Thiên tài hay kẻ dị giáo?

Nuage, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 18/04/2013

Các nhà khoa học vĩ đại thay đổi cách chúng ta nhìn thế giới, bằng quá trình đấu tranh với các tư tưởng thủ cựu, những chỉ trích khắc nghiệt, phỉ báng và tra tấn về mặt tinh thần để mang tới ánh sáng tri thức cho nhân loại.

Sự can đảm trong quá trình bảo vệ các công trình nghiên cứu của năm nhà bác học dưới đây là bài học sâu sắc cho những ai muốn chạm tới thành công – Một khái niệm phải đổ bằng mồ hôi, nước mắt và có khi là cả cuộc đời.

Isaac Newton (1642-1727)

Thiên tài hay kẻ dị giáo? 1
  Newton sinh thời bị coi là một kẻ dị giáo ngược đời

Bằng cách chỉ ra sự thống nhất giữa Định luật Kepler về sự chuyển động của hành tinh và lí thuyết về trọng lực, Isaac Newton đã loại bỏ hoàn toàn Thuyết nhật tâm và theo đuổi cách mạng khoa học. Tuy vậy, nhà bác học vẫn tin vào Đức Chúa Trời. Ông từng nói “Lực hút Trái đất chỉ giải thích sự chuyển động của các hành tinh… Chính Chúa Trời mới là người điều khiển và sắp đặt vạn vật. Người là bất diệt, là vĩnh cửu”. Newton vẫn tin rằng Chúa tồn tại và thỉnh thoảng Người vẫn “nhúng tay” vào sự vận hồi của vũ trụ.

Tuy nhiên, người ta vẫn kết tội Newton là người đã tiếp tay cho việc suy giảm niềm tin vào tôn giáo. Ông bị coi là một kẻ dị giáo ngược đời. Chứng đãng trí của Isaac Newton thậm chí còn trở thành các giai thoại. Nguyên nhân là bởi ông quá say sưa với các nghiên cứu khoa học đến mức quên mình. Thời tuổi trẻ, Newton giấu tiệt một số nghiên cứu có giá trị khiến ông chật vật đấu tranh lấy lại bản quyền khi bị vi phạm. Ông cũng nổi tiếng kiệm lời, nhạy cảm với các phản bác và luôn ngẩn ngơ như đang suy nghĩ về một bài toán nào đó. Sau khi Newton qua đời, người ta đã tìm thấy một lượng thủy ngân trong cơ thể ông và suy đoán có thể đó là nguyên nhân gây ảnh hưởng thần kinh, khiến ông trở thành một con người có tính cách lập dị như trên.

Galileo Galilei (1564-1642)

Thiên tài hay kẻ dị giáo? 2
Các thí nghiệm của Galilei luôn gây kinh ngạc cho mọi người bởi sự táo bạo

Nhà thiên văn, vật lý, toán học và triết học lỗi lạc người Italy chưa bao giờ chùn bước trong cuộc đấu tranh với Giáo hội Công giáo Roma, để bảo vệ và phát triển thuyết nhật tâm của người đồng nghiệp Copernicus. Trước tòa án, dù bị yêu cầu "từ bỏ, nguyền rủa và ghê tởm" lý thuyết trái đất quay quanh mặt trời, Galilei vẫn chống đối với khẳng định rốt cùng “E pur si mouve” (Dù sao trái đất cũng chuyển động quanh mặt trời).

Không phải đến lúc ấy, Galileo Galilei mới bộc lộ nét tính cách khẳng khái, khác thường. Trước đó, vào những năm tuổi trẻ, ông từng từ bỏ chuyên ngành y tại Trường Đại học Pisa để theo đuổi toán học và vật lý. Các thí nghiệm của Galilei luôn gây kinh ngạc cho mọi người bởi sự táo bạo. Một trong những thí nghiệm quan trọng nhằm đưa ra định luật rơi tự do của ông được thực hiện trên tháp nghiêng Pisa. Nhà bác học cũng đích thân xuống xưởng thủ công, làm các công việc như những thợ kính, thợ thủy tinh lành nghề, để sáng tạo nên chiếc kính thiên văn chuẩn mực. Mặc cho Giáo hội buộc tội “Ống kính là một phát minh ma quỷ còn Galilei chính là tay sai của lũ ma quỷ đó để làm lung lạc niềm tin của các con chiên”, Galilei vẫn một mực “chung thủy” với các phát minh được soi chiếu bởi thực tế. Cuối cùng, vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Giáo hoàng John Paul II đã phục hồi danh dự cho Galileo và tuyên bố Tòa thánh đã mắc sai lầm.

