học, xét tốt nghiệp ĐH… Khi chứng chỉ IELTS bị nghi ngờ có vấn đề về bảo mật thì liệu năm tới những nơi đang sử dụng chứng chỉ có bỏ hẳn hoặc đưa ra một kỳ thi tương đương hay không? “Vấn đề bảo mật phải được làm rõ, vì nếu không thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn nhiều. Đó là sự mất niềm tin vào hệ thống giáo dục của Việt Nam, chưa kể thiệt hại nặng nề cho ‘thương hiệu sản phẩm’ IELTS”, bà Phương Anh nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, các chứng chỉ như IELTS cần phải được đảm bảo chất lượng, uy tín. Các khâu xây dựng đề được Cambridge Assessment chịu trách nhiệm, đến thời điểm này vẫn được đảm bảo tốt. Cần đặt câu hỏi về lỗ hổng nào đã làm lộ đề như báo chí đã nêu. “Một khi đã có thông tin rao bán đề, đáp án thì kỳ thi đó không còn đảm bảo minh bạch, công bằng cho tất cả các thí sinh nữa. Trong khi hiện nay thí sinh đang bỏ số tiền lớn để học và dự thi. Do đó, cần thiết cơ quan chức năng phải giám sát, hậu kiểm và xử lý đơn vị vi phạm để lấy lại uy tín cho các kỳ thi”, một chuyên gia giáo dục nói.

Theo Bộ GD&ĐT, để được tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, các bên liên kết cần làm hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định; Thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam và cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài; Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của các bên liên kết; Đề án tổ chức thi để cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.