Đừng chê trách Incheon United, xin hãy để Công Phượng thoải mái chơi bóng

HỒNG NAM, Theo Helino 09:13 07/03/2019

Thay vì tiếp thêm niềm tin và hy vọng, người hâm mộ có thể khiến Công Phượng khó xử với đồng đội tại Incheon United bởi những bình luận khiếm nhã.

HLV Jorn Andersen cau mày bước vào phòng họp báo. Incheon United vừa trình diễn lối đá nhợt nhạt trước Jeju United, nhưng đó không phải vấn đề khiến ông Andersen bận tâm. Nhà cầm quân người Na Uy suy tư bởi trước mắt ông sẽ là hàng loạt câu hỏi được đặt ra dành cho Công Phượng.

Khi sự chờ đợi không được đáp lại

Hơn 2 vạn khán giả đã lấp đầy sân Incheon - gấp 4 lần lượng cổ động viên trung bình mùa trước của đội bóng này. Nhiều người đến sân để chứng kiến Công Phượng thi đấu. Khi tiền đạo gốc Đô Lương nhẹ nhàng thực hiện cú đá phạt đền theo kiểu "panenka" trong thời gian khởi động, khán giả đã ồ lên thích thú. HLV Andersen hiểu rõ nguyện vọng của khán giả, nhưng ông nhất quyết nói không.

Công Phượng ngồi ngoài cả trận và không nhiều cơ hội được ra sân bởi trận tới, đối thủ của Incheon United là Gyeongnam FC - á quân K-League mùa trước.

Chuyện một cầu thủ mới đến đội bóng phải dự bị trong những trận đầu là rất bình thường. Nemanja Matic từng được ra sân đúng... 5 phút khi mới chuyển đến Chelsea từ Benfica. Leroy Sane sang Manchester City cũng phải dự bị mòn mỏi mới được trao cơ hội, hay Vinicius Junior - niềm hy vọng số 1 của Real Madrid hiện tại, từng "biến mất" hoàn toàn trong những trận đấu quan trọng.

Không cần biết anh là ngôi sao hay thần đồng triển vọng cỡ nào, muốn được đá chính, trước hết phải hoà nhập được.

Khi Incheon United bắt đầu tập huấn chuẩn bị mùa giải ở Chiangmai (Thái Lan), Công Phượng vẫn đang đá Asian Cup. Tiền đạo sinh năm 1995 chỉ gia nhập đội bóng mới sau thời gian nghỉ Tết và có trên dưới 2 tuần tập luyện ở Hàn Quốc. Quỹ thời gian ít ỏi, đòi hỏi Công Phượng lấy lại thể lực sau quãng nghỉ dài còn khó, chưa nói đến chuyện thích nghi với K-League - giải đấu khắc nghiệt bậc nhất châu Á.

Các đội bóng Hàn Quốc chơi nhanh, mạnh, ít chạm, thiên về tranh chấp và triển khai bóng tương đối đơn giản. Muốn có suất đá chính hay tiến xa hơn là chơi tốt ở K-League, Công Phượng đơn giản là cần thời gian quan sát, cải thiện thể lực, cơ bắp cũng như hoà nhập với tư duy chiến thuật chung của cả đội.

Đừng chê trách Incheon United, xin hãy để Công Phượng thoải mái chơi bóng - Ảnh 1.

Dẫu vậy, không phải ai cũng cần biết điều đó.

Mọi nội dung đăng tải trên mạng xã hội của Incheon United trong và sau trận ra quân đều tràn ngập thông điệp phẫn nộ được viết bằng tiếng Việt. Hình ảnh cổ động viên Việt Nam phất cao lá cờ đỏ sao vàng trên sân Incheon chỉ là bề nổi. Cách đó hàng nghìn cây số, người hâm mộ đã dành cả buổi trưa thứ Bảy để chờ đợi Công Phượng đặt những bước chân đầu tiên trên thảm cỏ K-League.

Khi Incheon United thay đến cầu thủ thứ ba, và đó vẫn không phải là Công Phượng, sự chờ đợi nhanh chóng chuyển thành cơn giận, với những bình luận dung tục khiến nhiều người phải đỏ mặt vì xấu hổ.

