Sự thật về phép nhiệm màu của âm nhạc Mozart

Nuage, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 10/01/2013

Việc nghe nhạc Mozart từ lâu đã được truyền tụng là một trong những phương pháp tự nhiên nhằm tăng cường trí thông minh, mặc dù bằng chứng khoa học về điều này còn quá mong manh.

Ra đời từ năm 1991, “hiệu ứng Mozart” chỉ đơn thuần là một nghiên cứu có tính mô tả. Hai năm sau đó, tạp chí Nature khẳng định nghe nhạc cổ điển bằng một cách nào đó, cải thiện sức mạnh của bộ não. Nhạc Mozart là một thí dụ tiêu biểu của dòng Hàn lâm cổ điển và có thể “ngấm” vào não một phần tinh túy nào đó nếu được nghe một cách thường xuyên.

Như được tiếp sức, các phương tiện truyền thông đổ xô vào việc ca ngợi lợi ích của nhạc Mozart đối với sự phát triển trí tuệ con người. Hàng ngàn bậc phụ huynh tập chơi nhạc Mozart hăng say hơn để kích thích trí thông minh của con cái. Thậm chí năm 1998, Zell Miller, Thống đốc tiểu bang Georgia, Mỹ còn yêu cầu trích một khoản ngân sách nhà nước để tặng mỗi em bé sơ sinh một đĩa CD nhạc cổ điển. Không chỉ con người tăng cường nghe nhạc cổ điển mà thậm chí cả bò sữa cũng được cho là đã cung cấp sản lượng sữa nhiều hơn nhờ được nghe nhạc Mozart. Điều này đã được chính nông dân ở một trạng trại tại Italia tự hào tiết lộ cho Sergio Della Sala, nhà tâm lý học và là tác giả của cuốn sách Mind Myths khi ông ghé thăm nơi đây.

Sự thật về phép nhiệm màu của âm nhạc Mozart 1
Năm 1998, Zell Miller, Thống đốc tiểu bang Georgia, Mỹ còn yêu cầu trích một khoản ngân sách nhà nước để tặng tất cả các em bé sơ sinh một đĩa CD nhạc cổ điển

Để chắc chắn hơn về tác dụng của nhạc Mozart với sự nhanh nhạy của đầu óc con người, 36 sinh viên đến từ Đại học California đã được huy động để tham gia một cuộc khảo sát. Họ đã thực hiện các công việc xen kẽ với việc nghe bản Sotana của Mozart trên piano. Các sinh viên thẩm thấu được cái hay của nhạc Mozart đã làm tốt định mức công việc được giao. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hiệu ứng nhay nhạy của não chỉ kéo dài trong 15 phút. Sau khoảng thời gian ấy, họ trở lại như trước. Điều đó chứng tỏ rằng, âm nhạc của Mozart có thể gợi mở những “điểm sáng” trong trí não của con người, nhưng có hạn mức và không thể tăng cường trí thông minh cho cả một đời người.

Từ đó, người ta bắt tay vào nghiên cứu hiệu ứng tạm thời của âm nhạc cổ điển nói chung và nhạc Mozart nói riêng lên sự phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, chưa có một kết luận chính thức nào về tác dụng rõ rệt nào về hiện tượng này. Cho đến năm 2006, một nghiên cứu lớn dựa theo kết quả theo dõi trên 8.000 trẻ em được cho nghe nhạc Mozart trong 10 phút đã được tiến hành. Kết quả khá khả quan khi khả năng dự đoán của các em tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lại thêm một lần nữa thất vọng khi được cho thưởng thức nhạc Pop, các đối tượng tham gia nghiên cứu lại còn có khả năng nhận biết và xử lý nhanh nhạy hơn cả khi nghe nhạc Mozart.

Sự thật về phép nhiệm màu của âm nhạc Mozart 2
Nghe nhạc Mozart không tạo nên một phép nhiệm màu nào cho trí tuệ mà chỉ là bước khởi đầu của một tình yêu lâu bền với âm nhạc cổ điển

Từ đó, người ta đã kết luận rằng, không cứ gì âm nhạc, mà bất cứ điều gì giúp con người tỉnh táo, thư giãn hơn đều có thể có tác dụng kích thích khả năng sáng tạo và phát triển bộ não. Có chăng, việc học chơi một nhạc cụ nào đó có thể mang lại lợi ích trí não. Điều này đã được Jessica Grahn, một nhà khoa học nhận thức tại Western University ở London khẳng định: “Thực hành thường xuyên các bài tập piano có thể giúp tăng chỉ số IQ”.

Bởi vậy, nghe nhạc Mozart không tạo nên một phép nhiệm màu nào cho trí tuệ mà đơn giản chỉ là bước khởi đầu của một tình yêu lâu bền với âm nhạc cổ điển.