Ignaz Semmelweis (1818-1865)

Thiên tài hay kẻ dị giáo? 3
  Lý thuyết của Semmelweis dù được chứng minh bằng thực tế vẫn bị trù dập do các đồng nghiệp không chịu thừa nhận sai lầm đến từ bản thân họ

Với tấm lòng nhân hậu của người thầy thuốc, khi được bổ nhiệm tới làm việc tại một bệnh viện ở thành phố Vienna, người đàn ông sinh ra ở Danube, Ignaz Semmelweis đã bắt tay vào cách phòng chống chứng sốt hậu sản – Nguyên nhân gây tử vong phổ biến ở sản phụ. Chứng minh được sốt hậu sản là do lây nhiễm, và thầy thuốc là những người khiến các vi trùng lây lan qua các bệnh nhân, lý thuyết của Semmelweis đã bị cho vào quên lãng do tính chất nhạy cảm. Mặc dù vậy, ông vẫn tích cực tuyên truyền thực hành nguyên tắc rửa tay bằng xà phòng, rồi ngâm tay vào dung dịch chloride trước khi khám cho sản phụ, và tỉ lệ nhiễm bệnh đã giảm đi đáng kể. Bị sa thải khỏi bệnh viện ở Vienna và cả một bệnh viện ở Hungary sau đó, vì các đồng nghiệp không chịu thừa nhận nghiên cứu của mình, Semmelweis đã phải chật vật để chứng minh điều mà ông rõ mười mươi, và đã được kiểm định nhưng vẫn bị bác bỏ.

Quá trình đi tìm chân lý, nhằm hạn chế những cái chết thương tâm cho các sản phụ do sự sơ suất của các bác sĩ, đã khiến Ignaz Semmelweis sức cùng lực kiệt. Năm 1865, ông bị đẩy vào một nhà thương điên với chẩn đoán về căn bệnh Alzheimer. Điều đáng thương tâm là ông mất hai tuần sau đó do các vết thương bị đánh đập hoại tử. Trớ trêu thay, cũng năm ấy, bác sĩ phẫu thuật người Anh, Joseph Lister cũng bắt đầu giới thiệu thành công chất carbolic acid (phenol) để khử trùng các dụng cụ giải phẫu, làm sạch vết thương, và ông trở thành “cha đẻ của thuốc sát trùng”.

Charles Darwin (1809-1882)

Thiên tài hay kẻ dị giáo? 4
  Sinh thời, Darwin bị coi là một kẻ lập dị

Sau Galilei, Darwin là nhà bác học có cuộc đối đầu nảy lửa với Giáo hội. Thuyết tiến hóa của ông bị coi là một lý thuyết dị giáo do quan điểm cực đoan của Giáo hội, rằng trái đất được tạo ra một cách hoàn hảo và Thiên Chúa đã kiến thiết nên tất cả. Mặc dù có đầy đủ bằng chứng khi công bố lý thuyết này, cụ thể là cuốn On the Origin of Species (Nguồn gốc muôn loài), Darwin vẫn bị phản đối và bị miêu tả giống như một con khỉ đột.

Tuy vậy, nghiên cứu khoa học của Darwin mang tư tưởng của một thiên tài, mặc dù sinh thời, ông bị coi là một kẻ lập dị. “Lớp học” của chàng trai vùng Shropshire là các thí nghiệm với cây cỏ, côn trùng ở …vườn trường, và không lâu sau đó bị buộc thôi học. Trước đó, thời thơ ấu, Darwin đã nổi tiếng là một cậu bé thích khám phá thiên nhiên, ít nói, thường trầm tư suy ngẫm như một ông cụ non. Tất cả mọi người đều ngán ngẩm với các phát hiện mà họ cho là ngây ngô, vớ vẩn của cậu bé khác người. Sự kiện theo tàu viễn du Beagle 5 năm trời, qua gần 65.000 km, đã khiến Darwin trở nên nổi tiếng, nhờ trung gian là các di vật gửi về cho nhà tự nhiên học nổi tiếng đương thời là Giáo sư John Stevens Henslow. Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực, thế giới khoa học đã phải công nhận lý thuyết của Darwin và cả thế giới đều phải ngả mũ trước thiên tài lập dị này.

Alfred Wegener (1880-1930)

Thiên tài hay kẻ dị giáo? 5
  Alfred Wegener mất cả cuộc đời để chứng minh và hoàn thiện nghiên cứu về Thuyết trôi dạt lục địa

Điều đáng tiếc nhất cho Alfred Wegener là ông đã sinh nhầm thời. Thuyết trôi dạt lục địa của Wegener đi ngược lại với lý thuyết chính thức và không nhận được bất cứ một sự hỗ trợ động lực học vật lý nào. Các bản đồ thế giới từng tồn tại trong quá khứ được Wegener vẽ ra bị chế nhạo, bởi người ta tin rằng trái đất ngay từ lúc mới sinh ra đã cố định ở một vị trí. Bị cô lập, Alfred Wegener vừa chiến đấu với đám đông, vừa cố gắng tích lũy các bằng chứng mới, và cập nhật liên tục cho nghiên cứu của mình.

Cuối cùng, đến những năm 1960, 30 năm sau khi Alfred Wegener qua đời trong một chuyến thám hiểm Bắc cực, ý tưởng của ông mới được chấp nhận do người ta không thể tìm ra sơ hở nào để tiếp tục phản đối. Về cái chết của Alfred Wegener, theo câu chuyện được kể lại, bất chấp cái lạnh ở Bắc cực, ông đã nỗ lực đưa đồ tiếp tế tới một trạm khí tượng ở giữa đảo Greenland, và bỏ mạng trên đường quay lại do nhiệt độ xuống thấp tới -60°C.