Clip về cuộc sống của trẻ em miền sông nước gây xúc động mạnh trong ngày 1/6

Vic, Theo Trí Thức Trẻ 08:52 01/06/2015

Những ước mơ bình dị của các trẻ em vùng sông nước Long Xuyên như được sống tại đất liền, được đi học… khiến người ta hết sức xúc động.

Mới đây, một đoạn clip với tên gọi “Thì sông cứ chảy” đã được cư dân mạng truyền tay nhau. Đoạn clip dài hơn 4 phút này đã phác họa một cách khá rõ nét về cuộc sống và những ước mơ bình dị của trẻ em miền sông nước. Với ý nghĩa sâu sắc, đoạn clip nhận được sự quan tâm đặc biệt và khiến người xem có những phút “lặng lòng”.

Đoạn clip này đang được cộng đồng mạng truyền tay nhau với những dòng chia sẻ cảm động.

Mở đầu đoạn clip, quang cảnh sông nước mênh mông cùng những ngôi “nhà nổi” trôi lơ lửng được mở ra kèm theo phần giới thiệu của các nhân vật chính – những em bé sống-trên-mặt-nước với vẻ ngoài lấm lem nhưng có một tâm hồn ngây thơ “trong veo” như bao trẻ em khác. Viễn, Bé, Chi, Gấm… đều không đi học, vì chưa có giấy khai sinh. Cuộc sống của các em ở độ tuổi cắp sách đến trường ấy càng hiện ra rõ rệt hơn trước câu hỏi “Con làm gì?”. Câu trả lời, rong ruổi bán vé số là công việc hằng ngày của các em. Còn cha mẹ các em, có công việc dựa vào sông nước, bán cá.

Ai cũng tỏ ra thích thú với cuộc sống gắn liền với sông nước của mình vì được “nhảy sông”, được “tắm vui vẻ”, “giặt đồ thoải mái”. Có lẽ bởi ngay từ khi các em được sinh ra thì dòng sông đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. Tuy nhiên, khi được hỏi thì các em nhỏ ấy đều hồn nhiên cho biết rằng thích được sống ở đất liền hơn, ước mơ được sống trên mặt đất vì “trên bờ có đồ ăn”, trên bờ được đi học, được đi siêu thị…


"Con chưa được đến trường".

"Con không được đi học vì con không có giấy khai sinh".


Các em nhỏ xuất hiện trong clip với vẻ ngoài lem luốc nhưng ánh mắt trong veo, nụ cười hồn nhiên.


Thay vì đến trường, những đứa trẻ này rong ruổi bán vé số trên khắp các tuyến phố.




Song, ai cũng rạng ngời mỉm cười tươi khi nói về ước mơ về cuộc sống trên đất liền của mình.

Điểm nhấn của clip có lẽ là khi các em nhỏ được nói lên chính ước mơ, khao khát của mình. Được đi học, được có tiền để trả nợ cho mẹ, được có nhà lầu để nuôi chó mèo và thậm chí là được kết hôn… những ước mơ bình dị và gần gũi, nhưng lại là “xa xôi” với các em – dần dần được hiện ra dưới ánh mắt trong veo và giọng nói hồn nhiên. Với bao trẻ em bình thường khác, người ta sẽ thấy vui khi ở tuổi đó mà các em có ước mơ sau này làm bác sỹ, làm doanh nhân hay ca sỹ, nhưng với những đứa trẻ lam lũ này, có lẽ sẽ là chút “man mác” đằng sau nụ cười mỉm gượng gạo. Đoạn clip kết thúc bằng cảnh học bài trong ánh đèn dầu nhấp nháy và những trang sách cũ kỹ nhàu nát, như vẽ ra một viễn cảnh tương lai đầy thử thách của các em.

"Con ước con có tiền để trả nợ cho mẹ". 

"Con thích có nhà lầu, với con chó, với con mèo, và con chim". 

Một trong những vấn đề nổi trội hiện lên trong clip, đó là tình trạng bạo lực gia đình. Không bằng những ngôn từ đao to búa lớn, chỉ bằng những lời chia sẻ ngắt quãng và rụt rè, các em nhỏ đã khiến cho người xem nhìn nhận rõ ràng nhất câu chuyện đang diễn ra mỗi ngày trong các gia đình ở vùng sông nước. "Em không muốn lấy chồng, lấy chồng về nó say nó đánh", dường như bạo lực gia đình đã trở thành một phần hiển nhiên, ăn sâu vào tâm trí những em nhỏ ở nơi này. 

"Con không muốn lấy chồng, con sợ nó đánh con khi say". 

"Con thấy mấy người xung quanh đây bị chồng đánh quá trời luôn".

Người xem cảm nhận được tính chân thật của clip, qua từng câu trả lời hồn nhiên, ánh mắt vô tư và những nụ cười ngây thơ. Có lẽ bất cứ ai khi xem cũng sẽ có những phút “lặng lòng” khi nhận ra những thứ tưởng chừng tầm thường và luôn có sẵn thì lại trở nên thật “không tưởng” trong mắt người khác, nhất là với các em nhỏ.

Ra mắt vào đúng dịp 1/6, đoạn clip thật sự đã lay động được người xem bởi sự chân thực, gần gũi, cách dẫn dắt tự nhiên nhưng đầy lôi cuốn. Được biết, những cảnh quay xúc động này được ghi lại ở Long Xuyên. Tên gọi “Thì sông cứ chảy” của clip như khắc họa dòng chảy không ngừng của cuộc sống hiện đại, giữa muôn vàn toan tính bận rộn, dường như đã vô tình bỏ quên những tâm hồn bé bỏng và cần được chăm sóc này.

Ngày Quốc tế thiếu nhi, trong khi bao em nhỏ khác được bố mẹ mua quần áo, đồ chơi thì người ta lại đặt câu hỏi liệu những đứa trẻ ngây thơ miền sông nước này có biết ngày 1/6 là ngày gì?