Hàng không là ngành vận tải đặc biệt đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, sự kiên nhẫn và tính chính xác tuyệt đối. Trong ngành hàng không, một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường.
Gần bốn thập kỷ trước, một phép toán sai lầm đã khiến chiếc máy bay Canada hết sạch nhiên liệu giữa bầu trời, phải lượn khẩn cấp xuống đường băng. Điều kỳ diệu là không ai bị thương tích nghiêm trọng, ngay cả chiếc máy bay cũng có thể phục vụ hãng hàng không thêm 25 năm nữa.
Chuyện gì đã thực sự xảy ra?
Ngày 23 tháng 7 năm 1983, chuyến bay 143 của hãng Air Canada cất cánh từ thành phố Montreal đến Edmonton, chở theo 61 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn. Máy bay cất cánh suôn sẻ với cơ trưởng và cơ phó đều là những phi công chuyên nghiệp, cơ trưởng đã có 26 năm kinh nghiệm lái máy bay trước đó.
Boeing 767 là chiếc máy bay hiện đại hãng Air Canada mới mua về vào thời điểm đó. Ảnh: Robert Pearson/CBC
Khi chiếc Boeing 767 đang băng băng ở độ cao 12.500m, phi hành đoàn bất ngờ nhận được những tín hiệu lạ. Chuông cảnh báo reo lên cho thấy máy bay đang thiếu nhiên liệu bơm cho động cơ trái. Lúc này, phi công nghĩ máy bơm bị hỏng nên tạm tắt chuông cảnh báo đi.
Thế nhưng chỉ vài giây sau, chuông cảnh báo áp suất thấp ở nhiên liệu bên phải cũng reo lên. Phi hành đoàn nhận ra máy bay đã thực sự sắp hết nhiên liệu. Họ lập tức chuyển hướng bay, tìm cách hạ cánh khẩn cấp ở thành phố Winnipeg cách đó gần 200km.
Máy bay bắt đầu giảm độ cao cũng là lúc động cơ bên trái bất ngờ bị hỏng. Ngay sau đó, động cơ phải của máy bay cũng phát nổ theo. Chiếc máy bay đang lơ lửng trên không trung với không một động cơ nào có thể vận hành.
Lần đầu tiên một chiếc máy bay chở khách không động cơ phải lượn xuống đường băng để tiếp đất. Ảnh minh họa: Mayday
Boeing 767 có hệ thống thiết bị bay điện tử được cung cấp bởi động cơ. Khi động cơ ngừng hoạt động, cả chiếc máy bay cũng mất điện theo, chỉ còn một vài dụng cụ bay khẩn cấp tối thiểu chạy bằng pin. Cabin chìm trong bóng tối khiến các hành khách phát hoảng. Hai phi công của hãng Air Canada cũng chưa bao giờ được huấn luyện cho tình huống này.
Bộ đôi phi công đã thực hiện một việc chưa có tiền lệ trong lịch sử hàng không - lượn chiếc máy bay chở khách một quãng đường 100km để hạ cánh xuống đường băng. Điểm đến là căn cứ không quân bỏ hoang Gimli (Winnipeg), khi đó đã trở thành đường đua và điểm cắm trại.
Điều kỳ diệu nằm ở chỗ, cơ trưởng Robert Pearson đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc lái thủy phi cơ, cơ phó Maurice Quintal cũng được huấn luyện lái thủy phi cơ tại Gimli khi phục vụ Không quân Canada. Cách hạ cánh mà họ đang làm với chiếc Boeing 767 chính là phương pháp hạ cánh của một chiếc thủy phi cơ.
Các phi công không biết rằng căn cứ không quân Gimli đã trở thành đường đua và nơi cắm trại của người dân. Ảnh: Monacolife
Máy bay lượn dần xuống căn cứ Gimli khi ở đây đang có rất nhiều người dân vui chơi ở đây. Cơ trưởng đạp mạnh phanh khiến toàn bộ trọng lượng chiếc máy bay dồn ra trước, mũi máy bay tóe lửa. Chiếc Boeing 767 đã dừng lại khi chỉ còn cách những người đứng quanh đó khoảng 30m.
Không có bất kỳ ca tử vong nào. Tất cả hành khách, phi hành đoàn và những người trên mặt đất đều an toàn. Chỉ có 10 hành khách bị thương nhẹ trong quá trình sơ tán khỏi máy bay bằng cầu phao.
Quá trình điều tra của Ủy ban An toàn Hàng không Canada đã chỉ ra rằng nguyên nhân của vụ tai nạn nằm ở khâu tiếp nhiên liệu.
Vào thời điểm xảy ra sự cố, ngành hàng không của Canada đang trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống số liệu. Chiếc Boeing 767 là máy bay đầu tiên được hiệu chuẩn cho các đơn vị hệ mét (lít và kilogam) thay vì đơn vị imperial (gallon và pound) của các máy bay trước.
Nhiệm vụ đổ nhiên liệu trước đây sẽ được hoàn thành bởi một kỹ sư máy bay nhưng ở Boeing 767, Air Canada đã tối giản đội bay chỉ có cơ trưởng và cơ phó, không có kỹ sư nên các phi công phải tự làm nhiệm vụ này.
Cơ trưởng Robert Peterson (phải) kể lại sự cố trên chuyến bay sau hơn 40 năm. Ảnh: Monacolife
Thay vì chuẩn bị thêm 20.088 lít xăng máy bay, đội kỹ thuật mặt đất đã tính toán nhầm và chỉ chuẩn bị cho phi công 4.917 lít. Tổng lượng xăng mà chiếc máy bay mang theo là 10.100 kg thay vì 22.300 kg, tức là chỉ một nửa lượng xăng cần thiết để bay đến Edmonton.
Cơ trưởng Pearson cũng nhầm lẫn về đơn vị đo nên đã không nhận ra sai lầm nghiêm trọng này, chuyến bay vẫn được tiến hành với thùng xăng chỉ có một nửa.
Thiếu sót trong công việc đã khiến cơ trưởng Pearson đã bị giáng cấp trong 6 tháng, cơ phó Quintal bị đình chỉ trong 2 tuần, 3 kỹ thuật viên mặt đất cũng bị đình chỉ công việc. Tuy nhiên 2 năm sau, cả cơ trưởng và cơ phó đều nhận được bằng khen vì những nỗ lực xuất sắc để cứu nguy và không để lại bất kỳ thương vong nào trong vụ tai nạn hy hữu của chuyến bay 143.