3 kiểu "giải quyết" tiền lì xì hậu tết của teen

Nami, Theo 10:00 08/02/2011

Dù ít hay nhiều nhưng có bạn nào đã thử hình dung ra được "kế hoạch" chi tiêu khoản tiền mừng tuổi này như thế nào chưa? Không khéo lại vô tình "quăng tiền qua cửa sổ" thì có mà tiếc đứt ruột đấy.

Sau Tết, không phải teen nào cũng rủng rỉnh hầu bao, có bạn thì được vài chục, vài trăm hay đôi khi cũng là vài triệu "cứng" túi bởi chịu khó săn tiền lì xì vào mấy ngày Tết.

Mua những thứ mình thích

Xe điều khiển từ xa, quần áo, giày dép, máy mp3, hay chiếc đồng hồ đắt tiền... hẳn đều là những thứ rất đáng mơ tới của không ít bạn đúng không nào. Đó là chưa kể còn có nhiều món quý hơn, đắt tiền hơn nữa, bởi mỗi người là một sở thích mà.

Chúng tớ đi dò la, "thám tính" tình hình của vài bạn trẻ thì hết 70% đều chọn cách giải quyết này để tiêu cho xong tiền lì xì năm nay. Nếu thiếu thì ráng dành dụm tiết kiệm thêm mấy tuần ăn sáng, không thì phải mua cho bằng được tất cả những thứ mơ ước rồi "bón" thêm cho chú heo đất ở nhà. Thế là đã có một cách chi tiêu thật chính đáng.



Bạn Thiên Trang (quận 3) là một trong số người được chúng tớ tham khảo ý kiến thổ lộ rằng: "Tớ mong Tết đến cho mau mau để còn đi gom lì xì, gia đình tớ nhiều người lắm, nên mấy cái Tết trước tớ có ít nhất là một triệu trong túi. Năm nay, xui sao ai cũng làm ăn không ổn nên tiền lì xì cũng ít hơn hẳn.

Cô bác lì xì cho nhiều lắm là ba chục nghìn, nhưng thôi chủ yếu lấy hên đầu năm, buồn thì có buồn nhưng biết sao được. Ngặt cái tớ  "bồ kết" đôi giày trên mạng đang rao bán giá 900 nghìn mà năm nay lèo tèo tới mùng 4 mà mới được 600 nghìn, đành ngậm ngùi ủ đấy, ngày nào cũng online mong sao đừng ai mua nó, không là tức chết cho mà xem..."

Nuôi heo đất

Ôi, với cái kế hoạch này thì rất ư hiền lành và "ngoan ngoãn", nhưng không phải bạn nào cũng làm được đâu nhá. Bởi tuổi trẻ luôn dễ mắc phải "cám dỗ" không lành mạnh mà. Tâm lý của teen ngày nay đa số có tiền là tiêu cho hết, để lâu kẻo mất thì có mà tiếc đứt ruột. Cho nên ít có bạn nào chịu làm "chú dê con" ngoan ngoãn bỏ hết tiền lì xì của mình để nuôi heo đất hay làm sổ tiết kiệm.

Điển hình là bạn Chí Tâm (quận 8), bình thường tiền tiêu vặt của bạn này mỗi ngày chỉ có 10 nghìn đồng. Là học sinh cấp ba nên có mỗi 10 nghìn trong túi cũng chẳng bỏ bèn ăn đủ nhét kẽ răng chứ nói chi đến việc đi chơi cuối tuần với đám bạn, hay còn dư chút đỉnh mà nhét nuôi heo. Tính tới tính luôi có mỗi dịp Tết là Tâm mới có được nhiều tiền nhất.

Cũng khá giống với hoàn cảnh của Trang, gia đình đông, năm nào cũng được vài triệu "đóng" bóp. Năm nay không ngoại lệ, đã vậy còn nhiều hơn năm ngoái rất nhiều. Tâm cũng thẳng thắn tiết lộ khoản tiền lì xì năm nay là được đúng 1 triệu 6 lẻ 5 nghìn.

Được thế Tâm quyết mua cho bằng được đôi giày trượt patin cực chất mang vào lớp khoe bạn bè, mà chẳng để đồng nào dằn túi. Tuy nhiên các bạn nhớ nhé, mua gì thì cũng nên chưa một chút đỉnh phòng thân, biết đâu có lúc cần đến nhiều tiền xoay sở mà lại không có thì đúng là kẹt bít đường luôn đúng không nào.

Gửi cho bố mẹ

Các bạn đừng quá vội bĩu môi với kế hoạch này và cho rằng chẳng có ai "dại" như thế. Ít ra cũng có đến gần 10% bạn teen đồng tình nên đưa tiền lì xì cho bố hoặc mẹ giữ giùm, hay có bạn còn "tuyệt vời" đến mức đưa toàn bộ tiền lì xì của mình cho mẹ đi chợ đấy.

Đây hẳn là một việc tốt rồi, có thể cho là tiền mừng tuổi bố mẹ, dù ít hay nhiều cũng là một cách giúp trang trải tiền nhà cho người lớn đỡ phần lo lắng hơn. Mà chúng ta còn nhỏ, cũng đâu có khi nào cần tiêu đến khoản tiền lớn hay cũng có thể giữ lại một ít mua dụng cụ học tập, nhét bóp phòng thân còn lại bao nhiêu thì gửi cho bố mẹ giữ dùm.

Đây cũng là một kiểu "nuôi heo đất" lý thú nhất. Bởi nếu cần thì các bạn có thể xin bố mẹ lại, chứ không phải để cả một cục tiền ủ trong chiếc hộp kín mít khiến chúng trở nên "thụ động" bởi có tiền mà không được xài thì cũng hơi phí đúng không nào.

Các bạn nên tự chọn cho mình một cách sao để sử dụng tiền lì xì một cách tốt nhất, tuyệt nhất nhé. Đừng tiêu hao vào các khoản ăn chơi, phung phí thì cũng không lắm dúng không nào.