Người phụ nữ nhỏ bé bên cạnh nhân vật vĩ đại của nước Mỹ

Kachi, Theo Pháp luật xã hội 00:00 27/12/2013

Không có những phát minh mang tầm thời đại, gia tài viết lách đồ sộ như người anh trai vĩ đại Benjamin Franklin, chỉ bằng cuốn tiểu sử khiêm tốn Book of Ages, Jane Franklin đã cho thấy ý thức với tri thức của một phụ nữ vô danh.

Benjamin Franklin (1706 – 1790) là một trong các nhân vật hàng đầu đã xây dựng nên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ; là người duy nhất đã ký tên vào 4 văn kiện quan trọng trong Lịch sử Mỹ, đó là Bản Tuyên ngôn Độc lập, Hiệp ước Đồng Minh với Pháp, Hiệp ước Hòa bình với Anh và Hiến pháp Hoa Kỳ. Là một chính trị gia, ông còn là một nhà khoa học, một tác giả, một thợ in, một triết gia, một nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, một nhà ngoại giao hàng đầu. Thành thạo 5 thứ tiếng, là người đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Đại học Pennsylvania và Trường Franklin và Marshall, chủ tịch đầu tiên của Hội Triết học Mỹ, Benjamin Franklin được coi như một con người phi thường. Những ứng dụng có ích ngày nay như cột thu lôi, bếp lò Franklin, ống thông tiểu, chân nhái, harmonica, và kính hai tròng đều là những phát minh nổi tiếng của Benjamin Franklin. Ít ai biết rằng anh hùng dân tộc của người Mỹ còn có một em gái, tên là Jane Franklin, một phụ nữ thông minh nhưng bất hạnh.

Người phụ nữ nhỏ bé bên cạnh nhân vật vĩ đại của nước Mỹ 1
Cuốn sách - The Ladies Library và bản ghi chép thí nghiệm quan sát về điện Benjamin Franklin gửi cho em gái

Là con gái út của gia đình Franklin, một gia đình theo nghề lao động chân tay không có ai làm nên sự nghiệp lớn lao, cho tới khi Benjamin trở thành anh hùng dân tộc. Jane Franklin (1712–1794), như bao phụ nữ thời đó, sống bên lề lịch sử. Người ta dường như chỉ phát hiện ra bà sau khi biết đến những lá thư gửi cho người anh trai nổi tiếng và sau đó là một cuốn sách do bà đứng tên có tên gọi là Book of Age gồm 16 trang giấy khâu tay trong đó liệt kê lại những sư kiện như ngày sinh, kết hôn, cái chết của các con, người chồng và bản thân mình. Thời điểm Chiến tranh Cách mạng nổ ra ở Boston, Jane là một góa phụ 63 tuổi, trước khi quân đội Anh lục tung mọi thứ, bà đã nhanh trí giấu cuốn tiểu sử và những lá thư của anh trai trong một thân cây. Ngày nay, những kỷ vật của người phụ nữ này còn lại rất ít. Không chân dung, không bia mộ, hồi ức về em gái của người anh hùng nước Mỹ chỉ là những câu chuyện khiêm tốn trong những trang giấy nhỏ. 

Khác với những phụ nữ cùng thời, Jane Franklin biết đọc, viết thành thạo dù không được đến trường. Tuy những lá thư của bà thể hiện một lối chính tả nghèo nàn, câu cú lủng củng nhưng cũng đã thể hiện một ý thức văn minh rõ rệt. Từ nhỏ, Jane Franklin đã hòa vào nhịp sống lao động của gia đình, đan lát, thêu thùa, may vá, nội trợ và làm xà phòng, nghề gia truyền của gia đình. Bà rất thân thiết với anh trai Benjamin, người dạy bà đọc, viết, cả hai thường gọi nhau bằng những cái tên thân mật Benny và Jenny. 

