Dù có là “thánh ngủ khỏe” nhưng ai cũng lờ đờ 1, 2 tiếng sau khi thức dậy, lý do là vì...

Đạt Lê, Theo Helino 10:10 06/07/2018

Hiểu được cơ chế của quán tính ngủ, bạn sẽ biết cách đỡ mệt người hơn mỗi khi thức dậy.

Người ta có câu: "Buồn nào rồi cũng sẽ qua/ Chỉ có buồn ngủ không tha ngày nào". Chuyện này dĩ nhiên... quá đúng!

Nhưng điều kỳ lạ là vì sao ta đã ngủ đủ mà sáng nào cũng ngáp, phải loay hoay hồi lâu mới có thể tỉnh táo lên?

Không phải bạn ham ngủ đâu, lỗi là do... "quán tính"!

Theo nhà khoa học về ngủ - Daniel Gartenberg, "quán tính ngủ" (Sleep inertia) chính là thủ phạm của sự lờ đờ sau mỗi giấc nồng. Nghĩa là khi ta tỉnh dậy, cơ thể vẫn chưa kịp thích ứng và còn cảm giác ngái ngủ. Việc này cũng dễ hiểu thôi, vì một giấc ngủ lý tưởng kéo dài hàng tiếng liền mà.

Cơ chế của "quán tính ngủ" như sau. Khi mới thức dậy, việc tuần hoàn máu ở não chưa hoạt động nhịp nhàng. Chúng ta phải chờ một khoảng thời gian để việc đó diễn ra.

Dù có là “thánh ngủ khỏe” nhưng ai cũng lờ đờ 1, 2 tiếng sau khi thức dậy, lý do là vì... - Ảnh 1.

Quá trình đưa máu tuần hoàn lên não sẽ bắt đầu với những bộ phận quan trọng nhất như thân não và đồi não. Rồi sau cỡ 15 phút sẽ lan đến vùng vỏ não phía trước.

Và bạn biết không, vùng vỏ não trước trán là nơi chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định của mỗi chúng ta, kể cả việc nhớ nhớ quên quên ai hay cái gì, khi nào...

Dù có là “thánh ngủ khỏe” nhưng ai cũng lờ đờ 1, 2 tiếng sau khi thức dậy, lý do là vì... - Ảnh 2.

Cảm giác chung của nhiều người khi tự nhiên thức giấc mà chưa kịp tỉnh

Vậy nên, khi mới tỉnh dậy, một số người sẽ mơ màng chẳng nhớ cái gì cả. Đó là do "máu chưa lên não", hay nói chính xác là bộ phận vỏ não trước trán chưa hoạt động mạnh mẽ.

Nhà khoa học Gartenberg còn nói thêm, bạn nên ngủ khoảng 8,5 tiếng mỗi ngày, và tốn khoảng 1, 2 tiếng sau khi thức dậy để cảm thấy hoàn toàn tỉnh táo.

Còn nếu không, chuyện gì sẽ xảy ra? Đọc tiếp nhé.

Ngủ càng tệ, bạn càng mệt mỏi khi tỉnh giấc

Nếu bạn ngủ 8,5 tiếng thì đến lúc sắp thức dậy, cơ thể không chìm trong trạng thái "deep sleep" (ngủ sâu) nữa! Bởi vì độ sâu của giấc ngủ sẽ giảm dần theo chu kỳ thời gian.

Ngược lại, nếu bạn ngủ không đủ giấc thì khả năng thức dậy ngay giữa "deep sleep" là rất cao. Ví dụ như khi bạn phải bắt chuyến bay vào lúc tờ mờ sáng, đang ngủ ngon thì báo thức réo ầm ĩ, bạn chợt tỉnh và sau đó cảm thấy rất mệt mỏi.

Đó là do bạn đang trong trạng thái "deep sleep" thì bất ngờ bị đánh thức đấy!

Dù có là “thánh ngủ khỏe” nhưng ai cũng lờ đờ 1, 2 tiếng sau khi thức dậy, lý do là vì... - Ảnh 3.

Vậy làm sao để ngăn cảm giác mệt mỏi? Câu trả lời là đừng thức dậy vào "deep sleep". Nghĩa là hãy duy trì thói quen đều đặn, ngủ đúng giờ và thức dậy đúng giờ.

Một mẹo khác là hãy... thức dậy một cách từ từ. Ứng dụng có sẵn trên điện thoại thông minh hay một số app như Sonic Sleep Coach sẽ giúp bạn điều này.

Các loại app báo thức này ban đầu sẽ vang lên rất nhẹ nhàng, rồi to dần lên trong khoảng 10 phút. Mục đích là giúp bạn tỉnh dậy một cách từ tốn và giảm dần "quán tính ngủ" đi.

Dù có là “thánh ngủ khỏe” nhưng ai cũng lờ đờ 1, 2 tiếng sau khi thức dậy, lý do là vì... - Ảnh 4.

Một bài học khác rút ra là, bạn hãy cố gắng ngủ sớm - dậy sớm để còn có thời gian... "nướng" thêm khoảng 5, 10 phút (nhưng không hơn). 

Điều đó giúp cơ thể tỉnh táo dần lên, tránh mệt mỏi. Ngoài ra, không nên đặt báo thức quá to khiến mình bừng tỉnh trong bàng hoàng bạn nhé.

Nguồn: Quartz