Chuyên gia y học chức năng và dinh dưỡng Liu Boren (Đài Loan, Trung Quốc) chia sẻ, ăn quá nhiều thịt nhưng lại thiếu chất xơ là một trong những thói quen ăn uống xấu phổ biến ở xã hội hiện đại. Gần đây, ông đã điều trị cho một bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn 3 đã di căn tới gan vì quá mê ăn thịt.
Bệnh nhân này là một nam kỹ sư khoảng 30 tuổi, họ Xu (Đài Loan, Trung Quốc). Anh này có thân hình cao to, thường xuyên tập thể hình và chăm chút vẻ bề ngoài nên trông rất trẻ so với tuổi. Anh đi khám vì thời gian gần đây thường xuyên đau bụng, mệt mỏi không rõ lý ro. Thật không ngờ, kết quả chẩn đoán chỉ ra khối u ác tính đại trực tràng đã di căn tới gan và các hạch bạch huyết lân cận.
Anh Xu ngỡ ngàng vô cùng, bởi anh luôn cho rằng mình rất mạnh khỏe, có lối sống lành mạnh. Đến khi bác sĩ Liu hỏi kỹ hơn về thói quen ăn uống, anh mới miễn cưỡng thừa nhận: “Tôi rất mê ăn 2 loại thịt: thịt đỏ và thịt chế biến sẵn”. Đó cũng chính là 2 “thủ phạm” khiến anh mắc ung thư. Quá chủ quan và bận rộn nên khi thấy các dấu hiệu bất thường anh cũng không đi khám ngay, đến khi phát hiện thì hối hận cũng không còn kịp nữa!
“Thịt cung cấp đạm cùng nhiều khoáng chất, axit amin, vitamin cần thiết để xây dựng cơ bắp, tạo ra năng lượng và duy trì sức khỏe. Chúng ta cần ăn thịt nhưng phải ăn điều độ và cân bằng với thực phẩm khác. Nếu không, sớm muộn gì bệnh tật cũng sẽ ùn ùn kéo tới” - bác sĩ Liu Boren chia sẻ.
Các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói và giăm bông đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư loại 1 - mức nguy hiểm cao nhất. Trong khi đó, thịt đỏ dù chưa qua chế biến như thịt bò, lợn, cừu thuộc nhóm chất có khả năng gây ung thư loại 2A. Việc tiêu thụ quá mức các loại thịt này được chứng minh là có liên quan chặt chẽ đến các loại ung thư như ung thư đại trực tràng, dạ dày, tụy và tuyến tiền liệt.
Theo giải thích của bác sĩ Liu, thịt đỏ chứa heme - một hợp chất có thể tạo ra gốc tự do, phá hủy tế bào và dẫn đến ung thư nếu hấp thụ nhiều. Ngoài ra, khi thịt đỏ được chế biến hoặc nấu ở nhiệt độ cao, nó sinh ra các chất gây hại như nitrosamine, hydrocarbon thơm đa vòng và amin dị vòng.
Thịt chế biến sẵn, ngoài nguy cơ từ heme, còn chứa nitrit và nitrat cùng nhiều phụ gia, chất bảo quản khác. Khi vào cơ thể, các chất này có thể chuyển hóa thành nitrosamine, một trong những chất gây ung thư nguy hiểm nhất.
Bên cạnh đó, chế độ ăn giàu thịt nói chung, nhất là thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể làm tăng axit mật trong ruột, tạo điều kiện cho vi khuẩn xấu chuyển hóa thành các chất gây ung thư niêm mạc ruột. Chúng cũng làm dư thừa chất béo bão hòa, làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật như rối loạn chuyển hóa, tim mạch, ung thư…
Bác sĩ Liu khuyến cáo: “Tốt nhất không nên ăn thịt chế biến sẵn hoặc không ăn quá 50g mỗi ngày và không ăn quá 500g thịt đỏ mỗi tuần. Để cân bằng, cần bổ sung ít nhất 5 phần rau và 2 phần trái cây mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe”.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Eat This