Đóng 500k/tháng để "góp gạo thổi cơm chung" với đồng nghiệp 2 bữa mỗi ngày

Huyền Trang - Ảnh: NVCC, Theo Phụ nữ Việt Nam 19:13 27/12/2022

Những bữa ăn đơn giản nhưng ngon lành, sạch sẽ ở công ty của Thanh Thủy và đồng nghiệp đang khiến nhiều người ghen tị.

“Trưa nay ăn gì?” luôn là câu hỏi khó với hội làm công ăn lương. Có người chịu khó dậy sớm nấu cơm mang đi làm, có người chấp nhận đi ăn ngoài hàng hoặc gọi ship về công ty. Đặc biệt hơn, có người chọn phương án nấu ăn ngay tại nơi làm việc.

Câu chuyện Thanh Thủy (Hà Nội) và đồng nghiệp chính là ví dụ điển hình cho trường hợp thứ 3 này. Hiện tại cô đang làm kế toán tại một công ty kinh doanh vàng bạc đá quý và trang sức.

Liên hệ với Thanh Thủy, cô cho biết mình làm việc tại một cửa hàng trong hệ thống của công ty. Với đặc thù công việc là chia ca sáng - tối, kinh doanh mặt hàng có giá trị cao nên ăn uống tại nơi làm việc là tiện nhất. Ngoài ra việc này cũng giúp mọi người không tốn kém và đảm bảo sức khỏe.

Những bữa ăn ngon lành của Thanh Thủy và đồng nghiệp

“Việc nấu ăn tại cửa hàng bắt đầu từ một lần mọi người rủ nhau nấu ăn trưa. Sau lần đó vì thấy quá vui và hợp lý nên bọn mình đã lên kế hoạch bàn nhau góp gạo thổi cơm chung trên quy tắc phân chia công bằng” - Thanh Thủy chia sẻ.

Về phân chia công việc cũng như chi phí, Thanh Thủy giải thích rất rõ ràng: “Cửa hàng mình có 15 người, kể cả cửa hàng trưởng. Mỗi ngày có 2 ca sáng tối nên sẽ có 2 bữa ăn, mỗi bữa 7 - 8 người. Chi phí đi chợ cho cả 2 bữa là 300 - 350k. Sẽ có những ngày ít hơn hoặc nhiều hơn một chút nhưng bọn mình luôn cố gắng giữ đúng mức để đảm bảo chi tiêu hợp lý. Mỗi người đóng 500k/tháng bao gồm tiền mua thực phẩm, gia vị, gạo,...”.

Vì sáng nào cũng đi chợ cho gia đình nên Thanh Thủy sẽ đảm nhận luôn việc mua thực phẩm mang lên nơi làm việc. Khoảng 11h trưa (ca sáng) hoặc 5h chiều (ca tối), một người sẽ tranh thủ đi cắm cơm và chuẩn bị nấu ăn. Sau đó mọi người sẽ tự động phân chia công việc, người không tham gia nấu sẽ hỗ trợ người đang nấu ăn.

“Ở công ty nên bọn mình sẽ nấu ăn đơn giản và nhanh gọn thôi, 1 món canh, 1 món chính và 1 món xào hoặc rán. Chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ là xong, ai không nấu thì rửa bát, không ai tị nạnh với ai. Ăn uống dọn dẹp xong bọn mình vẫn còn thời gian nghỉ trưa” - Thanh Thủy nói thêm.

Không chỉ giúp tiết kiệm và đảm bảo sức khỏe mà với Thanh Thủy, việc nấu ăn ở công ty còn mang lại nhiều giá trị tinh thần và tình cảm: “Mình cảm nhận được là theo thời gian, mọi người được gắn kết, yêu thương lẫn nhau nhiều hơn. Các nhân sự ở chỗ mình cũng rất trẻ và có ý thức, mình đều coi như em út trong nhà. Thế nên mình thấy bữa cơm đơn giản nhưng ý nghĩa thì nhiều”.

Sau khi Thanh Thủy chia sẻ những bữa ăn tự nấu ở công ty lên một nhóm chuyên bàn chuyện đi làm, cô đã nhận về rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Phần lớn mọi người bày tỏ sự thích thú, thậm chí còn đòi được đến làm việc cùng:

- Quả thật bạn rất có năng khiếu. Không biết ngon không nhưng rất bắt mắt và tâm huyết. Môi trường làm việc ổn đó.

- Nhớ ngày xưa mình với 1 ông toàn nấu ăn cho cả phòng. Cũng nhộn phết!

- Bữa trưa chất lượng. Công ty mình cũng giống bạn mỗi tội bạn trang trí đẹp mắt hơn.

- Công ty bác ở đâu, cho em ké bữa trưa với. Hứa đóng góp đầy đủ!

Tuy nhiên cũng có những ý kiến hoài nghi về chuyện cân đối thời gian và hiệu quả làm việc. Giải thích điều này, Thanh Thủy cho biết vấn đề nằm ở sự phối hợp và tự giác của mọi người. “Đến phiên ai nấu cơm thì những người còn lại sẽ cùng nhau hỗ trợ. Nấu ăn và làm việc tập thể nếu tị nạnh nhau thì không thể làm được” - cô giải thích.

Thanh Thủy cho biết các nhân viên nam cũng rất chịu khó, sẵn sàng nấu nướng rửa bát khi đến lượt mình

Ngoài ra, Thanh Thủy còn tiết lộ thêm rằng mình và đồng nghiệp nhận được sự ủng hộ từ sếp. “Sếp mình bảo duy trì được chuyện ăn uống như vậy là tốt, đảm bảo sức khỏe để làm việc. Tuy nhiên sếp vẫn nhắc nhở mọi người không để chuyện nấu nướng ảnh hưởng đến công việc” - cô kể lại.