Du lịch Việt: Bao giờ mới hết điệp khúc "Chẳng biết chơi gì, đi đâu?"

A.D Sun, Theo Trí Thức Trẻ 13:00 22/11/2016

Chỉ có 6% du khách ngoại quốc muốn quay trở lại Việt Nam. Đây thực sự là con số đáng thất vọng cho một đất nước có thế mạnh thiên nhiên không hề thua kém các cường quốc du lịch trong khu vực và thế giới.

Phải chăng sự ỷ lại vào tài nguyên sẵn có mà không sáng tạo các sản phẩm du lịch đang cản trở du lịch Việt thăng hạng?

Du lịch Việt: Bao giờ mới hết điệp khúc Chẳng biết chơi gì, đi đâu? - Ảnh 1.

Mười năm không thay đổi

Tôi đang nói tới cố đô Huế. Cái xứ mộng mơ này đẹp một cách trầm lắng. Nhưng có lẽ chính cái sự trầm buồn ấy mà "du lịch Huế đang ở tốp dưới của miền Trung, khách đến miền Trung chỉ chọn chỗ khác tốt hơn Huế... Mười năm qua, du lịch Huế không có gì mới nên không phát huy được lợi thế tiềm năng" - ông Đinh Mạnh Thắng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế, nói về hiện trạng ngành du lịch Huế những năm gần đây.

Nói thế có oan cho cố đô quá không? Xin trích lời ông Risto Honkanen – một du khách Phần Lan- thay cho câu trả lời: "Thành phố Huế của bạn rất đẹp. Ẩm thực tuyệt vời. Nhưng sản phẩm du lịch Huế quá nghèo nàn. Đi vài chỗ là hết, không có việc gì để chơi, để trải nghiệm và để tiêu tốn thời gian. Dịch vụ về đêm gần như không có gì, chẳng biết đi chơi đâu cho hết thời gian cả."

Đấy, 10 năm rồi, khách đến Huế vẫn chỉ được nghe ca Huế trên sông Hương, ngắm núi Ngự, tham quan cung điện lăng tẩm. Khách đến lần một thấy đẹp, lần hai thấy vẫn thế, đương nhiên họ sẽ không đến nữa.

Du lịch Việt: Bao giờ mới hết điệp khúc Chẳng biết chơi gì, đi đâu? - Ảnh 2.

20 năm vẫn đơn điệu

Là câu chuyện của du lịch sông nước miền Tây. Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Viet Excursion, nói: "Đi một vòng Cần Thơ thấy sản phẩm du lịch dành cho khách quốc tế quá ít, chỉ quanh quẩn là chợ nổi Cái Răng, đình Bình Thủy, nhà cổ, chùa Khmer... Điều đáng nói là so với 20 năm về trước, chợ nổi Cái Răng không có gì khác biệt. Nếu du khách ở nơi đây 2-3 ngày thì không biết làm gì cho hết thời gian".

Điệp khúc "lên xuồng xuống ghe, vô vườn, nghe đờn ca tài tử" cứ lặp đi lặp lại liên tục khắp các địa danh du lịch ở ĐBSCL, khiến du khách hễ nhắc đến đi sông nước miền Tây là có thể đọc làu làu ra chương trình tour hết năm này sang năm khác. Chia sẻ với chúng tôi sau chuyến thăm chợ nổi Cái Răng, chị Ngọc Thúy (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) nói: "Bẩn quá, rác rưởi khắp nơi. Ý thức làm du lịch là một chuyện, sản phẩm lại là chuyện khác. Từ Mỹ Tho qua Tiền Giang, Hậu Giang, đâu đâu cũng thấy đi xuồng, vô vườn cây trái. Biết thế, tôi chỉ qua Mỹ Tho rồi quay về, qua miền Trung đỡ nhàm hơn."

Buồn là đa phần khách đi miền Tây đều có chung nhận định như chị Thúy. Buồn hơn là ngay trên dòng sông thuộc Top 10 thế giới ấy trong khi ta chẳng nghĩ được nhiều cái hay, cái mới thì mấy công ty du lịch nước ngoài lại nhảy vô, vợt hết những khách hạng sang với các loại hình tour ngủ đêm trên tàu cao cấp trên sông. Mấy tour đó giá thấp nhất cũng cỡ gần 200USD/đêm, cao nữa lên tới cả ngàn đô.