Incheon United đang bảo vệ Công Phượng

Incheon United hiểu rõ "báu vật" mà họ đang có trong tay. Sức hút của Công Phượng như thỏi nam châm, mà nếu như không phải ngôi sao người Việt Nam, khó có cầu thủ châu Á nào khác đủ sức mang về cho Incheon United gần 2.000 vé xem cả mùa cùng 20.000 khán giả lấp đầy khán đài.

Mọi thông báo liên quan đến Công Phượng đều được Việt hoá cẩn thận. Trong trận ra quân, Công Phượng được ưu ái lên hình rất nhiều, dù không đá phút nào. Thậm chí, Công Phượng xuất hiện thường xuyên hơn bất cứ cầu thủ nào được thi đấu.

Nếu Incheon United xem Công Phượng như "mồi nhử" để câu kéo khán giả theo dõi, HLV Andersen có thể cho tiền đạo gốc Đô Lương vào sân trong ít phút cuối. Với những khán giả nhẫn nại xem cả trận, việc Công Phượng đá vài phút, chạm bóng vài lần cũng được xem như... mãn nguyện. Việc tạo cơ hội cho Công Phượng vào sân cũng đảm bảo khán giả sẽ tiếp tục chờ đợi trận sau.

Nhưng HLV Andersen không làm vậy. Chiến lược gia với hàng chục năm lăn lộn cùng bóng đá đỉnh cao hiểu rằng, nếu ông đặt nguyện vọng khán giả lên trên lợi ích chuyên môn, điều đó sẽ tạo ra sự bất công ngay trong lòng đội bóng Hàn Quốc. Công Phượng mang lại giá trị kinh tế lớn cho Incheon United, song cơ hội ra sân của các cầu thủ phải được "cào bằng" dựa trên năng lực, nỗ lực và khả năng thích nghi ở từng thời điểm.

Đừng chê trách Incheon United, xin hãy để Công Phượng thoải mái chơi bóng - Ảnh 2.

Nếu Incheon United "chiều lòng" Công Phượng vì cổ động viên, khối đoàn kết trong nội bộ đội bóng rất dễ lung lay. Bởi Incheon United không coi thương vụ với Công Phượng như Espanyol mua Wu Lei, Manchester United mua Dong Fangzhou hay Juventus theo đuổi Han Kwang-song - những vụ chuyển nhượng mang đậm tính thương mại nhiều hơn chuyên môn. 

Đội bóng này chiêu mộ Công Phượng vì khả năng và coi anh bình đẳng như tất cả các cầu thủ khác. Không có bất cứ ưu ái nào. Không vội để Công Phượng ra sân, đấy cũng là cách Incheon United bảo vệ cầu thủ của mình.

Công Phượng là ngôi sao sáng giá của bóng đá Việt Nam - nền bóng đá đang trưởng thành và được quốc tế trông đợi. Nhưng nên nhớ, bóng đá Việt Nam chưa thể rũ bỏ hoàn toàn hình ảnh "vùng trũng", và cầu thủ Việt Nam, dù được chú ý đến mấy, cũng chưa thể một bước sánh ngang với cầu thủ Hàn Quốc, Nhật Bản. "Thành Rome không thể xây trong một ngày", hay muốn ra sân ở K-League, J-League, đâu phải muốn là được ngay?

Lần gần nhất xuất ngoại, Công Phượng thậm chí không tìm được suất đá chính ở Mito Hollyhock - đội chơi ở giải hạng nhì Nhật Bản. Dấu ấn của cầu thủ vẫn thuộc biên chế HAGL ở sân chơi châu Á chỉ thực sự sáng rõ ở Asian Cup 2019. Để được ra sân, Công Phượng phải tiếp tục cố gắng và "làm việc chăm chỉ ngay ở buổi tập tới" - đúng như khẳng định của cầu thủ này sau trận.

Công Phượng cần kiên nhẫn và các cổ động viên cũng thế. Nên ủng hộ bằng những thông điệp tích cực, thay vì trút "mưa gạch đá" khiến Incheon United và bản thân Công Phượng khó xử. Hãy để lần tới Công Phượng được thi đấu bởi cầu thủ của Việt Nam xứng đáng với điều đó, thay vì được ra sân bởi Incheon United... không chịu nổi sức ép dư luận.