15 tuổi, Jane Franklin đã kết hôn với một người hàng xóm có tiểu sử gia đình mắc chứng tâm thần, làm nghề bán yên ngựa, chính thức trở thành bà Jane Mecom. Anh trai Benjamin đã gửi quà cưới cho em gái là một bánh xe quay. Ở tuồi 22, đã nếm trải đầy đủ những khổ ải của cuộc đời người phụ nữ thiếu may mắn khi Edward Mecom, chồng bà không có một công việc ổn định, vướng vào nợ nần. 

Năm Jane Franklin 21 tuổi, Benjamin Franklin đã cho em gái một cuốn sách - The Ladies Library, nhằm khuyến khích bà đọc sách. Đây là cuốn sách chuyên về giáo dục đạo đức người phụ nữ với thiên chức làm vợ, làm mẹ, nhẫn nhịn và hi sinh. Năm 1750, ở tuổi 38, bà tiếp tục nhận được một bản ghi chép thí nghiệm quan sát về điện của anh trai mà Jane Franklin hiểu biết rất hạn chế. Tuy nhiên, bà thường nhiệt tình đọc tác phẩm của Benjamin Franklin “Trong khả năng cho phép tôi hiểu”. 

Người phụ nữ nhỏ bé bên cạnh nhân vật vĩ đại của nước Mỹ 2

Ngôi nhà, nơi Benjamin Franklin và Jane Franklin ra đời

Trước khi sinh đứa con ít ở tuổi 39, Jane Franklin từng mang thai 12 lần suốt 22 năm. Chừng ấy thời gian, bà đã trải qua những biến cố lớn như cái chết của 11 đứa con, gánh vác nợ nần cho chồng, vực dậy kinh tế gia đình. Bà được miêu tả là một phụ nữ nội trợ luôn bận quần áo rách rưới, suốt ngày vật lộn với những đứa trẻ, nhận thêm học sinh ở trọ trong nhà để kiếm thêm thu nhập. Tuy vậy, Jane Franklin luôn khuyến khích con cái học tập, dạy những đứa trẻ đọc, viết những mong tương lai của chúng sẽ sáng sủa hơn mẹ. Năm 1767, cùng với hai con gái Jenny và Polly, bà mở một cửa hàng bán mũ bonnets làm tay từ nguyên liệu được một người bạn của Benjamin Franklin gửi từ London. 

Trong khi Benjamin Franklin đang “chinh chiến” trên trường ngoại giao ở Pháp, cố gắng để hé lộ càng ít càng tốt thân phận khiêm tốn của mình, Jane Franklin vẫn tràn đầy tin tưởng, từ ngôi nhà nhỏ của mình ở Boston vẫn gửi những bánh xà phòng handmade cho anh trai. Khi Benjamin Franklin qua đời vào năm 1790, ông di chúc lại ngôi nhà cho em gái Jane Franklin và bà sống ở đây cho tới khi qua đời. Ngôi nhà sau này đã bị phá bỏ để nhường chỗ cho một đài tưởng niệm Paul Revere.

Người phụ nữ nhỏ bé bên cạnh nhân vật vĩ đại của nước Mỹ 3
 Bên cạnh “Great Men” - Benjamin Franklin, một “Little Women” - Jane Franklin xứng đáng được nhắc nhớ trong tiểu sử của người anh hùng dân tộc Mỹ

Không có những phát minh mang tầm thời đại, gia tài viết lách đồ sộ cũng như vị trí đỉnh cao như anh trai Benjamin Franklin nhưng chỉ bằng cuốn tiểu sử nhỏ bé Book of Ages, Jane Franklin đã cho thấy ý thức với tri thức cũng như trí thông minh của một phụ nữ vô danh. Vì thế, bên cạnh “Great Men” - Benjamin Franklin, một “Little Women” - Jane Franklin xứng đáng được nhắc nhớ trong tiểu sử của người anh hùng dân tộc Mỹ.