Du lịch Việt: Bao giờ mới hết điệp khúc Chẳng biết chơi gì, đi đâu? - Ảnh 3.

Bao giờ thì cất cánh?

Câu hỏi này chắc chắn chẳng có ai đủ khả năng trả lời chính xác. Chỉ có thể nói rằng, ngành du lịch sẽ cất cánh, sẽ vươn xa nếu chúng ta thay đổi thứ tư duy ăn bám vào thiên nhiên, bòn rút những di sản sẵn có, và tạo ra những sản phẩm mới mẻ, đẳng cấp, hấp dẫn, đột phá.

Quay trở lại trường hợp của Huế, ông Risto Honkanen – du khách Phần Lan- chỉ nói một ý tưởng rất đơn giản thế này mà bao lâu nay, chúng ta chẳng ai nghĩ đến: "Riêng thành quách cung điện Huế rất đẹp, nếu chiếu sáng ban đêm và mở cửa bán vé có phải tốt hơn không?" Còn ông Takashi Kondo (du khách Nhật Bản) thì ngạc nhiên khi chúng ta "thờ ơ trước đống vàng tài nguyên du lịch": "Tôi thấy những làng quê ven Huế, nhất là ở hạ nguồn sông Hương, rất gần thành phố và rất hấp dẫn, rất tuyệt nhưng không hiểu vì sao lại ít được mở rộng du lịch đến đó. Ngoài ra, Huế có rất nhiều con sông, những ngôi làng êm ả, yên bình và xanh ngút hai bên... Vậy mà gần như không có tour tuyến cố định nào liên quan đến khai thác những tuyến đường sông, trừ việc đi thăm chùa Thiên Mụ và các lăng. Mà thuyền rồng của Huế ồn quá, đi xa rất mệt.

Du lịch Việt: Bao giờ mới hết điệp khúc Chẳng biết chơi gì, đi đâu? - Ảnh 4.

Rõ ràng, những cái đang có chúng ta còn chưa biết cách khai thác.

Giờ quay sang chuyện tạo ra cái mới, ngay tại thủ đô Hà Nội. Bao năm qua, trong nội đô, Hà Nội chỉ có khu Công viên nước Hồ Tây là quy mô đáng kể, song chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của hàng triệu người dân và quá khiêm tốn nếu so với các khu du lịch trong TP.HCM. Những khu công viên nước trong nhà tại Royal City hay Thiên đường Bảo Sơn, Times City… cũng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân thủ đô. Chính vì thế, những ngày lễ, các khu du lịch và vui chơi giải trí luôn trong tình trạng quá tải. Mà đã quá tải thì sự phàn nàn từ du khách là điều không thể tránh khỏi. Đó là chưa kể, khách nước ngoài đến Hà Nội, ngoài tham quan Văn Miếu, phố cổ, xem rối nước… họ chẳng biết chơi gì nữa.

Trong khi đó, ở thủ đô các nước láng giềng, việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch là điểm mấu chốt để phát triển du lịch. Singapore nổi tiếng bởi những kỳ quan nhân tạo như Gardens by the Bay, Marina Bay Sand… Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia có tới 27 công viên và điểm du lịch thiên nhiên, nổi tiếng nhất phải kể đến KLCC Park, KL Bird Park, Aquaria KLCC… Thủ đô Bangkok với diện tích 7.761,6km2 (gấp đôi diện tích của Hà Nội) có tới 11 công viên giải trí lớn, từ Safari World, Flow House Bangkok, hay Siam Park City, Fantasia Lagoon Water Park… Thủ phủ Bắc Kinh của Trung Quốc cũng có tới 43 công viên nước và giải trí.

Hồi tháng 9, nghe nói Hà Nội xây công viên quy mô cỡ Disneyland. Nếu quả có thế, ít ra cũng có một tín hiệu vui, một dấu hiệu của sự thay đổi tư duy nhàm cũ của du lịch Việt. Và mong là, sẽ có nhiều thêm những tín hiệu vui nữa, ở các điểm đến khác, để xóa đi cái sự cũ mòn, nhàm điệu của "10 năm, 20 năm không đổi".